Tiêu điểm

Giới trí thức và ba thập kỷ tham vấn chính sách của Chính phủ

(VNF) - Năm 1993, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chính thức thành lập Tổ tư vấn cải cách, hỗ trợ chính phủ chèo lái, đưa nền kinh tế Việt Nam theo con đường đổi mới, vượt ra khỏi khủng hoảng từ bối cảnh đất nước chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, cơ chế bao cấp cũng như tình trạng bị cô lập.

Giới trí thức và ba thập kỷ tham vấn chính sách của Chính phủ

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Tổ tư vấn kinh tế

Thời điểm đó, tổ có 8 thành viên thường trực. Tổ trưởng là ông Lê Xuân Trinh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khi đó. Số lượng chuyên gia hơn 60 người.

Từ trước đó, lãnh đạo Đảng và nhà nước đã quan tâm lắng nghe giới trí thức. Phong trào này hình thành rõ nhất và nở rộ nhất, theo cố giáo sư Đặng Phong, trong cuốn sách Tư duy kinh tế Việt Nam, chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975-1989, (Nhà xuất bản Tri Thức), là giai đoạn từ thập niên 1980 trở đi, nhất là thời kỳ đổi mới.

Có thể điểm một số tổ chức như Tiểu ban cơ chế mới do 6 ủy viên Bộ Chính trị luân phiên phụ trách để tiếp thu ý kiến từ các địa phương và cả một số giám đốc công ty.

Sau đó, Tiểu ban nghiên cứu giải pháp cấp bách về tài chính - tiền tệ - giá cả ra đời trực thuộc Bộ Chính trị.

Nhóm nghiên cứu sản xuất hàng hóa và quy luật giá trị thuộc Hội đồng Bộ trưởng, tức Chính phủ sau này. Bộ Ngoại giao cũng lập một nhóm nghiên cứu của riêng mình.

Đến năm 1987, hình thành các nhóm nghiên cứu chống lạm phát khi vấn đề này trở nên nóng bỏng. Thời kỳ này, có hai nhóm được hình thành, một nhóm là các chuyên gia Liên Xô, một nhóm là các nhà nghiên cứu trong nước.

Các tiểu ban, các nhóm nghiên cứu này thảo luận sôi nổi chủ đề kinh tế thị trường và giá thị trường, với cơ chế một giá hay hai giá, về kinh tế kế hoạch, vốn là những vấn đề vừa nóng bỏng, vừa bức xúc, vừa ảnh hưởng đến quốc kế dân an khi đó.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người 1 năm được làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt, sau này là Thủ tướng Phan Văn Khải với tư cách thành viên tổ tư vấn chia sẻ với báo giới: “Cách tập hợp của Thủ tướng Kiệt rất hay”.

Theo bà Phạm Chi Lan, trong tổ tư vấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có một số người là trí thức, nhà kỹ trị ở miền Nam trước năm 1975, cũng như những người miền Bắc dưới thời bao cấp nhưng có tư duy đổi mới và một số chuyên gia đang sinh sống ở các nước phương Tây. Chính điều này đã tạo ra sự bổ trợ cho nhau, nhằm giúp nền kinh tế chuyển đổi mà không gặp nhiều trở ngại do sự không tương thích với thực tế.

Ông Phan Văn Khải kế nhiệm ông Võ Văn Kiệt năm 1997 và tiếp tục phát huy những di sản mà người tiền nhiệm để lại, trong đó có Tổ tư vấn, lúc này đã được điều chỉnh, tổ chức lại gọn nhẹ hơn thành Tổ nghiên cứu đổi mới kinh tế - xã hội và hành chính, gọi tắt là Tổ tư vấn đổi mới vào năm 1996. Sau này, Tổ được đổi tên thành Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ.

Với những đóng góp từ các thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ, trong hai nhiệm kỳ của cố Thủ tướng Phan Văn Khải, hàng loạt các chính sách và văn bản pháp quy được hình thành, hoàn thiện hơn, phù hợp hơn với nguyên tắc thị trường và tương thích dần với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tạo cơ chế cho khu vực tư nhân phát triển.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, đó là giai đoạn nền kinh tế nước ta vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực, đạt được mức tăng trưởng cao, ổn định và mở rộng hội nhập với thế giới bên ngoài, hoàn tất việc đàm phán gia nhập WTO.

Dưới thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không còn ban nghiên cứu nữa mà xuất hiện Tổ tư vấn kinh tế với 12 thành viên, đứng đầu là cựu Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển. Tổ này hoạt động theo nhiệm kỳ của Thủ tướng, vì thế hết nhiệm kỳ cũng tự giải tán.

Năm thành viên cũ trong Tổ tư vấn của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng chính là các thành viên trong Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, do TS Vũ Viết Ngoạn là Tổ trưởng khi mới thành lập. Tuy nhiên, đầu tháng 4 vừa qua TS Vũ Viết Ngoạn đã nghỉ hưu theo chế độ.

Đến thời điểm hiện tại, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có các thành viên: TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương; TS Trương Văn Phước – Nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia; TS Vũ Bằng - Nguyên Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước; PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam; nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; GS.TS Nguyễn Quang Thuấn - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; GS.TS Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân; TS Trần Du Lịch - Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế TP.HCM; GS.TS Trần Hoàng Ngân - Giám đốc Học viện Cán bộ TP.HCM.

Đặc biệt, Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có sự xuất hiện của 5 chuyên gia “có yếu tố nước ngoài” gồm các giáo sư đang giảng dạy tại Mỹ, Nhật, Singapore và Pháp.

Đó là PGS.TS Trần Ngọc Anh - Giảng viên Đại học Harvard, Đại học Indiana, Mỹ; TS Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc nghiên cứu Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright tại TP.HCM; GS.TS Nguyễn Đức Khương - Phó Giám đốc phụ trách nghiên cứu và hợp tác khoa học quốc tế kiêm Trưởng khoa Tài chính Học viện Hành chính và Quản trị kinh doanh Paris (IPAG Business School); PGS.TS Vũ Minh Khương - Giảng viên Đại học Quốc gia Singapore; GS Trần Văn Thọ - Giảng viên Đại học Waseda, Thành viên Hội đồng Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Nhật Bản.

Nhiều chuyên gia trong số 15 thành viên của Tổ tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham gia xây dựng và đóng góp cho Báo cáo Việt Nam 2035, một tầm nhìn dài hạn của Việt Nam hướng đến thịnh vượng.

Theo tinh thần của báo cáo này, với tầm nhìn 20 năm sau, Việt Nam sẽ có mức thu nhập bình quân đầu người trung bình 22.000 USD tính theo sức mua tương đương (PPP).

Để đạt mức tăng trưởng cao, điều cần phải làm chính là cải cách thể chế, phát triển khối doanh nghiệp tư nhân, nâng cao năng suất...Đây cũng chính là những yếu tố được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc liên tục nhấn mạnh và khẳng định quyết tâm thực hiện của chính phủ từ đầu nhiệm kỳ tới nay.

Tin mới lên