Giao thông Thủy lợi Hà Nội: Doanh thu trăm tỷ và khối nợ ‘phình to'
(VNF) - Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Giao thông Thủy lợi Hà Nội từng tham gia và trúng nhiều gói thầu từ hàng chục tỷ đến cả trăm tỷ đồng. Tuy nhiền, khối nợ của doanh nghiệp cũng ngày càng “phình to”.
- Giao thông thủy lợi Hà Nội: Doanh thu tăng nhanh, nợ ngày càng lớn 18/07/2024 10:15
Theo tài liệu của VietnamFinance, những năm qua, Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Giao thông Thủy lợi Hà Nội (Giao thông Thủy lợi Hà Nội) có địa chỉ tại số 24B ngõ 535/14 đường Lạc Long Quân, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội, đã tham dự thầu với tư cách độc lập hoặc liên danh đã liên tiếp trúng nhiều gói thầu công trình xây dựng thuỷ lợi trên cả nước. Điểm đáng chú ý, tại các gói thầu mà doanh nghiệp này tham gia dự thầu và trúng thầu có mức tiết kiệm ngân sách rất thấp.
Nhờ vào việc liên tiếp trúng thầu ở các dự án công giúp Giao thông Thủy lợi Hà Nội ghi nhận doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Trong giai đoạn 2020 – 2023, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ của Giao thông Thủy lợi Hà Nội có nhiều sự biến động. Đáng chú ý, doanh nghiệp ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm 2022 – 2023.
Cụ thể, năm 2020 công ty ghi nhận doanh thu đạt 237,09 tỷ đồng và tăng lên 383,91 tỷ đồng vào năm 2021. Bước sang năm 2022, doanh thu sụt giảm tới hơn 47% (tương đương hơn 181 tỷ đồng) xuống còn 202,23 tỷ đồng và tăng vọt lên 546,97 tỷ đồng vào năm 2023, tăng gấp 2,7 lần so với năm trước đó.
Trong khi đó, lãi sau thuế của Giao thông Thủy lợi Hà Nội giai đoạn 2020 – 2023 ghi nhận lần lượt là: 988,64 triệu đồng; 1,26 tỷ đồng; 624,32 triệu đồng; 1,71 tỷ đồng.
Với hiệu quả kinh doanh èo uột như vậy, mỗi năm doanh nghiệp chỉ phải chi ra khoảng vài chục, đến trăm triệu đồng cho khoản nộp thuế Nhà nước. Cần nhấn mạnh rằng, nguồn thu của Giao thông Thủy lợi Hà Nội được ghi nhận rất nhiều từ chính ngân sách Nhà nước.
Giai đoạn 2020 – 2023, tổng cộng tài sản của Giao thông Thủy lợi Hà Nội liên tục gia tăng theo từng năm. Cụ thể, từ 222,82 tỷ đồng năm 2020 lên 253,69 tỷ đồng vào năm 2021; tới năm 2022 tăng lên 322,87 tỷ đồng và năm 2023 là 351,23 tỷ đồng. Như vậy, sau 4 năm tổng cộng tài sản của công ty tăng 1,6 lần.
Tính đến thời điểm cuối năm 2023, tổng cộng tài sản của doanh nghiệp ghi nhận 351,23 tỷ đồng, tăng 8,8% so với con số 322,87 tỷ đồng của năm 2022. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn chiếm gần một nửa tổng tài sản ghi nhận ở mức hơn 168,95 tỷ đồng. Hàng tồn kho ghi nhận 99,64 tỷ đồng, chiếm 28% so với tổng tài sản.
Đáng chú ý, điểm gợn trong bức tranh tài chính của Giao thông Thủy lợi Hà Nội không bắt nguồn từ việc kinh doanh kém hiệu quả mà xuất phát từ cơ cấu nguồn vốn do tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính quá cao.
Cụ thể, giai đoạn từ năm 2020-2022, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ở quanh mức khoảng 22 tỷ đồng. Trong khi đó, năm 2023 vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ghi nhận hơn 32 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2020 – 2023, tổng nợ phải trả của Giao thông Thủy lợi Hà Nội có chiều hướng gia tăng, ghi nhận lần lượt qua các năm là: 200,79 tỷ đồng; 231,07 tỷ đồng; 301,75 tỷ đồng và 319,22 tỷ đồng.
Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn của Giao thông Thủy lợi Hà Nội trong giai đoạn 2020 – 2023 liên tục gia tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2020 vay nợ hơn 8,79 tỷ đồng; năm 2021 là 27,89 tỷ đồng; năm 2022 là 31,06 tỷ đồng và năm 2023 là 48,37 tỷ đồng.
Hiện hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) của Giao thông Thủy lợi Hà Nội trong giai đoạn 2020 – 2023 lần lượt là: 9,1 lần; 10,2 lần; 14,2 lần và 9,97 lần. Như vậy, nguồn vốn của Giao thông Thủy lợi Hà Nội được tài trợ chủ yếu bởi nợ.
Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì khả năng gặp khó khăn trong việc trả nợ hoặc phá sản của doanh nghiệp càng lớn. Được biết, nợ và vốn chủ sở hữu là hai nguồn vốn cơ bản để tài trợ vốn cho hoạt động của một doanh nghiệp. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu giúp nhà đầu tư có một cái nhìn khái quát về sức mạnh tài chính, cấu trúc tài chính của doanh nghiệp và làm thế nào họ có thể chi trả cho các hoạt động.
Trên thực tế, nếu nợ phải trả chiếm quá nhiều so với nguồn vốn chủ sở hữu có nghĩa là doanh nghiệp đi vay mượn nhiều hơn số vốn hiện có, nên họ có thể gặp rủi ro trong việc trả nợ, đặc biệt là doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn hơn khi lãi suất ngân hàng ngày một tăng cao.
Mặc dù việc sử dụng nợ cũng có ưu điểm, đó là chi phí lãi vay sẽ được trừ vào thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng về lâu dài, doanh nghiệp vay nợ sẽ bị rủi ro về lãi suất, tỷ giá (nếu vay ngoại tệ) và lạm phát.
Về rủi ro kinh doanh, doanh nghiệp sẽ chịu sự biến động của nguyên liệu đầu vào cùng giá bán đầu ra. Do đó, họ phải cân nhắc giữa rủi ro về tài chính và ưu điểm của vay nợ để đảm bảo tỉ lệ hợp lý nhất.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp chấp nhận sử dụng đòn bẩy cao để đổi lấy mức lợi nhuận không tương xứng trong bối cảnh các ngành nghề kinh doanh khó khăn và cách phân bổ nguồn vốn vẫn chưa được hiệu quả.
Công ty cổ phần Xây dựng hạ tầng Giao thông Thủy lợi Hà Nội (Giao thông Thủy lợi Hà Nội) có địa chỉ tại số 24B ngõ 535/14 đường Lạc Long Quân, phường Xuân La, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Ông Ngô Quý Mừng là người đại diện pháp luật kiêm Giám đốc. Công ty hoạt động chính trong lĩnh vực xây dựng công trình dân dụng, kiến trúc và bán buôn các thiết bị máy móc.
Xây dựng số 6: Liên tục trúng thầu ở Điện Biên, vững chân trên đất Tây Bắc
- Xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh: Nhà thầu xây dựng lớn, thế chấp loạt tài sản vay vốn NH 13/07/2024 11:00
- Công ích Quận 1 trúng thầu 273 tỷ: Đúng thế mạnh, trên 'sân nhà' và đối tác lâu năm 13/07/2024 02:30
- Xây dựng và Cây xanh Nha Trang: Vốn điều lệ hơn 12 tỷ, doanh số trúng thầu hơn 4.000 tỷ 12/07/2024 01:30
Cảnh đìu hiu ở Chợ trung tâm Móng Cái chuyên bán hàng Trung Quốc
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone