SCIC tiết lộ danh sách thoái vốn năm 2024, thiếu vắng nhiều 'gà đẻ trứng vàng'

Hải Đường - 08/03/2024 15:48 (GMT+7)

(VNF) - SCIC vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 1/2024 bao gồm 27 doanh nghiệp, ít hơn so với danh sách 73 doanh nghiệp của năm 2023.

VNF
SCIC tiết lộ danh sách thoái vốn năm 2024, thiếu vắng nhiều 'gà đẻ trứng vàng'

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 1/2024, với số lượng doanh nghiệp là 27, trong đó có 2 đơn vị đã thoái vốn thành công (Công ty Cổ phần Tập đoàn Vinacontrol và Công ty Cổ phần Phim truyện 1).

Danh sách bao gồm những cái tên đáng chú ý như Tổng công ty Thuỷ sản Việt Nam (Seaprodex, UPCoM: SEA), Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (UPCoM: VEC), Tổng công ty Đầu tư nước và môi trường Việt Nam (UPCoM: VIW), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế DOMESCO (HoSE: DMC), Công ty Cổ phần Sách Việt Nam (UPCoM: VNB),…

Tỷ lệ sở hữu của SCIC tại các công ty thuộc danh sách đạt từ 5-99%, giá trị vốn cổ phần đạt từ 1,8 tỷ đồng – 792 tỷ đồng. So với danh sách lên tới 73 doanh nghiệp trong năm 2023, kế hoạch thoái vốn của SCIC trong năm 2024 có phần thu hẹp, không xuất hiện những doanh nghiệp đáng chú ý như trong danh sách năm ngoái như Công ty Cổ phần Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND), Công ty Cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (UPCoM: QTP), Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (HoSE: PPC), Tổng công ty Licogi (UPCoM: LIC), Tổng công ty Thăng Long (HNX: TTL), Tổng công ty Vật liệu Xây dựng số 1 (UPCoM: FIC),...

Ngoài ra, trong số 27 doanh nghiệp trong danh sách, không xuất hiện những “ông lớn” mang lại nguồn cổ tức dồi dào cho SCIC mỗi năm như Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM), Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT), Công ty Cổ phần Nhựa thiếu niên Tiền Phong (HNX: NTP), Công ty Cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, HoSE: SAB) hay Tập đoạn Bảo Việt (HoSE: BVH)…

Trước đó, SCIC cho biết danh mục hiện nay của đơn vị chỉ còn 113 doanh nghiệp, ngoại trừ 12 doanh nghiệp nắm giữ theo dự thảo Đề án cơ cấu lại SCIC, phần lớn còn lại là những doanh nghiệp kém hiệu quả, khó bán vốn.

Các doanh nghiệp bao gồm 37 đơn vị thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; 34 đơn vị gồm các doanh nghiệp thuộc diện giải thể phá sản, ngừng hoạt động, tỷ lệ sở hữu nhỏ, kinh doanh khó khăn…(có một số doanh nghiệp đã bán vốn 6 lần trở lên không thành công); 24 đơn vị phải giải quyết các vướng mắc về pháp lý, công nợ, quyết toán vốn lần 2 mới đủ điều kiện bán vốn; 4 doanh nghiệp thuộc Thông báo số 281.

Theo chiến lược phát triển và kế hoạch 5 năm, đến năm 2025, doanh thu bình quân hằng năm đạt 9.500 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 6.700 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước là 5.400 tỷ đồng, giải ngân đầu tư cả giai đoạn là 36.300 tỷ đồng.

Tỷ trọng vốn đầu tư các ngành, lĩnh vực và dự án trọng điểm nhà nước tập trung đầu tư theo chiến lược 2021 - 2030 là các ngành công nghệ cao, kinh tế số, năng lượng, dự án hạ tầng trọng điểm, đô thị thông minh, y tế hiện đại, dược phẩm, tài chính ngân hàng, các lĩnh vực khác sẽ chiếm trên 50% tổng vốn đầu tư.

Cùng chuyên mục
Tin khác