Hai cây cầu trăm tỷ kết nối Bình Dương với TP. HCM và Tây Ninh
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.
Đề xuất xây dựng CHK quốc tế, làm thêm hầm đường bộ Đèo Ngang
Chiều nay (11/12), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh về công tác quy hoạch, xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông.
Tại buổi làm việc, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, dù thời gian qua, Hà Tĩnh đã được Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm tạo điều kiện phát triển hạ tầng giao thông, tuy nhiên, đến nay, một số tuyến đường chưa được đầu tư. Một số tuyến đường đầu tư đã lâu nên quy mô cấp hạng còn thấp, xuống cấp nghiêm trọng. Với hạ tầng như hiện nay sẽ không đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, không tạo được động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
“Trong nhiệm kỳ tới, Hà Tĩnh xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, chú trọng hạ tầng giao thông kết nối các khu kinh tế, không gian đô thị của tỉnh với các vùng, miền trong và ngoài nước; kết nối khu vực Bắc Trung bộ nói chung, Hà Tĩnh nói riêng, với Lào và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan là một trong 3 khâu đột phá", ông Sơn nói.
Để giúp Hà Tĩnh định hướng và giải pháp thực hiện khâu đột phá quan trọng này, ông Sơn mong muốn nhận được ý kiến góp ý của Bộ GTVT về chiến lược phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2020 - 2025 và những năm tiếp theo; nội dung tích hợp quy hoạch giao thông vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.
Theo ông Sơn, Hà Tĩnh sẽ tập trung các nguồn lực đầu tư hoàn thành 4 tuyến trục dọc và 4 tuyến trục ngang, một số đường tỉnh để kết nối QL1, đường sắt và đường bộ cao tốc; đồng thời kêu gọi đầu tư phát triển cảng, dịch vụ hậu cảng và logistics. Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư hoàn thành các tuyến quốc lộ chiến lược trên địa bàn.
Cụ thể, một số tuyến giao thông quan trọng cần được khẩn trương đầu tư, xây dựng và đẩy nhanh tiến độ như: Cao tốc Bắc - Nam đoạn Bãi Vọt - Vũng Áng; cải tạo, nâng cấp các tuyến QL1A, 12C, 8A, 8C; trục phát triển đường ven biển kết nối các khu du lịch, cảng biển; các trục kết nối giữa thành phố Hà Tĩnh với các cửa khẩu của tỉnh.
Đáng chú ý, ông Sơn đề xuất xây dựng thêm hầm đường bộ Đèo Ngang trên QL1 để phục vụ cho phát triển của không chỉ Hà Tĩnh mà còn phục vụ cho phát triển của Quảng Bình và cả vùng.
Cũng theo ông Sơn, Vũng Áng là khu kinh tế trọng điểm quốc gia, hiện có nhiều chuyên gia, nhà đầu tư nước ngoài đến làm việc tìm hiểu cơ hội đầu tư. Vì vậy, ông Sơn đề nghị được bổ sung đưa vào quy hoạch CHK quốc tế Hà Tĩnh, xây dựng CHK lưỡng dụng bao gồm cả dân dụng và mục đích quốc phòng.
Hà Tĩnh nên học tập mô hình sân bay Thọ Xuân
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ghi nhận, đánh giá cao công tác phát triển hạ tầng giao thông của Hà Tĩnh thời gian qua. Tỉnh Hà Tĩnh đã làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình, dự án giao thông quan trọng.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, hiện đang triển khai lập quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050. Trong quá trình thực hiện, sẽ nghiên cứu, cập nhật kiến nghị, đề xuất của tỉnh về bổ sung quy hoạch các tuyến đường cao tốc, quốc lộ.
Về đề xuất xây dựng cảng hàng không, Bộ trưởng cho biết, hiện nay theo quy hoạch CHK Hà Tĩnh là cảng hàng không chuyên dụng, không có trong quy hoạch sân bay dân dụng. Quyết định 236/2018 của Thủ tướng không có sân bay dân dụng tại Hà Tĩnh. Bộ trưởng cho biết, tại khu vực này, phía Bắc đã có sân bay Nghệ An với khoảng hơn 1 triệu khách/năm, phía Nam có sân bay Quảng Bình với lưu lượng khoảng vài trăm ngàn. Nếu 3 tỉnh liền nhau có sân bay sẽ khó thuyết phục.
Bộ trưởng gợi ý gợi ý Hà Tĩnh nên học tập mô hình sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa). Trước mắt, nên hình thành CHK sơ bộ, do yêu cầu khai thác điều chỉnh từ sân bay chuyên dụng sang dân dụng để khai thác có hiệu quả sẽ thuận lợi hơn. Bộ trưởng giao Cục hàng không VN phối hợp với tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Quốc phòng nghiên cứu cách triển khai phù hợp.
Đối với đề xuất làm thêm hầm đường bộ Đèo Ngang, Bộ trưởng gợi ý hiện có đơn vị làm hầm rất tốt là là Công ty Đèo Cả. Bộ trưởng cho rằng, tỉnh Hà Tĩnh có thể liên hệ với đơn vị này nghiên cứu đề xuất giải pháp triển khai phù hợp.
Cầu Bình Gởi và Thanh An (Bình Dương) đang khẩn trương thi công cùng hoàn thành vào năm 2025. Trong tương lai, Bình Dương sẽ có thêm 7 cây cầu kết nối TP.HCM và Tây Ninh.