Thị trường

Golf Việt 'lương cao vẫn thiếu người': Đào tạo golfer trẻ khởi đầu cơ hội lớn

(VNF) - Ngành golf Việt Nam đang có nhiều triển vọng, nhất là lớp golfer trẻ, trong đó nổi bật là golfer Nguyễn Anh Minh, Lê Khánh Hưng,... Mặc dù đã có những thành công ban đầu nhưng con đường đào tạo chuyên nghiệp cho các golfer trẻ tuổi của Việt Nam mới chỉ đang ở những bước đầu tiên.

Golf Việt 'lương cao vẫn thiếu người': Đào tạo golfer trẻ khởi đầu cơ hội lớn

Nguyễn Anh Minh, một trong những hiện tượng của thế hệ golfer trẻ tại Việt Nam.

Golfer trẻ Việt làm nên chuyện

Không thể phủ nhận rằng trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều golfer trẻ tại Việt Nam khẳng định được tên tuổi và bước đầu gặt hái thành công khi chinh chiến trên các đấu trường quốc tế.

Năm 2023 là một năm thành công của các golfer trẻ Việt Nam khi Lê Khánh Hưng, golfer 15 tuổi đã xuất sắc đoạt tấm HCV lịch sử cho đội tuyển golf Việt Nam tại SEA Games 32. Ngoài ra còn có golfer trẻ Nguyễn Anh Minh giành 1 HCB đồng đội và 1 HCĐ cá nhân nam tại SEA Games 32. Anh Minh còn lọt top 30 Asiad 19 và là golfer Việt Nam có thành tích tốt nhất tại giải đấu danh giá Asia Pacific Amateur Championship 2023.

Lê Khánh Hưng giành HCV Sea Games 32.

Ngoài Nguyễn Anh Minh, Lê Khánh Hưng, những golfer trẻ tuổi như Đoàn Xuân Khuê Minh, Nguyễn Đặng Minh cũng là minh chứng rõ nét nhất cho thấy thế hệ golfer trẻ tại Việt Nam đang ngày càng tiến xa hơn và có đầy đủ tố chất để có thể cạnh tranh trên trường quốc tế. Đồng thời, nó cũng cho thấy đây là hướng đi đúng đắn của đào tạo golfer trẻ tại Việt Nam.

Tại Hội thảo “Nâng tầm chất lượng đào tạo golf Việt” do Học viện Golf 72+ tổ chức, ông Vũ Nguyên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Golf Việt Nam (VGA), khẳng định đây là kết quả của nhiều năm đào tạo bài bản, cho thấy golf Việt Nam có nhiều tiềm năng để cạnh tranh sòng phẳng với các quốc gia khác trên thế giới.

“Trước SEA Games, các thành viên của Hiệp hội Golf Đông Nam Á chỉ nhìn vào Thái Lan nhưng sau thành công của Khánh Hưng, Anh Minh, họ mới nhận ra golf Việt Nam đã có một bước tiến quá xa”, ông Nguyên trích lời nhận xét của các thành viên hiệp hội golf Đông Nam Á khi nói đến golf Việt.

Trên thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới đã chú trọng đầu tư phát triển và đào tạo thế hệ golfer trẻ từ rất sớm. Là cái nôi của ngành công nghiệp golf số 1 thế giới, Mỹ luôn đi đầu trong công tác đào tạo, phát triển golfer trẻ nhằm ươm mầm tài năng trẻ cũng như mở ra tương lai mới cho ngành golf Mỹ.

Tại Mỹ, số lượng trẻ em và thanh thiếu niên tiếp cận golf từ sớm tăng mạnh trong thời gian qua. Trung bình số lượng golfer nhí tại Mỹ mỗi năm là 2,5 triệu người, vượt xa các môn thể thao khác như đá bóng, bơi lội,… Số lượng người trẻ chơi golf trong độ tuổi từ 6 – 17 đã tăng tới 20% trong năm nay, theo nghiên cứu của National Golf Foundation.

Hay như Hàn Quốc, golf được đưa vào chương trình học bắt buộc tại các trường học. Thậm chí ngay cả thế hệ mầm non cũng được làm quen với golf từ những trò chơi đơn giản. Điều này cho thấy quốc gia châu Á này vô cùng chú trọng trong việc đào tạo, phát triển thế hệ golfer trẻ.

Chị Nhung Nguyễn, CEO của Học viện Golf 72+ và anh Nguyễn Thái Dương - HLV trưởng Học viện Golf 72+ đồng HLV trưởng Tuyển golf Quốc gia Việt Nam.

Đào tạo golfer trẻ, dễ hay khó?

