Góc nhìn chứng khoán: Cung cầu đối đầu quyết liệt, thanh khoản rất cao

Song Tử - 26/08/2020 16:46 (GMT+7)

(VNF) - Nhóm VN30 hôm nay yếu nhất trong các nhóm cổ phiếu vốn hóa khi chỉ số này giảm 0,35%. Áp lực bán lớn từ phía nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tạo sức ép đáng chú ý.

VNF
Người mua đang đổ tiền vào mạnh mẽ nhưng cũng có thể thị trường đang tiến vào vùng phân phối đối với người cầm cổ nên thanh khoản mới duy trì cao liên tục như vậy.

Vốn ngoại đã bán ròng mạnh sang ngày thứ ba liên tiếp chỉ trong tuần này. Chỉ riêng cổ phiếu HSX đã bị rút đi 1.270 tỷ đồng.

Các cổ phiếu trong nhóm VN30 chiếm phần lớn quy mô bán ra ròng của khối ngoại. Chẳng hạn hôm nay xấp xỉ 345 tỷ đồng bán ròng là thuộc VN30, trong tổng mức bán ròng cổ phiếu 370 tỷ của HSX. HPG, VNM, VCB, VHM, CTG, NVL là những mã bị bán ròng lớn nhất tính theo giá trị.

Nếu nhìn vào các chỉ số của các nhóm cổ phiếu sàn HSX thì các blue-chips đang thể hiện sức mạnh kém nhất. Hôm nay VN30-Index giảm 0,35% nhưng chỉ số VNMidcap lại tăng 0,54%, VNSmallcap tăng 0,58%. Ngay số lượng cổ phiếu giảm giá trong VN30 cũng áp đảo với 20 mã, chỉ 7 mã tăng.

Điểm tích cực duy nhất với VN30 là các mã giảm không rơi quá sâu, nhất là những cổ phiếu lớn nhất. VHM, VNM giảm dưới 0,2%, VIC, CTG vẫn tham chiếu. GAS, VCB, BID giảm dưới 0,5%. Chỉ có SAB là giảm mạnh 1,23% và HPG giảm 1,43%. Như vậy Top 10 vốn hóa của VN-Index không chịu nhiều tác động và đó là lý do giúp chỉ số này giảm rất nhẹ.

Thị trường mất điểm phiên này, cổ phiếu giảm giá nhiều hơn số tăng, nhưng mức độ cũng nhẹ và nằm trong ngưỡng điều chỉnh bình thường sau 2 phiên tăng tốt trước đó. Thanh khoản là bất ngờ lớn nhất khi tiếp tục duy trì mức hơn 7.000 tỷ đồng tổng giao dịch và trên 6.300 tỷ đồng riêng với khớp lệnh hai sàn. Mức giao dịch này lớn đáng chú ý vì 3 ngày qua hôm nay khớp lệnh cũng cao như vậy.

Khi thanh khoản duy trì cao liên tục tức là thị trường đang nằm giữ thời khắc tranh chấp dữ dội giữa người mua và người bán. Kể từ đầu tuần này khi VN-Index thoát ra được vùng đi ngang khó chịu, dòng tiền bắt đầu đổ mạnh vào mua. Người mua là những người kỳ vọng rất cao thị trường sẽ đi lên thêm. Ngược lại, người bán thì không kỳ vọng như vậy, họ đang chốt lời. Với giá trị khớp lệnh ngày nào cũng trên 6.300 tỷ đồng (phần lớn giao dịch bình thường là qua khớp lệnh) thì “đạn dược” của cả hai bên đều rất nhiều. Người mua mua mãi vẫn còn tiền nhưng người bán bán mãi vẫn còn rất nhiều cổ. Chưa hề có tín hiệu nào cho thấy một bên cạn lực.

Mỗi thời điểm thanh khoản đột biến cao duy trì liên tục nhiều ngày mà thị trường không mạnh lên rõ rệt đều là thời khắc quan trọng. Bên nào mạnh hơn thị trường sẽ đi theo hướng đó. Nhớ lại thời điểm cuối tháng 5, đầu tháng 6 vừa qua, nhà đầu tư cũng rất hào hứng và choáng ngợp với mức thanh khoản cực cao và nghĩ rằng đó là sức mạnh của bên mua khi mọi ngả đường đều dẫn tiền đến với chứng khoán. Thực tế đó là sức mạnh của cả hai bên. Chỉ vài phiên sau khi thanh khoản duy trì cao liên tục, người mua đã hết lực để đẩy giá cao hơn và thị trường quay đầu điều chỉnh.

Vì vậy thị trường lúc này chỉ thể hiện sự tranh chấp cân bằng, chứ không phải sức mạnh của một phía. Tiền nhiều là đương nhiên, nhưng khối lượng cổ phiếu cũng rất lớn và luôn nhiều hơn lượng tiền trong tài khoản của các nhà đầu tư (giá trị vốn hóa luôn lớn hơn giá trị giao dịch). Hiện tại những yếu tố hỗ trợ tốt nhất cho thị trường cũng đã xuất hiện, chẳng hạn S&P500 cũng đã vượt đỉnh lịch sử, thanh khoản trong nước cũng đã tăng lên mặt bằng cao mới, tin dịch bệnh gần như bị bỏ qua, các chính sách hỗ trợ mới đang được bàn thảo... Do đó, đây là thời điểm thuận lợi để thị trường thể hiện sức mạnh và tăng lên các đỉnh cao hơn.

Nếu thị trường không tăng được với tất cả những điều kiện thuận lợi đó thì nên dè chừng một nhịp điều chỉnh giảm vì sức mạnh đã tới giới hạn. Khi đó thanh khoản rất lớn kéo dài sẽ là nhịp phân phối. Nếu lấy mốc đỉnh đầu tháng 6 thì những phiên 7.000-8.000 tỷ đưa được VN-Index lên 900 điểm thì dư địa hiện tại khoảng 20 điểm không phải là nhiều và với những ai không kỳ vọng quá cao thì việc chốt dần trong biên độ đó là điều dễ hiểu. Do đó nếu bên mua còn tiền đẩy tiếp thì thanh khoản sẽ còn đột biến cao hơn nữa.

Cùng chuyên mục
Tin khác