Năm 2000, hoạt động nông sản của Việt Nam còn tụt khá xa so với mặt bằng các nước Đông Nam Á, nên khi ông Phan Minh Thông - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phúc Sinh, quyết định làm xuất khẩu hồ tiêu đã nhận không ít ánh mắt nghi ngờ. Nhưng rồi ít lâu sau, cái tên “vua hồ tiêu” được cả nước biết đến.
Năm 2007, Phúc Sinh xuất khẩu thêm cà phê. Đến năm 2015, ông chủ công ty nông sản ôm mộng lớn khi sản xuất cà phê Việt chuẩn quốc tế cung cấp cho thị trường nội địa. Hiện tại, nhiều đối tác kinh doanh, khách hàng đã trở thành người dùng quen thuộc của thương hiệu cà phê mang tên K Coffee. Nhưng để đa phần người Việt chọn và chuyển hẳn sang cà phê rang xay nguyên chất thì còn cả chặng đường dài. Cũng khó khăn như lần đầu làm hồ tiêu, nhưng ông Phan Minh Thông vẫn thể hiện quyết tâm: “Người Việt phải được uống cà phê chất lượng châu Âu”.
Việt Nam xuất khẩu cà phê nguyên liệu đứng thứ 2 thế giới nhưng lại phải nhập lượng lớn cà phê thành phẩm
Trong cuốn sách Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh của mình, ông Thông viết: “Thành công và thất bại luôn đan xen với nhau, đôi khi lằn ranh rất mỏng manh nhưng trạng thái thì đối nghịch từ đỉnh cao đến vực sâu, chỉ trong một câu nói ‘Yes’ hoặc ‘No’”.
Câu nói này như để phản ánh đúng ước mơ mang cà phê nguyên chất 100% đến người dùng Việt. Chữ “Yes” ông chọn lần này, cơ hội thành công cũng mỏng manh như vậy.
Giấc mơ nhen nhóm khi ông Phan Minh Thông uống ly cà phê trên chuyến bay của một hãng hàng không Việt Nam và nhận thấy vị không nguyên chất, nhiều hương liệu. Nhất là với một chuyến bay quốc tế sẽ có nhiều nước ngoài uống và cảm nhận về một nước sản xuất lượng lớn cà phê nhưng lại pha chế ra thức uống với đa phần hương liệu. Điều đó làm ông chủ Phú Sinh trăn trở rất nhiều.
Rồi trong những lần đi công tác nước ngoài, có dịp uống cà phê của ở nhiều nơi, ông Thông càng quyết tâm sản xuất cà phê sạch từ nguồn nguyên liệu trong nước và cung cấp cho chính người Việt.
Theo ông Thông, nhiều đối tác nước ngoài rất ngạc nhiên khi Việt Nam sản xuất 1,7 triệu tấn cà phê xanh mà lại đi nhập khẩu rất nhiều cà phê rang xay nước ngoài. Trong khi đó, các nước mua cà phê của Việt Nam, sản xuất và đóng gói đã mất 6 tháng, lại vận chuyển và tồn kho đến người tiêu dùng là mất từ 12 đến 18 tháng. Cà phê là thức uống thực phẩm, để quá lâu như vậy thì không thể ngon.
Ông Phan Minh Thông sản xuất cà phê nguyên chất cung cấp ra thị trường với mong muốn người Việt Nam được uống cà phê chuẩn châu Âu
Vì vậy, ông đầu tư chiếc máy rang xay từ Italy, bởi theo ông công nghệ rang xay của đất nước này rất phát triển, hương và vị cà phê giữ chặt trong hạt. Không như cách rang của người Việt, hạt cà phê không chín đều, vị ngon không còn trọn vẹn.
Ban đầu, cà phê rang xay Phúc Sinh làm ra để cung cấp cho chính nhân viên, đối tác. Dần dà, công ty chuyên xuất khẩu mở rộng quy mô với việc xây dựng nhà máy chế biến và đầu tư vùng trồng nông sản theo chuẩn UTZ - chương trình và nhãn hiệu chứng minh sản xuất bền vững thân thiện với môi trường. Để có cà phê ngon chuẩn quốc tế, Phúc Sinh quan niệm phải bắt đầu từ người nông dân.
Nhưng với thói quen chăm sóc bằng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, đến khi thu hoạch lại hái đại trà thì việc hướng người nông dân đến chuẩn UTZ không phải chuyện dễ dàng.
Trước những khó khăn của người đi ngược dòng, ông Phan Minh Thông lạc quan khi viết: “Kinh doanh cà phê khó và vô cùng thách thức. Thách thức nhất là mỗi năm mỗi khác, phải luôn thay đổi để phù hợp. Tuy nhiên có một thuận lợi vô cùng lớn bởi chúng ta là người Việt Nam, cây cà phê được trồng ở đây, chúng ta hiểu văn hóa và nói tiếng Việt. Bấy nhiêu cũng đủ giúp chúng ta có lợi thế hơn các nước khác đến đây kinh doanh”.
Phúc Sinh tiếp tục bỏ 5 tỷ đồng hỗ trợ nông dân trồng cà phê theo chuẩn UTZ, cụ thể: Cách tưới nước tiết kiệm, bón phân hữu cơ để cây hấp thu dinh dưỡng tốt nhất và bảo vệ đất khỏi tàn phá của chất hóa học. Đồng thời, Phúc Sinh nâng cao ý thức bảo vệ môi trường của người dân trồng cà phê thông qua kiểm định nghiêm ngặt các chất độc hại và đất đai canh tác.
Đời sống nông dân được nâng cao toàn diện bằng cách thiết lập các tiêu chuẩn đối với người sản xuất cà phê vế: Cơ sở vật chất y tế, giáo dục, nước sinh hoạt và nhà ở đáp ứng nhu cầu của cả cộng đồng. Đó cũng là tính nhân văn trong kinh doanh được Phúc Sinh đề cao.
Ông Thông quyết tâm sản xuất cà phê chuẩn quốc tế từ nguồn nguyên liệu trong nước để cung cấp cho người dùng Việt
Sau những khó khăn tiếp cận ban đầu, những nông dân UTZ đầu tiên hình thành. Nhờ lợi ích thiết thực từ cách trồng theo chuẩn UTZ cho năng suất tăng, tiết kiệm chi phí và đời sống được cải thiện đáng kể, người này truyền tai người kia giúp số lượng nông dân trồng cà phê bền vững ngày càng tăng, đến nay đã có 897 hộ với diện tích trên 1.000 ha và hơn 2.700 tấn cà phê đạt chuẩn UTZ do Phúc Sinh hỗ trợ.
Cùng với UTZ, các sản phẩm Phúc Sinh cũng đạt chứng nhận BRC về an toàn thực phẩm, lưu trữ và bao bì…. được thế giới công nhận.
Khi nói đến người đặt viên gạch cho ước mơ mang cà phê sạch đến người Việt - ông Phan Minh Thông, nhân viên đều kể lại bằng sự nể phục. Không những là con người nhạy bén trong kinh doanh, ông Thông còn mê tranh và có thú vui chơi tranh. Cũng có năm ông bán được đến vài chục bức, nhưng ông cho biết dù kinh doanh, ông chỉ bán cho người thật sự cảm và yêu tranh.
“Với nghệ thuật, dù anh là ai, ở tầng lớp nào, một khi đã gắn bó và thật sự say mê với nó, sẽ không thử thách nào tách anh rời xa nổi”, ông Thông viết. Có lẽ điều ấy đúng với cả sở thích chơi tranh và mơ ước đem cà phê ngon chuẩn quốc tế đến với người Việt.