Hà Tĩnh lý giải việc tăng trưởng GRDP thấp nhất vùng Bắc Trung Bộ

Nguyễn Phượng - 10/07/2020 08:08 (GMT+7)

(VNF) - Mức tăng trưởng GRDP của Hà Tĩnh 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 0,1%, thấp nhất trong 6 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. Lý giải về vấn đề này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Trần Tú Anh cho biết nguyên nhân phần lớn là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và công ty Formosa Hà Tĩnh "gặp khó" trong sản xuất kinh doanh.

VNF
Giám đốc Sở Kế hoạch&Đầu tư Hà Tĩnh Trần Tú Anh

Theo ông Trần Tú Anh, những năm qua, kinh tế Hà Tĩnh tăng trưởng cao nhờ hoạt động sản xuất công nghiệp, trong đó chủ yếu là thép của Công ty Formosa (FHS).

Cụ thể, năm 2018, tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh đạt 20,85%, trong đó công nghiệp tăng 75,78%, (FHS chiếm 50,74% tổng sản phẩm ngành công nghiệp và chiếm 16,75% tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh).

Năm 2019 tăng trưởng kinh tế đạt 9,44%, trong đó công nghiệp tăng trưởng 24,03%, (riêng FHS chiếm 65% tổng sản phẩm ngành công nghiệp).

"Nếu loại trừ yếu tố thép, phôi thép, điện sản xuất của Formosa thì tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 của Hà Tĩnh còn 4,4%, công nghiệp tăng còn 11,15%", ông Tú Anh thông tin.

Từ những kết quả đạt được trong những năm qua tạo cho Hà Tĩnh kỳ vọng năm 2020 kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao (dự kiến 10,5%-11%) nhờ sự đóng góp từ khu vực sản xuất công nghiệp, thương mại dịch vụ và đầu tư các dự án lớn.

Tuy vậy, ông Tú Anh cho rằng dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020.

Theo báo cáo 6 tháng đầu năm, GRDP Hà Tĩnh ước đạt 0,1%, trong đó khu vực nông nghiệp tăng 1,5%, công nghiệp - xây dựng tăng 2,6%; khu vực dịch vụ giảm 3,6%.

Đây là năm có tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm thấp nhất của Hà Tĩnh kể từ sau sự cố môi trường biển năm 2016 và cũng thấp nhất trong 6 tỉnh Bắc Trung Bộ.

Trong khi đó, GRDP của một số tỉnh lân cận như Thanh Hoá tăng 3,7%, Nghệ An tăng 1,6%, Quảng Bình tăng 3,3%, Quảng Trị tăng 4,1%...

Ông Tú Anh lý giải, nguyên nhân phần lớn là do dịch bệnh Covid 19 xảy ra trên diện rộng đã tác động trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế xã hội của Việt Nam nói chung và Hà Tĩnh nói riêng. Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất kinh doanh (xây dựng, sửa chữa, kinh doanh...), đặc biệt là trong thời gian từ tháng 3 đến tháng 5. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội trong thời gian dài, chưa có tiền lệ (thực hiện giãn cách xã hội 2 tuần, trong đó Hà Tĩnh 3 tuần).

Kinh tế Hà Tĩnh những năm qua tăng trưởng cao nhờ vào ngành công nghiệp, trong đó hoạt động sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng rất lớn từ công ty Formosa (chủ yếu là sản phẩm thép, điện). 6 tháng đầu năm 2020, giá trị GRDP của Công ty Fomosa ước đạt 4.516 tỷ đồng, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2019 và chiếm 61,1% tổng giá trị GRDP toàn ngành công nghiệp. GRDP của Công ty Fomosa 6 tháng đầu năm 2020 giảm 102 tỷ so với cùng kỳ 2019, trong khi 6 tháng 2019 tăng 33,7%, tương đương với 1.165 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.

"Sản lượng các sản phẩm của FHS giảm kéo theo mức tăng trưởng của Hà Tĩnh thấp so với một số tỉnh khác", ông Tú Anh nói.

Bên cạnh sự sụt giảm của ngành công nghiệp thì kết quả hoạt động của ngành du lịch, dịch vụ (chiếm tỷ lệ cao trong tổng giá trị GRDP -trên 33%) ước giảm 3,6% so với cùng kỳ, cũng là tác nhân gây ảnh hưởng đến mức tăng trưởng chung của Hà Tĩnh.

Bàn về các giải pháp cho Hà Tĩnh thời gian tới, ông Trần Tú Anh cho biết sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, phát triển sản xuất; rà soát, nắm bắt thông tin về các nhóm ngành hàng, nguyên vật liệu đầu vào bị thiếu hụt từ nhập khẩu và doanh nghiệp trong nước có khả năng sản xuất thay thế.

Hà Tĩnh tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch; khuyến khích các doanh nghiệp tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa, kết nối với các vùng, miền của cả nước.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.