Hải quan ‘lệnh’ siết nhập khẩu phế liệu, Hiệp hội Giấy và Bột giấy ‘kêu’ làm khó doanh nghiệp
Lệ Chi -
13/07/2018 10:54 (GMT+7)
(VNF) - Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, việc Hải quan 'lệnh’ siết chặt việc nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp và cho xã hội, làm cho hàng hoá Việt Nam không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài.
Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy, việc các cơ quan quản lý Nhà nước siết chặt quản lý, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp nhập khẩu phế liệu là việc làm cần thiết, không để các doanh nghiệp lợi dụng chính sách để nhập khẩu những chất thải nguy hại, ảnh hưởng sức khoẻ người dân và môi trường sống.
Tuy nhiên, Hiệp hội này cho rằng Tổng cục Hải quan ban hành 2 công văn, trong đó yêu cầu hàng hoá nhập khẩu là phế liệu phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhưng thời gian lấy mẫu, thời gian trả kết quản giám định không được quy định.
“Như vậy, chỉ một mặt hàng giấy phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất vừa phải có giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường của một tổ chức giám định do Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ định, vừa phải được Cục Kiểm định Hải quan kiểm định theo cùng quy chuẩn này”, Hiệp hội này nêu.
Theo Hiệp hội Giấy và Bột giấy, quy trình trên của Tổng cục Hải quan dẫn đến làm tăng thời gian chờ đợi thông quan của lô hàng, gây ách tắc hàng hoá tại cảng, tăng chi phí lưu kho, lưu bãi và các chi phí khác của doanh nghiệp.
Đồng thời việc này làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, gây lãng phí lớn cho doanh nghiệp và cho xã hội, làm cho hàng hoá Việt Nam không thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước ngoài trên thị trường trong và ngoài nước.
Hiệp hội này đưa dẫn chứng, kể từ ngày 26/6/2018 đến nay, riêng một số doanh nghiệp ngành giấy có hàng bị ách tắc tại cảng lên đến hàng nghìn container, dẫn đến chi phí lưu kho của các doanh nghiệp rất lớn, không có nguyên liệu sản xuất, bắt buộc dừng máy, có nguy cơ bị phạt hợp đồng với các đối tác nước ngoài rất cao.
Mặt khác, nhóm các doanh nghiệp trong ngành giấy cho rằng, sản xuất giấy (kể cả giấy tái chế) không phải là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện.
"Thế giới từ lâu cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ việc thu gom, tái chế giấy và không coi giấy đã qua sử dụng làm nguyên liệu sản xuất giấy tái chế là giấy phế liệu và không quản lý mặt hàng này như tất cả các loại phế liệu khác”, Hiệp hội nêu rõ.
Hiệp hội Giấy và Bột giấy đánh giá những quy định trên của Cục Giám sát quản lý về hải quan hoàn toàn chưa phù hợp với Nghị quyết 19 của Chính phủ về việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.
Trên cơ sở đó, cơ quan này đề nghị Bộ Công Thương xem xét, tháo gỡ những khó khăn cho các doanh nghiệp ngành giấy để các doanh nghiệp góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Tại cuộc họp về Quản lý nhập khẩu phế liệu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất diễn ra hôm 12/7, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức, cho biết hiện lượng phế liệu nhập khẩu đang tồn đọng chủ yếu tại các cảng ở TP. HCM (tổng 4.480 container, riêng cảng Cát Lái 3.464 container), cảng Hải Phòng (1.344 container). Trong đó ước tính 20% là phế liệu giấy và 80% còn lại là phế liệu nhựa và phế liệu khác.
Về nguyên nhân khách quan, ông Thức cho rằng từ cuối 2017, Trung Quốc dừng nhập khẩu 24 loại phế liệu khiến các nước trước đây vẫn xuất khẩu chất thải rắn, phế liệu sang Trung Quốc như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, các nước Bắc Âu phải tìm đối tác khác, thị trường khác như Việt Nam, Thái Lan, Malaysia.
Do đó, một lượng lớn hàng phế liệu nhập khẩu từ các nước đang phát triển đã tràn về khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.