'Thăm' khu đất xây 365 căn nhà ở xã hội ngay trong nội đô Hà Nội
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Cuối tháng 6/2019, sau đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019, Tổng công ty Viglacera chính thức có tân Chủ tịch: ông Nguyễn Văn Tuấn. Vị "đại gia" sinh năm 1984 này hiện là Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex).
Một điểm khá đáng chú ý là, mặc dù Bộ Xây dựng vẫn nắm trong tay lượng cổ phần lớn nhất (trên 38%) và nắm quyền phủ quyết, cao hơn nhiều mức 25% của nhóm cổ đông Gelex nhưng bộ này vẫn quyết định "nhường" ghế chủ tịch cho "người ngoài".
Động thái này phần nào hàm ý rằng ứng viên lớn nhất cho trên 38% cổ phần còn lại mà Bộ Xây dựng dự kiến thoái trong cuối năm 2019, đầu năm 2020 chính là nhóm cổ đông Gelex.
Quyết định "nhường" ghế chủ tịch có thể được coi là động thái chuyển giao sớm, bởi nếu có ứng viên nào khác Gelex mua được trên 38% cổ phần từ Bộ Xây dựng thì ban lãnh đạo của Viglacera nhiều khả năng sẽ lại xáo trộn, gây ra bất ổn trong công ty.
Và rõ ràng, với việc Chủ tịch HĐQT Viglacera đồng thời là Chủ tịch Gelex, lợi thế trong cuộc đua mua cổ phần nhà nước tại Viglacera sắp tới đang nghiêng về phía Gelex.
Thâu tóm được Viglacera, Gelex sẽ không chỉ trở thành "ông lớn" trong ngành bất động sản khu công nghiệp và ngành vật liệu xây dựng, mà còn giúp hoàn thiện hệ sinh thái hiện tại, vốn đang tập trung phát triển mảng bất động sản, nước sạch & xử lý nước - những mảng mà Viglacera cũng đang tham gia.
Nhiều năm qua, Gelex theo đuổi mô hình tăng trưởng bằng cách tham gia và trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong các lĩnh vực có tiềm năng tăng trưởng cao của đất nước như sản xuất công nghiệp (thiết bị điện và vật liệu xây dựng); sản xuất điện tái tạo, logistics, bất động sản và khách sạn cao cấp.
Theo thống kê của Công ty Chứng khoán MB (MBS), quy mô của Gelex tiếp tục gia tăng khi trong 6 tháng đầu năm, công ty mua vào 111,93 triệu cổ phiếu của Viglacera, tương đương 24,96%, với giá trị đầu tư 2.479 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng thêm 19% so với đầu năm và đạt 20.591 tỷ đồng.
Ở mảng điện, thông qua M&A, Gelex trở thành nhà sản xuất và kinh doanh vật liệu, thiết bị điện lớn bậc nhất Việt Nam thông qua việc sở hữu chi phối các doanh nghiệp sản xuất hàng đầu về dây và cáp điện là Công ty Dây và Cáp điện Việt Nam (Cadivi), Công ty Thiết bị điện Việt Nam (Thibidi), Công ty Chế tạo điện cơ Hà Nội (HEM), Tổng Công ty thiết bị điện Đông Anh (TBD).
Gelex đã thành lập Công ty TNHH MTV Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric) và cơ cấu đưa các công ty sản xuất ngày thiết bị, dây cáp điện vào Gelex Electric, tạo sự quản lý thống nhất và tạo sức mạnh tổng hợp.
Không chỉ sản xuất dây dẫn, máy biến áp, thiết bị đo đếm và động cơ điện, Gelex còn tham gia trực tiếp vào sản xuất điện.
Đối với lĩnh vực điện năng, đến nay công ty này đã đưa vào vận hành các nhà máy Thủy điện Sông Bung 4A công suất 49MW, nhà máy thủy điện Canan 1&2 công suât 25MW, dự án điện mặt trời Bình Thuận 50MWP và đang tập trung thực hiện đầu tư dự án điện gió Gelex-Hướng Phùng 1 với công suất 50MW.
Dự kiến công ty sẽ tiếp tục đầu tư các dự án năng lượng tái tạo khác tại Quảng Trị, Bình Phước để đến 2025, công suất phát điện các nhà máy đạt từ 350-500MW.
Bên cạnh điện năng, Gelex cũng tham gia vào lĩnh vực thiết yếu khác là nước sạch.
Gelex đang thực hiện đầu tư vào Công ty Nước sạch Sông Đà (VCW)- đơn vị quản lý vận hành nhà máy nước sạch lớn nhất tại Hà Nội với công suất 300.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho khu vực phía Tây Nam Hà Nội và sẽ tiếp tục mở rộng theo chuỗi đô thị Miếu Môn – Xuân Mai - Hòa Lạc - Sơn Tây.
Nhà máy này đang trong giai đoạn đầu tư nâng công suất lên 600.000 m3/ngày đêm, gấp đôi hiện tại.
