Quý III, doanh thu của của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) đạt 6.164 tỷ đồng. Chiếm phần lớn là mảng kinh doanh mủ cao su và chế biến gỗ, tăng 16% so với cùng kỳ 2019.
Tuy nhiên, giá vốn hàng bán có mức tăng mạnh mẽ hơn, tăng 25%, khiến lợi nhuận gộp quý III giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.250 tỷ đồng. Biên lãi gộp giảm từ 26% xuống 20%.
Trong quý, GVR ghi nhận khoản doanh thu tài chính tăng đột biến, gấp 6 lần, đạt 924 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí tài chính chỉ tăng 83% lên 340 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 15% lên 135 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 7% còn 363 tỷ đồng.
Chính vì vậy, lợi nhuận sau thuế của tập đoàn vẫn duy trì ở mức 1.191 tỷ đồng, chỉ giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đi ngang 246 đồng.
Lũy kế 9 tháng, tập đoàn ghi nhận doanh thu đạt 12.116 tỷ đồng, lãi sau thuế 2.032 tỷ đồng, giảm lần lượt 6% và 12% so với cùng giai đoạn 2019.
Với kết quả này, GVR chỉ mới hoàn thành một nửa mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đặt ra trong năm.
Tại ngày 30/9/2020, tổng tài sản của GVR không biến đổi so với đầu năm, vẫn ở ngưỡng 79.244 tỷ đồng. Trong đó, tiền nhàn rỗi giảm 14% còn 6.130 tỷ đồng, trái ngược là tiền gửi có kỳ hạn tăng đến 43% lên 9.421 tỷ đồng. Cuối kỳ, tập đoàn còn 2.796 tỷ đồng hàng tồn kho, giảm 20%, chủ yếu ở nguyên liệu, vật liệu.
Về nguồn vốn, nợ phải trả của tập đoàn tăng nhẹ so với đầu năm, lên 30.219 tỷ đồng tại ngày 30/9/2020. Mặc dù khoản "phải trả người lao động" được tiết giảm một nửa còn 692 tỷ đồng, tuy nhiên khoản "phải trả ngắn hạn khác" lại tăng gấp gần 3 lần, đạt trên 4.595 tỷ đồng, do phát sinh 2.384 tỷ đồng cổ tức, lợi nhuận phải trả trong kỳ.
Ngược chiều với nợ phải trả, vốn chủ sở hữu của tập đoàn giảm nhẹ còn 49.024 tỷ đồng do hụt ở khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, dẫn tới hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên 0,61.
Chốt phiên giao dịch sáng 30/10, cổ phiếu GVR tăng 0,4% lên 13.750 đồng/cổ phiếu. Khối lượng khớp lệnh bình quân 10 phiên gần nhất là 4 triệu đơn vị/phiên.