Góc nhìn chứng khoán: Vì sao VN-Index ‘vật vã’ trước mốc 940 điểm?

Song Tử - 14/02/2020 16:45 (GMT+7)

(VNF) - Phiên giao dịch 14/2 lại thêm một lần nữa VN-Index không vượt thành công ngưỡng 940 điểm. Tuần này chỉ số đã có hai phiên nỗ lực đột phá nhưng không đạt kết quả. Thậm chí một chút thất vọng và bất ngờ trong phiên cuối tuần, khi chỉ số đang “xanh”, đột nhiên chuyển màu “đỏ”.

VNF
Diễn biến của chỉ số VN-Index trên khung thời gian 1 giờ.

Nguyên nhân đến từ các giao dịch tiêu cực bất ngờ của một vài cổ phiếu lớn nhất thị trường. Đó là VIC đột ngột sụt giảm tới 2,14%, VNM giảm 0,28% và SAB giảm 0,63%. Thị trường đã nhiều lần chứng kiến các giao dịch thất thường như vậy và đó là các giao dịch có khả năng điều tiết chỉ số. Ngoài ra còn là do BID giảm 0,79%, CTG giảm 1,65%.

Nhà đầu tư vẫn luôn nghi ngờ chỉ số VN-Index có thể được “vẽ đồ thị” bằng các giao dịch nhắm vào nhóm cổ phiếu chi phối. Khả năng “vẽ đồ thị” trong nhiều phiên đến mức điều khiển xu hướng vẫn là điều gây tranh cãi, nhưng khả năng “vẽ” từng phiên là có thật, nếu nhìn từ khía cạnh cơ cấu của các cổ phiếu trong chỉ số VN-Index.

Do VN-Index được tính toán trên cơ sở biến động vốn hóa hàng ngày của các cổ phiếu thành phần, nên cổ phiếu nào vốn hóa càng lớn càng có khả năng tác động đến chỉ số này. Trong số 20 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường hiện tại, sự phân hạng là rất rõ ràng: Có 7 cổ phiếu ở nhóm khác biệt, khi đạt mức vốn hóa vượt 100.000 tỷ đồng, lần lượt là VIC, VCB, VHM, BID, VNM, GAS và SAB. Nhóm này chiếm tỷ trọng trong VN-Index từ thấp nhất là SAB với mức 3,79% và cao nhất là VIC với 11,69%.

Nhóm 7 mã kế tiếp có vốn hóa từ trên 65.000 tỷ đồng tới dưới 100.000 tỷ đồng, bao gồm CTG, TCB, VRE, VJC, PLX, VPB, HPG. Tỷ trọng vốn hóa trong VN-Index từ 2% tới khoảng 3%, với thấp nhất là HPG (2,04%) và cao nhất là CTG (3,11%).

Hôm nay VN-Index bị “hạ gục” là do biến động giá giảm mạnh xuất hiện tại VIC, VNM, BID và SAB - 4 trong 7 mã thuộc nhóm lớn nhất. Đặc biệt là VIC với tỷ trọng cực lớn 11,69% trong VN-Index nên mức giảm 2,14% tác động nhiều nhất.

Nhìn rộng hơn, cả tuần này VN-Index không thể nào vượt nổi 940 điểm cũng là do yếu tố “giữ trụ” và chỉ số bị điều tiết. VIC có 4/5 phiên giảm giá trong tuần và ở phiên 12/2 khi VN-Index gần như có thể vượt 940 điểm (lên cao nhất 943 điểm) thì VIC lại giảm 1,2%. Hôm nay khi VN-Index vượt 940 điểm thì VIC lại giảm 2,14%. VCB, cổ phiếu lớn thứ hai sau VIC, gần như đứng im suốt cả 5 ngày. VHM trừ phiên tăng mạnh 1,86% hôm nay thì cả 4 phiên trước cũng nhúc nhích không đáng kể. VNM cũng không hơn gì, 4/5 phiên giảm giá và 1 phiên đứng im. SAB từ phiên tăng hôm qua, cả 4 phiên còn lại đều giảm. Duy nhất GAS có tiến triển khá, trong tuần tăng 2,9%.

Thị trường chứng khoán vốn là một khái niệm chung chỉ hàng trăm cổ phiếu niêm yết, nhưng đại diện lại là một chỉ số duy nhất VN-Index. Thông lệ cả thế giới là nhìn chỉ số để đánh giá thị trường. Vì vậy dù tuần qua có cả trăm mã tăng giá tốt, VN-Index vẫn giảm 0,4% tức là thị trường chỉ đi ngang. Rõ ràng việc đúng sai trong đánh giá thị trường không quan trọng bằng việc nhìn vào bản chất của chỉ số.

Có nhiều phân tích kỹ thuật nhìn nhận ngưỡng kháng cự 940-943 điểm từ các góc độ khác nhau, chẳng hạn tỷ lệ phục hồi 50%  (Fibonacci Retracement) kể từ đỉnh cao ngày 22/1/2020 tương ứng VN-Index khoảng 941 điểm, hay tỷ lệ phục hồi 38,2% từ đỉnh cao ngày 6/11/2010 tương ứng khoản 943 điểm. Thế nhưng với cơ cấu của VN-Index nói trên, việc chỉ số vượt qua các mốc điểm số hoàn toàn có thể dựa trên tác động nhất thời với các cổ phiếu vốn hóa lớn. Vì vậy ngoài yếu tố kỹ thuật, việc VN-Index “vật vã” trước ngưỡng 940-943 điểm còn là do các cổ phiếu lớn bị kiềm chế.

Đã không ít lần “thị trường” – thực ra là chỉ số  - được kéo qua ngưỡng điểm nhạy cảm để tạo một “xu hướng”, mà thực tế lại không phải. Gần đây nhất là đầu tháng 11/2019 khi VN-Index được đẩy qua mốc 1.000 điểm và vượt 1.020 điểm chỉ nhờ VIC, VHM và SAB. Hay như chuỗi phiên tăng khá tốt trước Tết hoàn toàn do nhóm cổ phiếu ngân hàng.

Tác động hai chiều của nhóm cổ phiếu chi phối nên được quan sát kỹ ở các thời điểm quan trọng, vì ảnh hưởng của giao dịch dạng này có thể như giọt nước làm tràn ly, tạo ra cú hích dẫn đến thay đổi. Các mã chi phối tác động lên chỉ số, chỉ số được “đánh đồng” với thị trường và nhà đầu tư vẫn nhìn chỉ số để quyết định.

Cùng chuyên mục
Tin khác