Tại Việt Nam, đào tạo golfer trẻ cũng đang trở thành xu hướng được quan tâm trong những năm gần đây. Thế nhưng dù đã có những bước phát triển nhất định nhưng vẫn phải thừa nhận rằng Việt Nam mới chỉ đang chập chững những bước đầu tiên trên con đường đào tạo chuyên nghiệp cho các golfer trẻ tuổi.

Chia sẻ với VietnamFinance, chị Nhung Nguyễn, CEO của Học viện Golf 72+, cho biết, môn golf được coi là bộ môn mới, khó chơi đối với trẻ con và chi phí đắt hơn khác. Tính chất của môn này không phải là môn đồng đội, yêu cầu tính tập trung cao nên có không ít bạn trẻ ngại ngần tham gia bộ môn này.

Số lượng golfer trẻ ít trong khi các sân chơi dành cho các bạn trẻ cũng không nhiều khi không phải chủ sân golf nào cũng sẵn lòng chào đón các khách hàng nhỏ tuổi. Từ những bất cập kể trên, việc học golf đã trở nên xa lạ với nhiều bạn trẻ chứ chưa nói đến theo đuổi và đi lên con đường golfer chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, ngành golf Việt cũng chưa nhận được sự quan tâm và đầu tư nhiều như những bộ môn thể thao khác ví dụ như bóng đá hay bơi lội. Số lượng các giải đấu cũng không nhiều, dẫn đến việc các golfer không có nhiều cơ hội cọ xát.

Dẫu vậy, điều này không có nghĩa là đào tạo golfer trẻ ở Việt Nam không có tiềm năng phát triển. Trong những năm gần đây, nhận thức của nhiều người về golf đã thay đổi đáng kể. Từ chỗ được coi là thú tiêu khiển của giới nhà giàu thì giờ đây, golf được xem là một bộ môn thể thao với nhiều lợi ích mà không phải bộ môn thể thao nào cũng có thể mang lại.

Chị Hà Phương (Hà Nội), một phụ huynh đang có ý định cho con theo học chơi golf, cho biết: “Trước đây mình từng nghĩ golf chỉ dành cho giới nhà giàu nhưng thực tế thì có nhiều bộ môn thể thao khác thậm chí còn đắt đỏ hơn cả golf. Sau khi chơi golf, tôi thấy bộ môn này có thể rèn luyện tính kiên nhẫn, điềm tĩnh và tư duy nên muốn cho con mình theo học”. Đây cũng là lý do chung của nhiều phụ huynh khi đăng ký cho con theo học golf.

Nguyễn Anh Minh đã nhận học bổng Tài năng trẻ trị giá 1,6 tỷ đồng từ Học viện Golf 72+.

Cùng với xu hướng phát triển hiện nay, golf còn được xem cầu nối, mở ra nhiều cơ hội kinh doanh khi có không ít các doanh nhân lựa chọn bộ môn thể thao này. Những cú swing trên sân có thể biến thành cơ hội kinh doanh trên bàn làm việc.

Chưa kể, thị trường golf Việt ngày càng phát triển kéo theo nhu cầu ngày càng lớn về nhân sự. Ngành golf Việt Nam hiện đang rơi vào cảnh “lương cao vẫn thiếu người” khi nhu cầu về nguồn nhân lực trung và cao cấp chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Việc tiếp xúc, chơi golf từ sớm có thể trở thành cơ hội nghề nghiệp cho nhiều bạn trẻ trong tương lai, chị Nhung Nguyễn nói.

Dù chậm và chưa nhiều nhưng các cơ quan, tổ chức cũng đang có những kế hoạch thúc đẩy sự phát triển của ngành golf nước nhà. “Sở Văn hóa thể thao Hà Nội luôn tạo tư cách pháp nhân cho các học viện đào tạo golf trên địa bàn hoạt động, đồng thời đang khá cởi mở, thoải mái cho phong trào golf phát triển.

Từ đó, hàng loạt các câu lạc bộ golf, học viện đào tạo golf ra đời, hàng loạt giải đấu được tổ chức mà không gặp nhiều khó khăn”, ông Nguyễn Huy Tiến, phụ trách bộ môn golf tại trung tâm huấn luyện – đào tạo TDTT Hà Nội, cho biết.

Đào tạo được một thế hệ golfer trẻ tài năng và tố chất không phải là câu chuyện có thể hoàn thành chỉ trong ngày một ngày hai. Thế nhưng, một khi thế hệ golfer trẻ Việt có những bước tiến mới, ngành golf Việt Nam có thể mơ lớn hơn về những thành tích cao hơn trên các đấu trường quốc tế.

Tin mới lên