Hải An (HAH): Lợi nhuận quý III lập đỉnh lịch sử, mỗi tháng thu lãi hơn 33 tỷ đồng
Ngọc Ánh -
27/10/2021 16:42 (GMT+7)
(VNF) - Lũy kế 9 tháng, Hải An (HAH) báo lãi sau thuế 284 tỷ đồng, tăng trưởng 210% cùng kỳ năm ngoái và vượt 80% kế hoạch năm nay.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý III, Công ty Cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 475 tỷ đồng, tăng trưởng 64% so với cùng kỳ năm trước. Chi phí giá vốn cũng tăng, nhưng không đáng kể, giúp cho HAH thu về 140 tỷ đồng lợi nhuận gộp, cao hơn 3 lần quý III/2020. Biên lãi gộp tăng gấp đôi lên 30%.
Khấu trừ các chi phí tài chính, quản lý doanh nghiệp ở mức thấp, HAH báo lãi sau thuế hơn 100 tỷ đồng trong quý III, tăng gấp 4,7 lần cùng kỳ năm ngoái. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) tăng từ 460 đồng lên 1.841 đồng.
Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao nhất kể từ khi lên sàn của HAH.
HAH cho biết, hoạt động kinh doanh khởi sắc là nhờ giá cho thuê tàu trong quý III tăng khá mạnh, cùng với đó là sản lượng vận tải, giá cước cũng neo cao giúp cải thiện lợi nhuận của đội tàu ở kỳ này. Ngoài ra sản lượng hoạt động khai thác cảng, depot cũng tăng do đội tàu đem lại và các công ty liên kết đều ghi nhận lợi nhuận cao hơn cùng kỳ.
Lũy kế 9 tháng, HAH báo cáo doanh thu thuần tăng 55% và lợi nhuận sau thuế tăng 210% cùng kỳ lên 1.284 tỷ đồng và 284 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 77% kế hoạch doanh thu và vượt 80% kế hoạch lợi nhuận năm 2021.
Tại ngày 30/9, tổng tài sản của HAH đạt trên 2.790 tỷ đồng, tăng 33% so với hồi đầu năm. Trong đó, tiền và tương đương tiền đạt 217 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn đạt 500 tỷ đồng, cao hơn 62% sau 9 tháng đầu năm. Còn lại chủ yếu là khối tài sản dài hạn.
Nợ phải trả của HAH đạt 1.250 tỷ đồng, tăng 65% so với hồi đầu năm. Tổng nợ vay tăng 78% lên 820 tỷ đồng, phần lớn đến từ khoản nợ vay dài hạn từ các đối tác nước ngoài. Đến cuối quý III, HAH đang có hơn 400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, tăng 58% sau 9 tháng.
Gần đây, HAH đã công bố bảng giá cước vận tải mới, có hiệu lực từ ngày 13/10. Đây là lần điều chỉnh giá thứ 2 trong vòng một tháng, điều này phản ánh nhu cầu vận tải container mạnh mẽ trong quý IV khi hoạt động sản xuất dự kiến sẽ dần trở lại sau các đợt giãn cách xã hội do Covid-19, trong khi nguồn cung trong nước khan hiếm do nhiều tàu container trong nước đã được cho thuê ra thị trường quốc tế trong năm nay.
Theo ước tính của Công ty Chứng khoán SSI, giá cước hiện nay đã tăng đáng kể, khoảng 36% so với quý III và tăng trung bình 46% so với đầu năm. Tuy nhiên, mức tăng giá này vẫn thấp hơn nhiều so với giá cước vận tải quốc tế.
SSI cho rằng, HAH sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong quý cuối năm, trong bối cảnh sản lượng vận tải được dự báo phục hồi sau các đợt giãn cách xã hội, giá cước cao hơn áp dụng từ tháng 10 và các hợp đồng cho thuê tàu mới với giá thuê tàu cao hơn đã được HAH công bố trước đó.
SSI cũng tin rằng những yếu tố này sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng cho HAH trong cả năm 2022, mặc dù giá cước vận tải toàn cầu có thể sẽ điều chỉnh vào một thời điểm nào đó trong năm 2022. Dù trong bối cảnh giá cước quốc tế điều chỉnh giảm, giá cước trong nước ít biến động hơn và các hợp đồng cho thuê dài hạn sẽ giúp đảm bảo lợi nhuận cho HAH.
Trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch 27/10, cổ phiếu HAH giảm 1.000 đồng xuống 70.000 đồng/cổ phiếu. So sánh với mức giá hồi đầu năm, mã cổ phiếu này đã tăng gần gấp 4 lần.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone