Hồi tháng 7/2016, Heineken Việt Nam đã hoàn tất quá trình mua lại dây chuyền sản xuất cũ của Carlsberg Việt Nam ở Vũng Tàu và lên kế hoạch tăng sản lượng bia sản xuất tại Bà Rịa - Vũng Tàu từ 50 triệu lít lên mức 610 triệu lít mỗi năm.
Nhà máy này cũng đã được đổi tên thành Nhà máy bia Heineken Việt Nam Vũng Tàu và quá trình mở rộng đã được trình lên cơ quan chức năng. Dù vẫn đang trong quá trình xin phép nhưng nhiều khả năng là Heineken sẽ được phép mở rộng sản xuất, Nikkei cho biết.
Heineken bước chân vào thị trường Việt Nam từ năm 1991 dưới dạng liên doanh giữa công ty con tại châu Á - Thái Bình Dương của hãng và Tổng công ty Thương mại Sài Gòn, đơn vị nắm giữ 40% cổ phần của Heineken Việt Nam.
Lương tiêu thụ bia ở Việt Nam được dự đoán sẽ đạt mức 4,1 tỷ lít một năm vào năm 2020 so với mức 3,4 tỷ lít ở thời điểm hiện tại. Heineken cho hay Việt Nam là thị trường sinh lời tốt thứ hai thế giới sau Mexico và hứa hiện nhiều tiềm năng phát triển. Số người trên 18 tuổi, tuổi hợp pháp sử dụng bia, sẽ vượt mức 72 triệu người vào năm 2021 từ 69 triệu người hiện nay.
Heineken Việt Nam là cái tên được đổi lại từ công ty TNHH Nhà máy bia Việt Nam vào tháng 8/2016. Đơn vị này trước đó quản lý vận hành 5 nhà máy bia trên khắp cả nước, sản xuất chủ yếu các dòng bia như Heineken, Tiger, Larue, Bibina, BGI ...
Năm 2015, Bia Sài Gòn (Sabeco) tiếp tục dẫn đầu thị trường bia cả nước với 40% thị phần, theo sau là Heineken Việt Nam với 25% và Bia Hà Nội (Habeco) chiếm 18%. Phần còn lại của thị trường được chia cho các hãng bia nhỏ.
Heineken, dù giá đắt hơn so với các sản phẩm cạnh tranh, đang tăng trưởng ổn định ở mức 14% doanh số một năm từ 2012 tới nay, hơn gấp đôi tỷ lệ này của Sabeco, theo số liệu từ VCSC. Heineken sản xuất 729 triệu lít bia trong năm ngoái, con số này của Sabeco là 1,38 tỷ lít.
Thai Beverage là một trong những nhà đầu tư tiềm năng mong muốn mua lại cổ phần của Sabeco khi đơn vị này lên sàn vào tuần tới. Heineken, dù rất kín tiếng nhưng theo nhiều nguồn tin của Nikkei, đã sở hữu 5% cổ phần của Sabeco và có tham vọng mua thêm. Phần lớn cổ phần của Sabeco đều đang do Nhà nước nắm giữ, chỉ có 9,35% cổ phần đang được 17 nhà đầu tư nước ngoài chia nhau.
Năm ngoái, Việt Nam đã thông báo về kế hoạch bán 50% cổ phần của Sabeco tới các đối tác chiến lược. Ông Phan Đăng Tuất, nguyên chủ tịch Sabeco cho hay đơn vị này sẽ ưu tiên các nhà đầu tư trong nước mua cổ phần thay vì các đơn vị nước ngoài để tránh xung đột lợi ích trên thị trường.
Các quy định của Việt Nam không cấm sở hữu nước ngoài tại các công ty cổ phần. Ông Lê Hồng Xanh, tổng giám đốc Sabeco chia sẻ với Bloomberg hồi tháng 9/2016 rằng không quan trọng nhà đầu tư tới từ đâu. Theo ông Xanh, ai trả cao nhất sẽ thắng và Nhà nước muốn thoái vốn càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, trần sở hữu cổ phiếu Sabeco của các đơn vị nước ngoài hiện nay là 49% và không có dấu hiệu gì cho thấy con số này sẽ thay đổi trong tương lai gần.