Bất động sản

Giao thông tuần qua: FLC xin đầu tư sân bay Quảng Trị, Hà Tĩnh muốn có sân bay quốc tế

(VNF) - Tập đoàn FLC đề xuất xin phê duyệt chủ trương nghiên cứu, đầu tư dự án cảng hàng không Quảng Trị; Hà Tĩnh muốn có sân bay quốc tế trong vòng 10 năm tới... là những tin tức giao thông đáng chú ý trong tuần qua.

Giao thông tuần qua: FLC xin đầu tư sân bay Quảng Trị, Hà Tĩnh muốn có sân bay quốc tế

Hà Tĩnh muốn có sân bay quốc tế trong vòng 10 năm tới.

FLC của ông Trịnh Văn Quyết xin đầu tư sân bay Quảng Trị

Trong công văn vừa trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị và UBND tỉnh Quảng Trị, Tập đoàn FLC đề xuất xin phê duyệt chủ trương nghiên cứu, đầu tư dự án Cảng hàng không Quảng Trị.

Trong công văn, FLC xác định lĩnh vực hàng không là mục tiêu mũi nhọn của tập đoàn trong năm 2020 cũng như kế hoạch 5 năm 2020-2025.

Chính vì vậy, Tập đoàn FLC mong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị và UBND tỉnh ủng hộ định hướng phát triển vận tải hàng không, tạo động lực thay đổi đột phá diện mạo nền kinh tế của tỉnh.

Vào tháng 7 vừa qua, Cục Hàng không Việt Nam đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải phê duyệt quy hoạch cảng hàng không Quảng Trị giai đoạn đến năm 2030.

Theo đó, cảng hàng không Quảng Trị có vị trí tại xã Gio Quang và xã Gio Mai, huyện Gio Linh; nằm ở phía bắc, cách TP. Đông Hà 7km; là sân bay cấp 4C đối với hoạt động khai thác dân dụng và sân bay cấp II đối với hoạt động quân sự

Đây là cảng hàng không nội địa có chức năng vận chuyển hành khách, hàng hóa nội địa và là sân bay dùng chung dân dụng và quân sự được xây dựng trên diện tích 594 ha.

Cục Hàng không Việt Nam đề xuất xây dựng tại cảng hàng không Quảng Trị 1 đường cất hạ cánh kích thước 2.400m x 45m, lề đường cất hạ cánh rộng 7,5 m mỗi bên, hướng 04 – 22, kết cấu đường cất hạ cánh đảm bảo khai thác tàu bay A320/321 và tương đương; 1 sân đỗ đáp ứng tối thiểu 5 vị trí đỗ tàu bay A320/321; các công trình đảm bảo hoạt động bay đồng bộ theo đúng tiêu chuẩn của tổ chức hàng không dân dụng quốc tế.

Cảng hàng không Quảng Trị được quy hoạch xây dựng 1 nhà ga hành khách tại khu vực phía Nam sân đỗ tàu ba, quy mô 2 cao trình, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 10.000m2, công suất 1 triệu hành khách/năm và có đất dự trữ mở rộng khi có nhu cầu…

Theo tính toán, để xây dựng mới cảng hàng không Quảng Trị đáp ứng quy mô quy hoạch nói trên cần khoảng 8.014 tỷ đồng; nguồn vốn dự kiến huy động từ ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp, PPP. (Xem thêm)

Hà Tĩnh muốn có sân bay quốc tế trong vòng 10 năm tới

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Tiến Hưng vừa có công văn đề nghị Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam chỉ đạo tư vấn, lập bổ sung Cảng hàng không Hà Tĩnh vào Quy hoạch mạng lưới Cảng hàng không toàn quốc đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.

Ông Trần Tiến Hưng cho biết, hiện quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, do Tập đoàn tư vấn BCG của Mỹ lập, hiện nay Quy hoạch đang lấy ý kiến của các Bộ, ban, ngành Trung ương để hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Theo đó, BCG đánh giá với đà phát triển kinh tế của tỉnh cùng với định hướng ưu tiên phát triển du lịch, đặc biệt với sự phát triển nhanh của Khu kinh tế Vũng Áng thị số lượng khách du lịch, số lượng chuyên gia, lao động trong nước và nước ngoài làm việc tại tỉnh càng lớn nên có thể thúc đẩy nhu cầu đi lại bằng phương tiện hàng không, dự báo Hà Tĩnh có tiềm năng tiếp nhận khoảng 3,8 triệu lượt nhu cầu bay một năm vào năm 2030.

"Như vậy, theo các quy hoạch nêu trên thì tỉnh Hà Tĩnh được nghiên cứu, triển khai xây dựng sân bay từ năm 2020, vị trí tại xã Cẩm Dương, Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên", ông Trần Tiến Hưng cho biết.

UBND tỉnh Hà Tĩnh đề xuất quy hoạch cảng hàng không với tên gọi Sân bay quốc tế Hà Tĩnh có diện tích từ 300ha vào năm 2030 đến 450ha vào năm 2050 tại xã Thạch Văn huyện Thạch Hà, Cẩm Dương, Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là sân bay dân dụng quốc tế cấp 4C có 2 đường băng với chiều dài lớn hơn 1.800m.

Các đường bay dự kiến khai thác tại sân bay này là Hà Nội, TP. HCM, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Phú Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc. Sân bay có  năng lực khai thác đến năm 2030 đạt 500.000 hành khách/năm, đến năm 2050 đạt 2 triệu hành khách/năm. 

Về vị trí quy hoạch sân bay Hà Tĩnh tại xã Thạch Văn (huyện Thạch Hà), Cẩm Dương, Cẩm Hòa (huyện Cẩm Xuyên) theo các quy hoạch nêu trên đã được tỉnh dành quỹ đất từ hơn 20 năm qua. (Xem thêm)

Hàng không Việt đồng loạt mở lại đường bay quốc tế

Sau Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways đã lần lượt công bố kế hoạch khai thác bay quốc tế trở lại ngay trong tháng 9.

Vietjet Air cho hay hãng sẽ khai thác lại các chuyến bay thường lệ tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) để đáp ứng nhu cầu học tập, lao động và đi lại an toàn của hành khách. Đại diện Vietjet khẳng định hãng đang khẩn trương mở lại mạng bay quốc tế đến Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc) và Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc) từ ngày 29/9.

Cũng theo hãng, các chặng bay gồm TP.HCM - Tokyo (Narita, Nhật Bản), TP.HCM - Seoul (Incheon, Hàn Quốc), Hà Nội - Đài Bắc (Đào Viên, Đài Loan) sẽ được khai thác với tần suất 1 chuyến/tuần. Hành khách khi thực hiện xuất cảnh tại Việt Nam cần có giấy chứng nhận âm tính với Covid-19 được cấp trong 3 ngày trước khi thực hiện chuyến bay cũng như tuân thủ yêu cầu về kiểm dịch y tế bắt buộc của nước sở tại.

Tương tự, Bamboo Airways cũng thông báo sẽ khôi phục đường bay Hà Nội - Đài Bắc dự kiến từ 29/9 với tần suất 1 chuyến/tuần, khởi hành từ 13h các ngày thứ ba hàng tuần.

Đường bay Hà Nội - Seoul (Hàn Quốc) dự kiến được hãng khôi phục từ 7/10 với tần suất 1 chuyến/tuần bằng máy bay thân rộng Boeing 787-9 Dreamliner. Chuyến bay dự kiến khởi hành từ Hà Nội lúc 23h50 các ngày thứ tư hàng tuần.

Hãng cũng cho biết tần suất khai thác chung sẽ được từng bước tăng dần theo nhu cầu của thị trường. Các chuyến bay chở khách chiều ngược lại về Việt Nam sẽ được thực hiện sau khi có phê duyệt chính thức của các nhà chức trách.

Đối với các đường bay mới tới Nhật Bản, Bamboo Airways dự kiến đưa vào khai thác đường bay TP. HCM - Tokyo từ 1/11, đường bay Hà Nội - Tokyo từ tháng 12.

Trước đó Vietnam Airlines cho biết từ ngày 18/9 hãng sẽ khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên, bắt đầu bằng đường bay đi Nhật Bản.

