Hai năm chiến sự Ukraine: 3 mũi trừng phạt của phương Tây đồng loạt 'tấn công' Nga
Quang Đăng -
25/02/2024 00:29 (GMT+7)
(VNF) - Đúng dịp tròn 2 năm Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine (24/2/2022-2024), Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Anh đã đồng loạt tung những đòn trừng phạt mới lên nước này.
Gói trừng phạt thứ 13 của EU
Hội đồng châu Âu cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 23/2 rằng EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 13 chống lại Nga, trong đó nhắm vào 106 cá nhân và 88 thực thể.
Các biện pháp trừng phạt mới chủ yếu nhắm vào các lĩnh vực quân sự và quốc phòng, cùng với các cá nhân liên quan, cũng như các thành viên của cơ quan tư pháp.
Các biện pháp chống lại những người và tổ chức được liệt kê bao gồm phong tỏa tài sản và cấm đi lại. Họ cũng cấm các công dân và công ty EU cung cấp tiền cho những người trong danh sách đen này.
Các biện pháp trừng phạt mới cũng hạn chế buôn bán hàng hóa có công dụng kép cũng như công nghệ và linh kiện điện tử có thể được tổ hợp công nghiệp và quân sự của Nga sử dụng.
Các linh kiện để phát triển và sản xuất máy bay không người lái cũng được đưa vào danh sách hạn chế. Một số thực thể bị trừng phạt lần này có trụ sở ở các nước thứ ba, chẳng hạn như Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ.
Brussels đã áp đặt 13 đợt hạn chế đối với Nga kể từ tháng 2/2022. Các lệnh trừng phạt hiện tại đã nhắm vào một loạt lĩnh vực và bao gồm các lệnh cấm vận thương mại, cấm đi lại và các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với các doanh nhân và quan chức Nga.
Mỹ công bố danh sách đen dài nhất
Mỹ ngày 23/2 đã trừng phạt thêm 500 người và tổ chức có liên quan tới Nga. Các thực thể bị trừng phạt bao gồm nhà điều hành hệ thống thẻ thanh toán Mir của Nga, hệ thống này đã trở nên phổ biến sau khi Nga bị cắt khỏi SWIFT và Visa/MasterCard vào năm 2022.
Các công ty năng lượng của Nga và các công ty có liên kết với lĩnh vực công nghiệp quân sự chiếm phần lớn trong số 100 các thực thể mục tiêu, đã được công bố trong danh sách lần này.
Trong số các cá nhân bị trừng phạt có binh sĩ Nga, những người liên quan đến mua sắm quân sự và các giám đốc điều hành trong lĩnh vực tài chính.
Gói trừng phạt này được xem là đợt trừng phạt khắc nghiệt nhất được Washington công bố kể từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu gần hai năm trước.
Các cá nhân bị trừng phạt bị cấm vào Mỹ, trong khi công dân và công ty Mỹ bị cấm giao dịch với các cá nhân hoặc tổ chức bị trừng phạt.
Anh công bố 50 lệnh trừng phạt mới
Ngoại trưởng Anh David Cameron ngày 22/2 đã công bố hơn 50 lệnh trừng phạt mới nhắm vào các cá nhân và doanh nghiệp Nga.
Theo thông cáo báo chí, các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào các thực thể cung cấp cho quân đội Nga các loại đạn dược như hệ thống phóng tên lửa, tên lửa và chất nổ.
Các nguồn thu chính của nhà nước Nga như kim loại, kim cương và buôn bán năng lượng cũng bị trừng phạt.
Theo báo cáo, trong số những doanh nghiệp bị trừng phạt có Xí nghiệp Nhà nước Sverdlov, mà chính phủ Anh tuyên bố là tập đoàn lớn nhất trong ngành công nghiệp đạn dược của Nga, và một số nhà nhập khẩu và sản xuất máy công cụ quan trọng của Nga.
Các hạn chế cũng đã được áp dụng đối với nhà kinh doanh dầu mỏ Niels Troost và công ty Paramount Energy & Commodities SA của ông, cũng như một số công ty vận tải biển.
Danh sách đen còn bao gồm hai công ty kim cương của Nga, một trong số đó là nhà sản xuất lớn Alrosa và Giám đốc điều hành mới Pavel Marinychev.
Dự án năng lượng LNG 2 ở Bắc Cực và nhà sản xuất LNG Novatek cũng bị đưa vào danh sách đen. Năm giám đốc điều hành hoặc chủ sở hữu của các nhà sản xuất đồng, kẽm và thép hàng đầu của Nga cũng như hai công ty nhôm đều là mục tiêu trong đợt trừng phạt lần này.
Một số thực thể và cá nhân nước ngoài cũng nằm trong danh sách mới nhất, bao gồm một công ty Thổ Nhĩ Kỳ mà Anh tuyên bố đang cung cấp thiết bị điện tử cho Nga và ba công ty điện tử ở Trung Quốc, cùng nhiều công ty khác.
Theo thông cáo báo chí, Vương quốc Anh cho đến nay đã đưa vào danh sách đen 2.000 cá nhân, công ty và nhóm có liên quan đến Nga.
Bộ Ngoại giao Nga mô tả những hạn chế này là “những nỗ lực vô ích nhằm gây áp lực lên Nga”.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.