Thương vụ bán vốn của BIDV: 'Có thể thu về hơn 27.000 tỷ đồng'

Hải Đường - 21/03/2024 15:21 (GMT+7)

(VNF) - Theo dự báo của BVSC, việc hoàn tất thương vụ bán vốn của BIDV có thể kéo dài đến năm 2025 trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài thu hẹp khẩu vị rủi ro, chưa mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

VNF
BIDV: Thương vụ bán vốn kéo dài đến 2025, có thể thu về hơn 27.000 tỷ đồng

Giảm áp lực trích lập dự phòng, mở rộng cho vay bán lẻ

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã qua giai đoạn khó khăn về xử lý nợ xấu, giảm bớt áp lực trích lập dự phòng và có dư địa để tăng trưởng mạnh hơn.

BIDV đã thực hiện thành công phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2 (2016-2020) theo Đề án 1058 của Chính phủ, gắn với xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14, Chỉ thị số 32/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 06/CT-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Đề án đã chỉ rõ định hướng và giải pháp cho các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (trong đó có BIDV) đóng vai trò là lực lượng chủ lực, chủ đạo về quy mô, về thị phần, về khả năng điều tiết thị trường. 

Riêng nợ xấu theo Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016 – 2020, BIDV đã thu hồi được trên 25.000 tỷ đồng thông qua các biện pháp xử lý tài sản, khách hàng trả nợ… Đến năm 2020, ngân hàng xử lý xong phần dư nợ đã bán cho VAMC, hoàn thành kế hoạch tất toán trái phiếu trước thời hạn đã được phê duyệt tại phương án cơ cấu lại và sớm hơn 1 năm so với quy định. Ngoài ra, trong giai đoạn này, BIDV đã tăng mạnh trích lập dự phòng, đồng thời mạnh tay xóa nợ xấu nội bảng (write off).

BVSC dự báo giai đoạn 2024-2028, tỷ lệ nợ xấu NPL của BIDV sẽ rơi vào khoảng 0,9 – 1%, chi phí tín dụng đạt khoảng 1 – 1,1%, thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2019-2023.

Từ năm 2017, cơ cấu tín dụng của BIDV đã từng bước chuyển dịch sang phân khúc bán lẻ, doanh nghiệp SME nhằm đem về mức sinh lợi cao hơn. Tỷ trọng của dư nợ bán lẻ tăng mạnh từ mức 27,6% năm 2017 lên mức 34% vào năm 2019.

Tỷ trọng cho vay khách hàng cá nhân đã tăng mạnh lên 44% vào năm 2023. BVSC cho rằng BIDV còn dư địa để mở rộng thêm tệp khách hàng này, với tỷ trọng đến năm 2028 dự báo là 49%. Theo BVSC, mở rộng tỷ trọng cho vay bán lẻ giúp BIDV cải thiện NIM và hướng tới phát triển phát triển bền vững.

Ngoài ra, danh mục cho vay bán lẻ của BIDV cũng có sự đa dạng hóa giữa các lĩnh vực, đem lại sự an toàn cho danh mục. Đến cuối năm 2023, cho vay thương mại và sản xuất chiếm tỷ trọng 41%, 33% là cho vay thế chấp nhà và 14% là cho vay tiêu dùng.

Có thể thu về hơn 27.000 tỷ đồng từ bán vốn

Theo BVSC, BIDV đã tiếp xúc với 38 nhà đầu tư trong thời gian qua để thực hiện kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần theo nghị quyết tại ĐHCĐ năm 2022. Tuy nhiên, trước bối cảnh tình hình kinh tế không thuận lợi và các nhà đầu tư ngoại thu hẹp khẩu vị rủi ro, thương vụ tiếp tục được xúc tiến sang năm 2024.

Cuối năm 2019, BID cũng đã thành công trong việc phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank 15% vốn điều lệ với tổng giá trị giao dịch gần 20.300 tỷ đồng, tương đương với mức giá 33.640 đồng/cổ phiếu và định giá P/B là 1,9 lần.

Theo đánh giá của BVSC, giá phát hành trong thương vụ mới này có thể rơi vào mức P/B 2 lần cao hơn so với mức định giá trong thương vụ bán cho KEB Hana Bank vì 2 lý do.

Thứ nhất, ROE năm 2022 – 2023 của BIDV đã đạt trung bình 19%, cao hơn nhiều so với trung bình giai đoạn trước đó 14,5% và dự kiến ROE giai đoạn 2024 – 2028 cũng sẽ duy trì ở mức cao 19 – 20%. Thứ 2, nợ xấu của BIDV đã cải thiện nhiều so với giai đoạn trước đó và chi phí tín dụng cũng đã giảm mạnh giúp ngân hàng có dư địa tăng trưởng nhiều hơn.

Với mức P/B là 2 lần, giá phát hành sẽ tương đương 48.036 đồng/cổ phiếu (với giả định giá trị sổ sách giữa năm 2024 là 24.018 đồng/cổ phiếu). Nếu phát hành thành công, BIDV có thể thu về hơn 27 nghìn tỷ đồng, củng cố bộ đệm vốn cũng như hệ số CAR của ngân hàng, qua đó giúp ngân hàng có thể đạt mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Theo dự phóng của BVSC, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân CAGR của BIDV giai đoạn 2024 – 2028 có thể đạt 15,4% (cao hơn so với mức 11,9% của giai đoạn 2019 – 2023) và CAR của BIDV sẽ cải thiện lên mức 11,07% trong năm 2025 nếu hoàn thành thương vụ.

Tuy nhiên, BVSC cho rằng việc hoàn tất thương vụ có thể kéo dài đến năm 2025 trước bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài thu hẹp khẩu vị rủi ro, và chưa mở rộng đầu tư vào Việt Nam.

Mức giá bán vốn của BIDV theo dự báo BVSC khá gần với mức dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcap trước đó. Theo các chuyên gia của Vietcap, giá bán kỳ vọng cho thương vụ bán vốn của BIDV là 49.000 – 50.000 đồng/cổ phiếu, khá tương đồng với thị giá của cổ phiếu BID trên thị trường chứng khoán.

Với kỳ vọng kinh tế phục hồi trong năm 2024, cộng thêm môi trường lãi suất thấp, Vietcap kỳ vọng hoạt động huy động vốn từ phát hành cổ phiếu của BIDV có thể thành công.

Cùng chuyên mục
Tin khác
Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

Khu chợ hơn 300 tỷ chịu cảnh 'chết yểu' ở Lạng Sơn

(VNF) - Dù được đầu tư hàng trăm tỉ đồng, song Trung tâm thương mại - chợ Đồng Đăng lại rơi vào cảnh đìu hiu, hoang vắng ngắt. Cả khu thương mại lớn được đầu tư xây dựng bề thế nay đã phải đóng cửa.