Đường bay một chiều từ Việt Nam đi Nhật Bản sẽ được khai thác sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Các chuyến bay nhằm phục vụ nhu cầu của hành khách từ Việt Nam đến Nhật Bản lao động, học tập và sinh sống. Vietnam Airlines cho biết công tác phòng chống dịch bệnh vẫn được hãng cùng các cơ quan chức năng phối hợp thực hiện nghiêm ngặt. (Xem thêm)

Thủ tướng ra công điện khẩn vì 'sốt ruột' với loạt dự án giao thông trọng điểm chậm GPMB

Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện hỏa tốc về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và các dự án công trình trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và các địa phương cần tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác GPMB các dự án trọng điểm như cao tốc Bắc - Nam phía Đông; dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Bến Lức - Long Thành; các dự án đường bộ, đường sắt cấp bách; các dự án nâng cấp đường thủy nội địa và các dự án khác…

Cụ thể, với dự án cao tốc Bắc - Nam, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh có dự án đi qua, các Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) thực hiện nghiêm công điện trước đó của Thủ tướng về công tác GPMB.

Các cơ quan liên quan cần khẩn trương thực hiện hoàn thành toàn bộ khối lượng GPMB còn lại, đặc biệt là công tác xây dựng các khu tái định cư, di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường điện, đường nước, cáp quang,...) bàn giao toàn bộ mặt bằng cho Bộ Giao thông Vận tải trong quý III/2020 để triển khai khởi công xây dựng các dự án.

Đối với dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành, Thủ tướng đánh giá dự án thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư cảng hàng không quốc tế Long Thành có quy mô đặc biệt lớn (thu hồi đất của 5283 hộ/15.716 thửa đất và 26 cơ quan tổ chức, diện tích đất thu hồi 5.364,12 ha) đòi hỏi có sự nỗ lực rất lớn từ phía UBND tỉnh Đồng Nai và các bên liên quan trong công tác phối hợp, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Do đó, Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Đồng Nai tập trung xử lý, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đảm bảo bàn giao toàn bộ mặt bằng khu vực ưu tiên xây dựng cảng hàng không giai đoạn 1 (1.810ha) trong năm 2020 và bàn giao mặt bằng khu vực còn lại (3.190ha) trong quý II/2021.

Đối với các dự án công trình trọng điểm khác đang triển khai, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố có dự án đi qua tập trung quyết liệt chỉ đạo thực hiện công tác GPMB đặc biệt là những dự án còn tồn tại, vướng mắc kéo dài về mặt bằng để sớm bàn giao toàn bộ phần mặt bằng còn lại thể cho dự án triển khai xây dựng, đáp ứng tiến độ yêu cầu. (Xem thêm)

Cần 6.480 tỷ đồng làm tuyến đường ven biển Thừa Thiên Huế

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ vừa chuyến khảo sát, kiểm tra thực địa tuyến dự án đường ven biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc. Đây sẽ là tuyến đường chiến lược và động lực để phát triển kinh tế biển và đầm phá trong thời gian tới, kết nối tuyến miền Trung và quốc gia.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thừa Thiên Huế, tuyến đường bộ ven biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc có tổng chiều dài 127km, trong đó có một số đoạn trùng với tuyến QL49B nên tổng chiều dài toàn tuyến hiện còn 85km, tổng mức đầu tư dự kiến 6.480 tỷ đồng.

Riêng cầu mới xây dựng vượt cửa biển Thuận An (nối xã Hải Dương với thị trấn Thuận An) có chiều dài 1,5km với kinh phí dự kiến 1.200 tỷ đồng. 

Về việc bố trí nguồn vốn đầu tư tuyến đường ven biển này, theo quy định, tuyến đường ven biển đi trùng với quốc lộ thuộc thẩm quyền đầu tư của Bộ Giao thông Vận tải, tuyến đường ven biển đi trùng với tỉnh lộ thuộc thẩm quyền đầu tư của địa phương.

Đến nay, tuyến đường ven biển qua Thừa Thiên Huế đi trùng với Quốc lộ 49B đã cơ bản được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư phù hợp theo quy hoạch. Đối với các tuyến đường ven biển đi trùng với tỉnh lộ, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đang phối hợp các bộ, ngành để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí vốn để làm cơ sở triển khai.

Sau khi khảo sát tuyến và kiểm tra hiện trường vị trí dự kiến xây dựng cầu vượt của biển Thuận An, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển nhằm kết nối các tỉnh trong khu vực ven biển miền Trung, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và du lịch.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị các đơn vị khẩn trương triển khai các nhiệm vụ về xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An, tạo quỹ đất 2 bên tuyến đường ven biển; khẩn trương lập quy hoạch mở rộng không gian 2 bên đường; lên phương án giải phóng mặt bằng, tái định cư. (Xem thêm)

Tin mới lên