Tiêu điểm

Hết 'tháng ăn chơi', bỏ tiền vào tiết kiệm, vàng hay chứng khoán?

(VNF) - Hết thàng giêng âm lịch cũng là chuẩn bị chốt quý I/2024, một vòng quay đầu tư kinh doanh mới, khi lãi suất tiết kiệm vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại, nhiều nhà đầu tư đã lựa chọn các kênh đầu tư có lợi nhuận cao hơn, như vàng hay chứng khoán.

Hết 'tháng ăn chơi', bỏ tiền vào tiết kiệm, vàng hay chứng khoán?

Ảnh minh họa.

Lãi suất tiết kiệm liên tục dò đáy

Bước sang tháng 3/2024, lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng vẫn chưa có dấu hiệu tăng trở lại.

Mặt bằng lãi suất tiết kiệm tại nhiều ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh giảm từ 0,1 – 0,5%/tùy theo từng kỳ hạn và ngân hàng. Đáng chú ý, hiện không còn ngân hàng nào áp dụng mức lãi suất từ 6%/năm ở tất cả các kỳ hạn.

Theo khảo sát nhanh của VietnamFinance, đối với kỳ hạn 1 – 3 tháng, lãi suất tiết kiệm ở mức thấp nhất là 1,7%/năm tại Agribank và SCB và cao nhất là 3,7%/năm tại BVBank. Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tiết kiệm ở mức thấp nhất là 3%/năm tại SCB, Vietcombank và cao nhất là 4,7%/năm tại Ngân hàng Bảo Việt.

Mức thấp nhất và cao nhất đối với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng lần lượt là 3,6%/năm tại Ngân hàng Hong Leong và 5,08%/năm tại Nam Á Bank. Trong khi đó, đối với kỳ hạn 18 tháng, lãi suất tiết kiệm thấp nhất là 4%/năm tại SCB, MSB và cao nhất là 5,6%/năm tại HDBank, Nam Á Bank và Public Bank.

Lãi suất tiết kiệm tiếp tục dò đáy.

Đối với kỳ hạn 24 – 36 tháng, lãi suất tiết kiệm thấp nhất là 3,6%/năm tại Ngân hàng Hong Leong và cao nhất là 6%/năm tại OCB và Sacombank. Trong tháng 2, có 23 ngân hàng giảm lãi suất huy động, thậm chí những ngân hàng như VIB, NCB và Eximbank còn có tới 3 lần giảm lãi suất huy động. Nếu so với đầu năm 2023, mặt bằng lãi suất tiết kiệm của các ngân hàng đã giảm tới một nửa.

Việc liên tục dò đáy trong thời gian dài khiến gửi tiết kiệm không còn là kênh đầu tư hấp dẫn đối với nhiều người. Chị Thanh Mai (Hà Nội) cho biết: “Cứ mỗi khi thấy tin lãi suất tiết kiệm tiếp tục giảm là tôi lại sốt ruột”. Có hơn1 tỷ gửi ngân hàng nhưng số tiền lãi mà chị Mai nhận hàng tháng chỉ vỏn vẹn hơn 4 triệu đồng/tháng và theo như lời chị Mai, số tiền này “không bõ bèn gì”.

Anh Phạm Khải (Hà Nội) cũng có chung nỗi buồn với chị Mai khi số tiền lãi mà anh nhận được hiện đã giảm gần một nửa so với thời điểm cách đây một năm. “Tôi với vợ đang tìm xem kênh đầu tư nào hợp lý hơn. Chứ cứ như bây giờ, trong 1 tháng mà ngân hàng giảm lãi suất tiết kiệm tới 3 lần thì những người gửi tiền tiết kiệm như tôi chỉ có nước “khóc ròng”.

Vàng và chứng khoán lên ngôi?

Khi thời hoàng kim của gửi tiết kiệm dần khép lại, nhiều người đã quyết định chuyển hướng đầu tư sang những kênh hấp dẫn hơn, chẳng hạn như chứng khoán và vàng.

Thị trường chứng khoán đã chứng kiến số lượng tài khoản mới tăng mạnh trong tháng đầu tiên của năm 2024. Theo số liệu từ VSDC, chỉ tính riêng trong tháng 1/2024, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước tăng thêm 125.169 tài khoản, trong đó có 125.048 tài khoản của nhà đầu tư cá nhân và 121 tài khoản của nhà đầu tư tổ chức.

