Giới tài chính phố Wall ngừng giao dịch nợ công của Nga

Quỳnh Anh - 15/06/2022 14:42 (GMT+7)

(VNF) - JPMorgan Chase và Goldman Sachs, hai ngân hàng lớn nhất Phố Wall, đang rút lui khỏi việc xử lý các giao dịch nợ công của Nga sau thông báo bất ngờ của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tuần trước rằng họ cấm các nhà đầu tư Mỹ mua các tài sản như nợ hay cổ phiếu của Moscow.

VNF
JPMorgan và Goldman Sachs là 2 trong số các ngân hàng giao dịch nợ Nga trước khi bị Bộ Tài chính Mỹ cấm.

Theo Bloomberg, mặc dù JPMorgan Chase và Goldman Sachs vẫn đang khớp những người bán muốn thanh toán các khoản nợ với những người mua quan tâm trong tháng này, tuy nhiên, hai ngân hàng Phố Wall đang lùi bước sau khi Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Tài chính Mỹ (OFAC) cho biết các nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của họ không được phép mua nợ Nga.

Đại diện ngân hàng Goldman Sachs cho biết: “Theo hướng dẫn cập nhật của Văn phòng kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Mỹ và việc Goldman Sachs cắt giảm hoạt động liên quan đến Nga, ngân hàng sẽ không tiến hành một số giao dịch nhất định trên thị trường với các chủ thể Nga".

Trước đó, tối muộn ngày 6/6, một thông báo trên website của Bộ Tài chính Mỹ cho biết nước này sẽ đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt tài chính với Nga, bao gồm việc cấm các nhà quản lý tiền tệ của nước này mua bất kỳ khoản nợ hoặc cổ phiếu nào của Nga trên các thị trường thứ cấp, bên cạnh lệnh cấm hiện tại đối với các giao dịch mua phát hành mới.

Các chính sách trước đó của Mỹ đã cho phép các công ty giao dịch, bao gồm Goldman Sachs và JPMorgan giúp khách hàng mua được món nợ giá rẻ của Nga trên thị trường thứ cấp khi nhiều chủ sở hữu đổ xô bán tháo tài sản. Giờ đây, những người tham gia thị trường Mỹ bị cấm mua cả chứng khoán nợ và chứng khoán vốn mới và hiện có do một tổ chức thuộc Liên bang Nga phát hành.

Các ngân hàng thường thu nợ vì khách hàng yêu cầu họ hoặc vì họ mong đợi tìm được người mua sẵn sàng. Khi hoạt động của Goldman và JPMorgan trên thị trường được công bố vào đầu năm nay, họ cho biết họ đang giúp khách hàng giảm thiểu rủi ro. Người phát ngôn của OFAC cho biết tuần trước, hướng dẫn cập nhật có nghĩa là các nhà đầu tư Mỹ vẫn có thể bán hoặc nắm giữ các khoản nợ của Nga, nhưng không thể mua được nhiều hơn.

Cuộc chiến quân sự của Nga tại Ukraine từ cuối tháng 2 đã khiến giá trái phiếu liên kết với Nga lao dốc, ngay cả khi chúng không phải chịu các lệnh trừng phạt quốc tế.

Việc tiếp tục giao dịch các loại chứng khoán như vậy nhanh chóng trở thành một chủ đề gây tranh cãi, cả ở Phố Wall và ở Washington, nơi Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren cáo buộc các ngân hàng phá hoại các lệnh trừng phạt, khiến người Nga có thêm tiền để trang trải các khoản nợ nước ngoài trong khi Mỹ cố khoá chặt nguồn ngoại hối của Điện Kremlin.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 24/5, Bộ Tài chính Mỹ cũng thông báo sẽ không gia hạn giấy phép cho phép Nga thanh toán các khoản nợ có chủ quyền cho các nhà đầu tư Mỹ. Động thái này cho thấy quyết tâm của Washington trong việc siết chặt nguồn tiền của Moscow, đẩy nước này đến bước bị tuyên bố vỡ nợ.

Xem thêm >> Mỹ cấm nhà đầu tư mua nợ Nga, quyết 'ép vỡ' nền kinh tế Moscow

Theo Bloomberg, RT
Cùng chuyên mục
Tin khác