Hà Tĩnh: Nhiệt điện Vũng Áng 2 chậm tiến độ, tổng vốn đầu tư phát triển toàn tỉnh 'vỡ kế hoạch'
Nguyễn Phượng -
13/12/2019 09:55 (GMT+7)
(VNF) - Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII diễn ra sáng nay (13/12), Chủ UBND tỉnh Trần Tiến Hưng cho biết, năm 2019 tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh ước đạt 27.388 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch. Nguyên nhân là do dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 và các dự án trọng điểm khác tiếp tục chậm tiến độ.
Năm 2019, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đạt 13.250 tỷ đồng, bằng 103,6% so với năm 2018.
Trong đó, thu nội địa ước đạt 6.750 tỷ đồng, đạt 107% dự toán và tương đương với số thu năm 2018; Thu xuất nhập khẩu ước đạt 6.500 tỷ đồng (bằng 94,2% dự toán, tăng 7,6% so với năm 2018. Theo đó, nguồn thu chủ yếu từ nhập khẩu nguyên liệu phục vụ sản xuất dự án Formosa.
Năm 2019, Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho 97 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký 3.834 tỷ đồng và 06 dự án đầu tư FDI với tổng vốn 12,8 triệu USD. Ngoài ra, Hà Tĩnh đang thực hiện hồ sơ công tác đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư cho 12 dự án về đô thị, nhà ở trên địa bàn.
Hà Tĩnh đã thành lập mới 1.110 doanh nghiệp trong năm 2019, tăng 3,74% so với cùng kỳ; tổng vốn đăng ký 5.500 tỷ đồng, tăng 17%; thành lập 40 HTX, tăng 11% so với năm 2018.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, khó khăn khi có 3 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra. Đó là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 10,99% (kế hoạch đề ra 11,5 -12%); tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 72% kế hoạch; kim ngạch xuất khẩu đạt 77% kế hoạch.
Tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh đạt 10,99%, trong đó nông nghiệp giảm 1,58%; công nghiệp - xây dựng tăng 21,94%; dịch vụ tăng 5,16%. Khu vực công nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế Hà Tĩnh. GRDP bình quân đầu người đạt 62,1 triệu đồng (tương đương 2.699 USD).
Cơ cấu kinh tế Hà Tĩnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp: nông nghiệp chiếm 13,3%; công nghiệp - xây dựng chiếm 44,7%; dịch vụ chiếm 42% .
Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của tỉnh ước đạt 27.388 tỷ đồng, đạt 72% kế hoạch; trong đó vốn đầu tư khu vực nhà nước chiếm tỷ trọng 27%, vốn khu vực tư nhân 52%, vốn FDI 21%.
Nguyên nhân dẫn đến nguồn huy động vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh không đạt kế hoạch chủ yếu là do dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 và các dự án trọng điểm khác tiếp tục chậm tiến độ đề ra so với dự kiến ban đầu.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Hà Tĩnh ước đạt 3,41 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 850 triệu USD (đạt 77,2% kế hoạch, tăng 7,05% so với cùng kỳ). Các mặt hàng xuất khẩu truyền thống (chè, thủy sản, may mặc) duy trì ổn định; riêng thép xuất trên 648 triệu USD, chiếm tỷ trọng 76,2% tổng kim ngạch của tỉnh.
Kế hoạch năm 2020, Hà Tĩnh đặt mục tiêu phấn đấu tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 36.600 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,2 tỷ USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt trên14.000 tỷ đồng. GRDP tăng 11,5 - 12%; GRDP bình quân đầu người đạt 70,2 triệu đồng.
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp duy trì tăng trưởng cao toàn ngành, tạo động lực chính thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020, cơ cấu kinh tế theo hướng nông nghiệp chiếm 12,2%; công nghiệp - xây dựng chiếm 48,3%; dịch vụ chiếm 39,5%.
Theo chương trình, kỳ họp thứ 12 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII diễn ra từ ngày 13 - 15/12. Tại kỳ họp sẽ thực hiện nội dung chất vấn và trả lời chất vấn một số vấn đề liên quan đến giáo dục, đất đai, thuế, tài nguyên - môi trường, một số dự án treo, quy hoạch, xây dựng…
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone