Hàng loạt ‘ông lớn’ công nghệ Mỹ muốn ‘tháo chạy’ khỏi Trung Quốc, liệu có dễ?
Chu La -
06/03/2020 16:24 (GMT+7)
(VNF) - Trong bối cảnh thương chiến Mỹ-Trung căng thẳng trong năm 2019 và dịch Covid-19 bùng phát mạnh đầu năm nay, hàng loạt hãng công nghệ lớn của Mỹ như Apple, Microsoft và Google mong muốn chuyển các nhà máy sản xuất phần cứng ra khỏi Trung Quốc. Nhưng các chuyên gia nhận định việc này không hề dễ dàng.
“Hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã gắn kết chặt chẽ vào chuỗi cung ứng của Mỹ hơn bao giờ hết”, ông Sean Maharaj, Giám đốc điều hành tại AArete, một công ty tư vấn quản lý toàn cầu cho hay.
Nhắm tới Việt Nam và Thái Lan
Theo báo cáo của Nikkei Asian Review hồi tuần trước, Google và Microsoft đang tăng cường nỗ lực chuyển nhà máy sản xuất phần cứng sang các khu vực khác của châu Á. Tuy nhiên, những trở ngại mà các hãng này phải đối mặt là không thể di chuyển chuỗi cung ứng một cách nhanh chóng và Trung Quốc vẫn đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng.
Nguồn thạo tin của Nikkei cho biết Google dự kiến bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ mới nhất (có tên Pixel 4A) tại Việt Nam ngay trong tháng 4 tới. Ngoài ra, Google cũng lên kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh thế hệ kế tiếp (Pixel 5) trong nửa cuối năm nay ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Google cũng yêu cầu một số đối tác sản xuất lâu năm ở Thái Lan chuẩn bị dây chuyền sản xuất dòng sản phẩm nhà thông minh (smart home) của mình, ví dụ như loa hỗ trợ giọng nói.
Trong khi đó, Microsoft đang hy vọng sẽ bắt đầu sản xuất dòng máy tính xách tay và máy tính để bàn Surface tại Việt Nam trong quý II năm nay. Cho đến nay, phần cứng của hai công ty này chủ yếu được sản xuất tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, cả Microsoft và Google đã từ chối bình luận về thông tin trên khi phóng viên CNBC liên hệ.
Năm ngoái, Apple được cho là đã bắt đầu thử nghiệm sản xuất AirPods tại Việt Nam và yêu cầu các nhà cung cấp xem xét chuyển 15 - 30% sản lượng từ Trung Quốc sang các khu vực khác ở Đông Nam Á.
Toàn bộ hệ sinh thái phải rời theo
P.S. Subramaniam, đối tác tại công ty Kearney, cho biết Trung Quốc hiện là thị trường trọng điểm. Bởi lẽ, đây là nơi sản xuất các thành phần điện tử như màn hình và bộ nhớ, các mô-đun như camera và cũng là nơi lắp ráp hàng hóa thành phẩm.
Cũng theo ông Subramaniam, khoảng 40% thành phẩm trên toàn cầu đến từ Trung Quốc và phần còn lại đến từ các khu vực khác trên thế giới. Vì vậy, có thể "dễ dàng đa dạng hóa nguồn cung khỏi Trung Quốc trong thời gian ngắn, từ 3-6 tháng, đối với hầu hết các công ty có tài liệu về quy trình sản xuất và lắp ráp được phát triển tốt”.
Trong khi đó, khoảng 60% mô-đun được sản xuất tại Trung Quốc. Do đó, sẽ khó khăn hơn để rút khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng “vẫn còn khả thi”, ông Subramaniam cho biết thêm.
Tuy nhiên, theo ông Subramaniam, phần linh kiện mới là vấn đề cần lưu tâm nhất.
“Đây là một điểm nghẽn đáng lo ngại vì các linh kiện là nguyên vật liệu cần thiết để sản xuất mô-đun và lắp ráp thành phẩm. Do đó, sẽ rất khó di dời vì nó đòi hỏi toàn bộ hệ sinh thái phải dời theo”, ông Subramaniam nói với CNBC.
Theo ông John Harmon, nhà phân tích cấp cao tại Coresight Research, một số dây chuyềnn láp ráp có thể được chuyển sang nơi khác, nhưng những dây chuyền sản xuất này cần thời gian để thiết lập. Hơn nữa, không một quốc gia nào có nguồn nhân lực lớn như Trung Quốc.
Chưa chắc đã làm giảm rủi ro
Giám đốc điều hành Maharaj của Aarete cho biết việc rút dần sản xuất ra khỏi Trung Quốc có thể xảy ra, nhưng sẽ diễn ra chậm rãi. Bởi lẽ, các công ty phải nghiêm túc tìm hiểu các chiến lược giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng của mình.
Ông Maharaj cho rằng khi muốn di chuyển nhanh chóng và thay đổi đầu tư, các tập đoàn sẽ hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương và các doanh nghiệp để thực hiện điều đó.
Cũng theo ông Maharaj, trong tương lai, các công ty này sẽ dần di dời các nhà máy sản xuất của mình tại Trung Quốc sang Hàn Quốc, Đài Loan, Việt Nam…
Ông Bryan Ma, Phó Chủ tịch phụ trách nghiên cứu thiết bị tại IDC, thì cho rằng việc chuyển địa điểm sản xuất chưa chắc đã giúp giảm rủi ro cho các công ty.
Theo ông Bryan, virus corona đã lan rộng ra các quốc gia khác, trong khi cuộc chiến thương mại cũng có thể chuyển sang các quốc gia khác trong tương lai.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone