Thị trường

Gói thầu 35.000 tỷ Sân bay Long Thành: ACV trả lời, Liên danh Hoa Lư lại có đơn kiến nghị lần 3

(VNF) - Liên danh Hoa Lư vừa có thư kiến nghị lần 3 về việc xem xét quá trình lựa chọn nhà thầu, gói thầu 5.10- nhà ga sân bay Long Thành.

Gói thầu 35.000 tỷ Sân bay Long Thành: ACV trả lời, Liên danh Hoa Lư lại có đơn kiến nghị lần 3

Nhận phản hồi từ ACV, liên danh Hoa Lư thấy chưa thỏa đáng kiến nghị lần 3 gói thầu 35.000 tỷ

Liên danh Hoa Lư cho biết ngày 18/8 đã nhận được Công văn số 3468 của Tổng công ty hàng không Việt Nam (ACV) về việc giải quyết kiến nghị của liên danh về gói thầu 5.10.

Tuy nhiên, liên danh Hoa Lư nhận thấy phản hồi của ACV chưa thỏa đáng, chưa đi vào những nội dung chính yếu của vấn đề, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của liên danh Hoa Lư. Cụ thể, ACV vận dụng Nghị định 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 để trả lời thay vì trả lời kiến nghị của liên danh Hoa Lư theo Thông tư 23/2015/TT-BKHĐT ngày 21/12/2015.

Do đó, liên danh Hoa Lư gửi đơn kiến nghị này một lần nữa đề nghị được làm rõ nhiều vấn đề mà quan trọng nhất là cần làm rõ vì sao có tình trạng các gói thầu của ACV chỉ có một đơn vị đạt điểm kỹ thuật. Theo chủ trương của Thủ tướng, trong đấu thầu dự án trọng điểm quốc gia cần phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng.

Trong thư, liên danh Hoa Lư kiến nghị ACV và các cơ quan chủ quản làm rõ trong hai dự án nhà ga hành khách sân bay Tân Sơn Nhất T3 và nhà ga sân bay quốc tế Long Thành có bao nhiêu gói thầu chỉ có duy nhất một nhà thầu hoặc một liên danh đạt được điểm kỹ thuật và có bao nhiêu dự án/gói thầu mà danh sách nhà thầu xây dựng hoặc liên danh đạt được điểm kỹ thuật nhiều hơn, tức là có từ 2 nhà thầu/liên danh trở lên lọt vào vòng tài chính? Như vậy có phải những yêu cầu kỹ thuật của các gói thầu/dự án của ACV là quá cao nên không thể nào tìm được 2 nhà thầu cùng đạt điểm kỹ thuật hay không?

“Hội đồng quản trị ACV, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có biết việc dùng rào cản điểm tối thiểu, điểm liệt mà không cho nhà thầu/nhà sản xuất có cơ hội làm rõ. Trong đó, có nhà sản xuất thiết bị băng chuyền hành lý hàng đầu thế giới nhãn hiệu Siemens, đến từ Đức đã cung cấp hàng trăm hệ thống với công nghệ và các giải pháp kỹ thuật phù hợp với quy mô, công suất của từng sân bay trên khắp thế giới không còn cơ hội tham gia dự án khi bị loại khỏi vòng đánh giá kỹ thuật”, thư của liên danh Hoa Lư nêu.

Cũng theo liên danh này, chỉ tập trung vào điểm tối thiểu, điểm liệt để loại liên danh Hoa Lư thì tổ chấm thầu đã bỏ qua nhiều ưu điểm rất quan trọng khác của liên danh Hoa Lư, ví dụ như thời gian thi công ngắn hơn 3 tháng. “Chúng tôi đề nghị cần công bố để so sánh tổng điểm kỹ thuật của các liên danh dự thầu”, đơn thư của liên danh cho hay.

Nội dung tiếp theo mà liên danh Hoa Lư nêu rằng các cấp chủ quản có được báo cáo về tình trạng các gói thầu của ACV luôn luôn hoặc thường xuyên chỉ có duy nhất một nhà thầu hoặc một liên danh đạt điểm kỹ thuật hay không?

Liên danh Hoa Lư cũng kiến nghị làm rõ vấn đề khi chỉ có một nhà thầu/liên danh vào vòng tài chính để đấu giá thì không thể có sự cạnh tranh hay nói một cách khác tình trạng như vậy là triệt tiêu tính cạnh tranh trong đấu thầu ? Và nhiều khả năng dẫn đến việc giá trúng thầu là giá cao nhất mà nhà nước cho phép, nói cách khác là giá trúng thầu hầu hết đều tiệm cận với ngân sách được duyệt của dự án...

Ngoài những vấn đề kiến nghị làm rõ trên, liên danh Hoa Lưu cũng đề nghị Tổng giám đốc ACV làm rõ 7 nội dung còn lại trong thư kiến nghị gửi ngày 16/8 của liên danh. Bên cạnh đó, liên danh cũng kiến nghị không vội quyết định phê duyệt việc chấp thuận kết quả và ký hợp đồng với liên danh Vietur trong việc thực hiện gói thầu 5.10 khi các vấn đề nêu trên và kiến nghị tại văn bản này chưa được xác minh và làm rõ.

Trong khi các vấn đề lớn trên chưa được xác minh, liên danh Hoa Lư đề nghị cần có biện pháp khẩn cấp tạm thời phù hợp để việc triển khai khởi công gói thầu 5.10 không bị chậm trễ theo chỉ đạo của Chính phủ như: bổ sung vào tổ chấm thầu các chuyên gia có năng lực, kinh nghiệm và uy tín do Bộ Xây dựng chỉ định; thành lập hội đồng giám sát để theo dõi, kiểm tra việc chấm thầu nhằm đảm bảo tính khách quan, minh bạch và công bằng…

Liên danh này cũng đề nghị lựa chọn ít nhất 2 nhà thầu vào vòng tài chính để so sánh giá nhằm đảm bảo tính cạnh tranh; nghiên cứu, sửa đổi và bổ sung hoàn thiện các quy định trong Luật đấu thầu nhằm tránh xảy ra tiêu cực, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh…

Trước đó, ngày 1/8, ACV đã công bố thông tin nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu 5.10 - thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách, thuộc dự án thành phần 3 của dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1. Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất của dự án sân bay Long Thành, với tổng giá trị hơn 35.200 tỷ đồng.

Theo công bố của ACV, nhà thầu duy nhất có hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật của gói thầu 5.10 là liên danh Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng ICISTAS thuộc Tập đoàn IChoding của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu.

Ngay sau khi công bố thông tin về việc liên danh Vietur là nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu 5.10, liên danh Hoa Lư đã có công văn khiếu nại liên danh Vietur.

Liên danh Hoa Lư, được thành lập bởi 7 nhà thầu trong nước và 1 nhà thầu Thái Lan, gồm: Coteccons, Unicons, Thành An, Delta, Central, An Phong, Hòa Bình và Power Line Engineering.

Sau khi tiếp nhận được đơn khiếu nại từ phía liên danh Hoa Lư, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà ngay lập tức đã giao ACV, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, giải quyết đơn kiến nghị nêu trên theo theo quy định pháp luật.

Tin mới lên