Thị trường

Hà Nội: Hành trình trở thành ‘ngôi sao’ thu hút FDI

(VNF) - Thành phố Hà Nội là biểu tượng của đất nước trong mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao vị thế trong khu vực và quốc tế và đang dần trở thành một siêu đô thị, phát triển nhanh, năng động hàng đầu của khu vực và thế giới.

Hà Nội: Hành trình trở thành ‘ngôi sao’ thu hút FDI

Hà Nội có nhiều lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Những con số ấn tượng

Sau hơn 23 năm được UNESCO trao tặng danh hiệu Thành phố vì Hoà bình, Hà Nội vẫn được các nguyên thủ quốc gia, các nhà đầu tư, du khách ghi nhận về sự an toàn, thân thiện, mến khách, một thành phố văn minh với hạ tầng ngày càng đổi mới, hiện đại.

Cộng thêm đầu mối giao thông thuận lợi với sân bay quốc tế, hệ thống đường cao tốc kết nối thuận tiện với các cảng biển quốc tế; hạ tầng các khu công nghiệp hoàn thiện, sẵn sàng mặt bằng phục vụ sản xuất, đặc biệt, Hà Nội còn có lực lượng lao động trẻ ở độ tuổi vàng (trên 60% lực lượng lao động), nguồn nhân lực chất lượng cao dễ dàng để các doanh nghiệp tuyển dụng.

Kể từ năm 1989, khi Hà Nội ghi nhận những dự án FDI đầu tiên được cấp phép đến nay, Hà Nội luôn là một trong những địa phương dẫn đầu trong cả nước về thu hút FDI và các doanh nghiệp FDI ưu tiên lựa chọn. Lũy kế tính đến hết tháng 9/2022, trên địa bàn Thành phố có gần 7.000 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt trên 38 tỷ USD, đứng thứ 3 trên cả nước, sau TP. HCM và Bình Dương. Trong đó, từ 2016-2018, Hà Nội thu hút được khoảng 14 tỷ USD vốn FDI, bằng 2,25 lần giai đoạn 2011-2015. Riêng năm 2018, thu hút được khoảng 7,5 tỷ USD, tăng gần 2,2 lần so với năm 2017, đứng đầu cả nước và cao nhất kể từ 30 năm thực hiện chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài.

Nếu như năm 2018, Hà Nội thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt khoảng 7,501 tỷ USD, tăng 2,18 lần so với năm 2017, thì năm 2019 thu hút đầu tư, cấp mới cũng tăng đáng kể cả về số lượng dự án và quy mô vốn đầu tư. Đến ngày 22/12/2019, Hà Nội vẫn đang dẫn đầu thu hút vốn đầu tư nước ngoài là 8,45 tỷ USD, vốn giải ngân đạt 6,5 tỷ USD, là tỷ lệ giải ngân 74% cao nhất trong các năm từ trước đến nay.

Đóng góp toàn diện của FDI đối với phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô

Sau 33 năm thu hút FDI, khu vực kinh tế có vốn FDI - với ưu thế tiềm lực về vốn, công nghệ đã góp phần đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Khu vực này, có thể nói, đã góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trên cả góc độ đóng góp cho tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế, góp phần gia tăng tổng đầu tư xã hội, tăng trưởng GDP.

Bên cạnh đó, FDI cũng đóng góp cơ bản trong tỷ trọng gia tăng nhanh giá trị xuất khẩu; tạo hiệu ứng lan tỏa về công nghệ, nâng cao trình độ, năng lực sản xuất - kinh doanh và quản lý đối với các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, chính khu vực FDI đã tạo sức ép cạnh tranh mạnh mẽ hơn trong từng ngành, làm động lực cho các doanh nghiệp trong nước cải tiến công nghệ, thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Khu vực FDI cũng đã tạo thêm việc làm ổn định và đào tạo kỹ năng cho người lao động; đồng thời tác động mạnh tới sự phát triển và sự chuyển dịch cơ cấu ngành của 3 lĩnh vực (công nghiệp - xây dựng, thương mại - dịch vụ, nông nghiệp; góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong nước, xây dựng và hoàn thiện đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp.

Đáng chú ý, khu vực FDI góp phần xây dựng đô thị Hà Nội văn minh, hiện đại, với các công trình thương mại, dịch vụ đạt tiêu chuẩn quốc tế, tiêu biểu như: Tổ hợp nhà ở, thương mại, dịch vụ Keangnam cao 72 tầng; Trung tâm thương mại, khách sạn Lotte cao 65 tầng, Trung tâm thương mại Aeon MALL, các khách sạn 5 sao quốc tế, như Metropole, Hilton, Sheraton,… FDI chính là một kênh thu hút vốn quan trọng cho tổng đầu tư xã hội.

Ngoài ra, nguồn vốn FDI chiếm một tỷ trọng đáng kể (trung bình khoảng 10 - 15%) trong tổng vốn đầu tư xã hội, góp phần duy trì mức tăng trưởng GRDP cao của thành phố trong những năm qua (trung bình đạt 7,11%). Bên cạnh đó, các dự án FDI cũng đã đóng góp tích cực cho ngân sách thành phố. Số thu ngân sách đã tăng dần đều qua các năm, năm sau cao hơn năm trước, chiếm khoảng 12% - 13% so với số thu từ trên địa bàn toàn thành phố.

