Góc nhìn chứng khoán: Kỳ vọng đang thay đổi, rủi ro điều chỉnh xuất hiện

Song Tử - 15/05/2020 18:14 (GMT+7)

(VNF) - Thanh khoản vẫn duy trì được tương đương ngày hôm qua nhưng diễn biến thị trường đã xấu đi nhiều hơn trong phiên cuối tuần. Khi kỳ vọng không còn nhiều, nhu cầu thoát khỏi cổ phiếu sẽ gia tăng.

VNF
VN-Index phục hồi 50% giai đoạn sụt giảm kể từ đỉnh cao 2019 tới đáy tháng 3/2020 là một mức kháng cự kỹ thuật mạnh.

Khác biệt lớn nhất trong phiên hôm nay chính là việc cổ phiếu giảm nhiều hơn đáng kể, thậm chí mức độ phân hóa trên thị trường cũng không còn. Sàn HSX chứng kiến số mã giảm giá nhiều gấp đôi số tăng giá và phần rất lớn sụt giảm tới trên 1%, bất chấp VN-Index giảm chỉ 0,6%.

Khi thanh khoản bắt đầu giảm ở giai đoạn thị trường trên đỉnh cao, điều tiên quyết là làm thế nào để nhà đầu tư vẫn sẵn sàng mua vào? Chỉ có kỳ vọng giá sẽ tăng cao hơn nữa mới khuyến khích điều này.

Thế nhưng khi giá đã tăng mạnh trong một khoảng thời gian, sự đồng thuận sẽ tỷ lệ nghịch: Sẽ ngày càng nhiều hơn nhà đầu tư cho rằng lợi nhuận đã quá tốt và tìm cách hiện thực hóa. Nói cách khác, sự phân hóa trong suy nghĩ lan ra rộng hơn và đến một thời điểm, suy nghĩ chốt lời sẽ lấn át. Hành động bán ra mạnh hơn mua vào dẫn đến giá giảm.

Hôm nay là một phiên như vậy. Hai phiên liền trước, VN-Index cũng giảm điểm nhưng số cổ phiếu tăng giá lại lớn hơn số giảm giá. Nhà đầu tư vẫn có thể cảm thấy an toàn vì ít nhất tài khoản của mình vẫn có lãi thêm. Hôm nay rất ít nhà đầu tư có cảm giác như vậy, vì cổ phiếu đã giảm nhiều hơn chỉ số đáng kể. Thực vậy, VN-Index mất 0,6% thì tới 170 cổ phiếu giảm nhiều hơn chỉ số, 151 cổ phiếu giảm trên 1% và tròn 100 cổ phiếu giảm trên 2%.

Thanh khoản duy trì mức tương đương phiên hôm qua nhưng giao dịch bán mạnh hơn đã lấn át. Thống kê hẹp trong VN30 thì chỉ có 6 mã tăng giá, còn lại 20 mã giảm, 4 mã đứng im. Trong số 20 cổ phiếu thanh khoản nhất – chiếm 51% giá trị sàn HSX – thì chỉ có 3 cổ phiếu tăng giá, 1 mã đứng giá, còn lại là giảm. Thậm chí những mã được giao dịch lớn nhất lại giảm đáng kể nhất như VNM giảm 1,95%, HPG giảm 1,88%, CTG giảm 2,11%, MBB giảm 2,02%, DBC giảm 5,35%, FPT giảm 1,44%.

Yếu tố chốt lời là rất rõ ràng ở các cổ phiếu thanh khoản lớn này. VNM đã tăng 16,7% chỉ trong 7 phiên đầu tháng 5 và tăng 36,1% kể từ đáy. FPT tăng 14,4% trong 8 phiên và tăng hơn 43% kể từ đáy. HPG 8 phiên tăng 14,8% và tăng 49% kể từ đáy... Những cổ phiếu như vậy rất khuyến khích nhà đầu tư bán ra vì dư địa tăng thêm rất khó khăn, ít nhất là trong ngắn hạn.

Hiện tượng giảm giá ở hầu khắp cổ phiếu hôm nay cũng thể hiện cách thức suy nghĩ gần như giống nhau trong các nhà đầu tư. Các phiên trước cổ phiếu phân hóa tăng giảm tích cực cho thấy vẫn có kỳ vọng khác biệt và đối nghịch. Hôm nay khi thị trường có dấu hiệu suy yếu ngay trong buổi sáng, áp lực chốt lời đã lan rộng đẩy phần lớn cổ phiếu giảm giá. Trong suốt cả phiên giao dịch, không có nhịp đảo chiều tăng nào và VN-Index đóng cửa gần sát mức thấp nhất ngày.

Thị trường thay đổi kỳ vọng rất nhanh vì nhà đầu tư ưu tiên hàng đầu là lo cho túi tiền của mình trước. Bất kỳ diễn biến xấu nào cũng có thể thay đổi suy nghĩ của nhà đầu tư ngay lập tức, dù trước phiên giao dịch, thậm chí trước vài tiếng đồng hồ, kỳ vọng vẫn còn rất cao.

Với yếu tố dòng tiền nổi trội trong đợt tăng hiện tại thì chính dòng tiền sẽ là động lực thay đổi xu hướng tăng này. Những yếu tố hỗ trợ cơ bản không phù hợp với giá cổ phiếu trong ngắn hạn nên khi nhà đầu tư thay đổi suy nghĩ, thị trường sẽ đảo chiều, dù có thông tin tốt xuất hiện. Đa số nhà đầu tư đều có xu hướng lướt sóng ngắn hạn, giá cổ phiếu đã tăng cao ai cũng nhận thấy, điều duy nhất còn chờ đợi chính là một tín hiệu để họ “nhảy tàu” mà thôi.

Cùng chuyên mục
Tin khác