Gelex đã thành lập Công ty TNHH MTV Năng lượng Gelex (Gelex Năng lượng) để quản lý và vận hành nhóm công ty này gồm điện năng và nước sạch.
Ở lĩnh vực logistic, Gelex đang sở hữu Công ty Kho vận Miền Nam (Sotrans) - đơn vị quản lý và vận hành ICD Sotrans với diện tích hơn 10ha, công suất xếp dỡ là 450 nghìn TEU, hệ thống kho bãi trải rộng tại TP. HCM và các tỉnh Đông Nam bộ với 230 nghìn m2 nhà kho và tiếp tục có kế hoạch tăng thêm đạt 400 nghìn m3 trong những năm tới.
Trong khi đó, tại Sowatco, công ty con của Sotrans, cũng đang quản lý và vận hành cảng Sowatco Long Bình, quận 9, TP. HCM với quy mô 20ha, 3 cầu tàu có thể tiếp nhận tàu, xà lan 5.000DWT.
Công ty cũng thông qua liên doanh sở hữu 37% tại Công ty Tiếp vận số 1 là đơn vị vận hành Cảng VICT tại khu chế xuất Tân Thuận. Đây là cảng lớn được đầu tư các thiết bị xếp dỡ hiện đại với công suất lớn 26Cont/giờ.
Bên cạnh đó là hoạt động vận tải đường bộ, đường sông, vận tải đa phương thức, siêu trường siêu trọng của các đơn vị trong nhóm như Vietranstimex, Sowatco...
Quản lý lĩnh vực hoạt động này là Công ty TNHH MTV Gelex Logistics.
Gelex cũng đang ngày càng tham gia sâu vào lĩnh vực bất động sản. Một số dự án có thể kể đến như dự án xây dựng trụ sở kết hợp văn phòng cho thuê Gelex Tower - 52 Lê Đại Hành với diện tích đất 1.937 m2; nắm lượng lớn cổ phần ở Khách sạn Melia Hà Nội; sở hữu Khách sạn Bình Minh - số 10 Trần Nguyên Hãn, Hà Nội và đang hoàn tất thủ tục xây dựng tổ hợp khách sạn - dịch vụ thương mại - văn phòng cho thuê tại đây.
M&A trải dài trên nhiều lĩnh vực giúp Gelex nhanh chóng gia tăng quy mô. Tuy nhiên, việc hoạt động trên nhiều lĩnh vực cũng khiến công ty này chịu sự tác động của những rủi ro đặc thù trong từng lĩnh vực kinh doanh.
Theo nhận định của Công ty Chứng khoán MB (MBS), mảng sản xuất thiết bị điện của Gelex chịu tác động lớn từ thị trường tiêu thụ khi sản phẩm có liên hệ trực tiếp với sự phát triển của ngành điện, ngành xây dựng giá nguyên vật liệu đầu vào.
Cùng với đó là biến động giá nguyên vật liệu cơ bản chiếm tỷ lệ chi phí cao trong giá thành sản phẩm như đồng, nhôm, hạt nhựa từng thời điểm tác động mạnh đến kết quả kinh doanh của công ty.
Mảng kinh doanh điện nước và năng lượng của Gelex là mảng kinh doanh ổn định, tuy nhiên phụ thuộc nhiều vào yếu tố thiên nhiên. Đặc biệt là mảng năng lượng điện khi sản lượng thủy điện, điện mặt trời hay điện gió đều biến động tùy thuộc vào các yếu tố như lượng mưa, sức gió hay bức xạ nhiệt vốn không thể đo lường và dự báo chính xác.
Mảng logistics đòi hỏi phải tích hợp được hàng loạt các dịch vụ vận tải giao nhận thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu thành một chuỗi liên tục để đảm bảo hàng hóa được vận chuyển trọn gói từ nhà sản xuất - vận tải - người tiêu dung, tuy nhiên thị trường Việt Nam chưa thể đáp ứng. Cơ sở hạ tầng cho dịch vụ logistics cũng chưa hoàn chỉnh.
Đặc biệt, do đặc thù ngành áp dụng cước phí dịch vụ chủ yếu bằng ngoại tệ, vì vậy thường xuyên phải đối mặt với rủi ro biến động tỷ giá, ảnh hưởng nhất định đến kết quả kinh doanh.
Ngoài những rủi ro mang tính đặc thù chung của ngành, MBS cũng nhận thấy rủi ro khác Gelex có thể gặp phải trong quá trình mở rộng đầu tư, phát triển sang các lĩnh vực mới với nhu cầu vốn lớn sẽ gia tăng nợ vay, nếu không được kiểm soát tốt, cơ cấu nguồn vốn có thể bị mất cân đối, hoạt động của công ty sẽ gặp nhiều khó khăn, tính bền vững giảm và chi phí vốn tăng mạnh sẽ tác động trực tiếp đến lợi nhuận của công ty.
(VNF) - Dự án nhà ở xã hội NO1 thộc Khu đô thị mới Hạ Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân và xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.