Cùng với đó, có thể khẳng định, các doanh nghiệp FDI - với công nghệ tiên tiến, máy móc thiết bị hiện đại, kinh nghiệm sản xuất - kinh doanh và trình độ quản lý cao hơn hẳn so với các doanh nghiệp trong nước - đã là một kênh chuyển giao công nghệ đặc biệt quan trọng so với các hình thức, kênh chuyển giao công nghệ chính thức khác.

Qua hợp tác của các dự án FDI, thời gian qua Hà Nội đã tiếp nhận được một số công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong nhiều ngành kinh tế quan trọng, như viễn thông, điện tử, công nghiệp sản xuất phụ tùng và lắp ráp sản xuất ô tô, hóa chất, xây dựng quản lý khách sạn đạt tiêu chuẩn quốc tế, y tế giáo dục chất lượng cao, sản xuất hàng tiêu dùng chế biến thực phẩm... Đặc biệt một số công nghệ viễn thông, sản xuất thiết bị điện tử, dịch vụ khách sạn đã vươn lên ở mức tiên tiến so các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Đặc biệt, khu vực FDI đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Khu vực FDI, với cơ cấu vốn đầu tư chủ yếu thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ và công nghiệp - xây dựng, chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng vốn đầu tư xã hội Hà Nội, đã góp phần tác động mạnh mẽ đến dịch chuyển cơ cấu kinh tế Hà Nội trong những năm qua theo hướng tập trung vào lĩnh vực dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế: xây dựng, tài chính, thương mại, logistic, y tế, giáo dục,… và lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất ứng dụng công nghệ, tiết kiệm năng lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Với lợi thế về thiết bị và kỹ thuật khá hiện đại, có thị trường ổn định, lại được khuyến khích bằng các cơ chế, chính sách ngày càng thông thoáng, khối công nghiệp FDI có xu hướng tăng trưởng nhanh so với các khối khác. Bắt đầu từ năm 2006, khối công nghiệp FDI đã vượt qua khối doanh nghiệp nhà nước và dân doanh để dẫn đầu về giá trị sản xuất của toàn ngành công nghiệp Hà Nội. Hết năm 2010, cơ cấu công nghiệp Hà Nội theo ba khối FDI - dân doanh - nhà nước với tỷ trọng lần lượt là 43,6%; 33,6%; 22,8%. Tỷ lệ này trong năm 2016 là 45,5%; 43,8%; 10,7%.

FDI trong lĩnh vực công nghiệp đã góp phần hình thành và phát triển các khu cụm công nghiệp tập trung chuyên ngành; thúc đẩy chuyển giao công nghệ và lan tỏa các công nghệ mới. Khối doanh nghiệp FDI cũng góp phần hình thành một số ngành công nghiệp chủ lực của Thành phố, như điện tử vi tính, phương tiện vận tải, xe động cơ, thiết bị điện, máy móc thiết bị, sản phẩm kim loại, thực phẩm, dệt may,...

Khu công nghiệp Bắc Thăng Long Hà Nội

Nhiều lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Với lợi thế cạnh tranh về môi trường đầu tư thông thoáng, chính trị ổn định, kinh tế xã hội phát triển bền vững, nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng cao, Thủ đô Hà Nội là một trong những địa phương hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Nhờ các lợi thế đó, dòng vốn FDI vào Hà Nội trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên, đặc biệt là sau khi Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương.

Mục tiêu của Hà Nội là phấn đấu thu hút 30 - 40 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; vốn giải ngân đạt 20 - 30 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, thành phố định hướng thu hút FDI theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao.

Nhằm tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn cuối năm 2022, và những năm tiếp theo, Hà Nội sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến gọi vốn đầu tư từ các thị trường trọng điểm Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc, Mỹ và châu Âu.

Bên cạnh đó, thành phố cũng thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Tăng cường liên kết khu vực đầu tư nước ngoài với đầu tư trong nước giữa bối cảnh mới của nền kinh tế. Triển khai thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, gắn với tạo đột phá, tạo động lực dẫn dắt tạo nền tảng phát triển lâu dài cho Hà Nội như nền tảng số, cải cách thể chế, tiếp tục đơn giản thủ tục hành chính...

Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong giải quyết thủ tục hồ sơ hành chính về đăng ký kinh doanh, đăng ký đầu tư, thuế, bảo hiểm, đất đai; công bố công khai, minh bạch toàn bộ các quy hoạch ngành, quy hoạch phân khu, kế hoạch sử dụng đất theo nhiều hình thức để DN dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư; đẩy mạnh vai trò của các cơ quan xúc tiến đầu tư đối với tổ chức ngoại giao và khu vực kinh tế vốn đầu tư nước ngoài.

Hiện nay, thành phố Hà Nội cũng đang xúc tiến triển khai dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội. Đây là dự án có vai trò tăng cường kết nối, liên kết vùng, thúc đẩy phát triển đô thị hóa, có ý nghĩa rất lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư.

Tin mới lên