Bí thư Hà Tĩnh Lê Đình Sơn: Thủ tục đầu tư một dự án mất từ 2-5 năm là quá dài
Nguyễn Phượng -
10/07/2020 06:14 (GMT+7)
(VNF) - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng thời gian hoàn tất các thủ tục đầu tư cho một dự án mất từ 2-5 năm là quá dài.
Chiều 9/7, tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Trần Tú Anh cho biết Hà Tĩnh hiện có 1.397 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm 1.324 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 112 nghìn tỷ đồng, 73 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đăng ký trên 13,6 tỷ USD).
6 tháng đầu năm 2020, Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 25 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 1.987 tỷ đồng, 1 dự án FDI vốn đăng ký 1,5 triệu USD.
Qua kiểm tra, theo dõi, trong tổng số 1.397 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư có: 838 dự án đã cơ bản hoàn thành, đi vào hoạt động (chiếm khoảng 60%); 252 dự án đang hoàn thiện hồ sơ thủ tục, thi công xây dựng (chiếm khoảng 18%); 307 dự án chậm tiến độ, ngừng hoạt động,có vi phạm cần kiểm tra xử lý (chiếm 22%).
Trong tổng số 307 dự án nêu trên có 135 dự án do UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, 40 dự án do Ban quản lý khu kinh tế tỉnh chấp thuận và 132 dự án do UBND cấp huyện chấp thuận chủ trương đầu tư. Ngoài ra còn có 43 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, thực hiện toàn bộ hoặc một phần trên khu đất không phải bồi thường giải phóng mặt bằng, đất do nhà nước quản lý đang vướng mắc các thủ tục pháp lý, chưa được giao đất, cho thuê đất.
Đối với 135 dự án do UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, Sở KH&ĐT đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, kiểm tra cụ thể từng dự án trong đó tập trung kiểm tra, rà soát đối với các dự án có dấu hiệu vi phạm.
Theo đó, có 67/135 dự án chậm tiến độ kéo dài hoặc có khả năng không xây dựng, hiện đã kiểm tra đối với 27/67 dự án.
"Tuy nhiên do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo tạm dừng các cuộc thanh tra, kiểm tra để tạo điều kiện các doanh nghiệp tập trung khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh", ông Tú Anh thông tin.
Trả lời các đại biểu về vấn đề tại sao các dự án đã có chủ trương rồi mà không vào đầu tư được hoặc đã đầu tư lại triển khai chậm, thu hút đầu tư nhưng không quan tâm đến các thủ tục liên quan, ông Trần Tú Anh cho rằng, để đi vào thực hiện dự án mất rất nhiều bước (13 bước). Thời gian để dự án đi vào hoạt động được là mất ít nhất 2 - 5 năm, đối với các dự án lớn thì thời gian có thể kéo dài hơn.
“Điều này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố” – ông Trần Tú Anh nói.
Trước phần trả lời chất vấn của ông Trần Tú Anh, Bí thư tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn cho rằng thời gian hoàn tất các thủ tục đầu tư cho một dự án mất từ 2-5 năm là quá dài và nhấn mạnh: "Điều đó phụ thuộc vào chúng ta" (tỉnh Hà Tĩnh - PV).
"Phải xác định được chúng ta khó khăn một quyết tâm mấy, lấy quyết tâm đó áp dụng vào thực tế để thực hiện", ông Sơn nói.
(VNF) - Sau hơn hai năm thi công, dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông đi qua địa bàn Hà Tĩnh dần hoàn thiện. Các Ban dự án và đơn vị thi công đang tập trung nhân lực, phương tiện, đẩy nhanh tiến độ thi công để kịp đưa vào khai thác dự kiến vào dịp 30/4/2025.