Số tài khoản chứng khoán mở mới trong tháng 1/2024 cao gấp hơn 3 lần so với tháng 12/2023 và gấp 3,5 lần so với cùng kỳ tháng 1/2023. Đây cũng là số lượng tài khoản mở mới cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây.

Tính đến hết ngày 31/1/2024, tổng số lượng tài khoản chứng khoán giao dịch tại thị trường chứng khoán Việt Nam đạt 7,42 triệu đơn vị, tương đương khoảng 7,4% dân số.

Số lượng tài khoản chứng khoán mới tăng trở lại diễn ra trong bối cảnh thị trường có nhiều diễn biến tích cực. VN-Index kết thúc tháng 2/2024 ở mức 1.252,73 điểm, tăng 7,59% so với tháng 1/2024, đánh dấu tháng thứ 4 tăng điểm từ vùng giá 1.020 điểm trong tháng 11/2023.

Thị trường chứng khoán sôi động trở lại trong đầu năm 2024.

Tổng giá trị giao dịch 2 tháng đầu năm 2024 (tính đến ngày 23/2) của thị trường chứng khoán đạt 264,36 nghìn tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị giao dịch khớp lệnh ghi nhận 237,56 nghìn tỷ đồng, tăng gần 82% so với cùng kỳ năm 2023.

Ngay từ đầu năm, nhiều tổ chức, chuyên gia đã dự đoán, mặt bằng lãi suất tiết kiệm thấp sẽ giúp thị trường chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn.

Theo TPS Research, việc mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023 sẽ tác động tích cực đến sự phục hồi của chỉ số VN-Index. Thị trường chứng khoán sẽ là kênh hút tiền trong năm 2024 khi các kênh đầu tư khác như bất động sản, lãi suất vẫn đang còn cần thêm thời gian để phục hồi.

Bên cạnh đó, quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán trong năm 2024 của cơ quan quản lý cũng giúp nâng cao kỳ vọng dành cho kênh chứng khoán. Nhờ đó, nhiều chuyên gia nhận định, tiềm năng và kỳ vọng cho thị trường chứng khoán Việt Nam là rất lớn, không chỉ trong năm 2024 mà có thể kéo dài đến năm 2025, 2026.

Ngoài chứng khoán, vàng cũng đang là kênh đầu tư của nhiều người. Giá vàng trong nước liên tục phá đỉnh khiến nhiều nhà đầu tư không thể cưỡng lại sức hấp dẫn của kênh đầu tư này.

Trong 2 tháng đầu năm 2024, giá vàng miếng SJC đã tăng sốc, từ 71 triệu đồng/lượng lên hơn 81 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng khoảng 14%.

Trong khi đó, vàng nhẫn cũng chinh phục mức giá cao nhất từ trước đến nay, vượt 66,7 triệu đồng/lượng trong những ngày cuối tháng 2/2024. Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng nhẫn đã tăng nhiều nhất khoảng 3,7 triệu đồng/lượng, tương ứng mức tăng 5,8%.

So với vàng miếng SJC thì vàng nhẫn được nhiều người ưa chuộng hơn vì giá cả phải chăng, theo sát với giá thế giới và phù hợp với điều kiện tài chính của nhiều người. Số lượng người mua vàng nhẫn tăng vọt đã dẫn đến tình trạng cháy hàng, khan hiếm vàng nhẫn trong những ngày cuối tháng 2 vừa qua.

Giá vàng liên tục phá đỉnh trong thời gian qua.

Thậm chí, nhiều người còn phải đặt cọc tiền và đợi đến giữa hoặc cuối tháng 3 mới có thể nhận vàng. Tại một số cơ sở kinh doanh vàng, không chỉ vàng nhẫn mà ngay cả vàng miếng cũng chỉ còn số lượng ít, đủ thấy sức hấp dẫn của vàng trong thời gian qua.

Bảo toàn vốn đã là một thành công

Chia sẻ với VietnamFinance, ông Trần Mạnh Hoàng Việt, chuyên gia Hoạch định Tài chính cá nhân tại Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư & Quản lý tài sản FIDT, cho hay: “Về bản chất dòng tiền sẽ luôn luân chuyển từ nơi có lãi suất thấp sang nơi có lãi suất cao.

Trong điều kiện môi trường lãi suất thấp, việc gửi tiết kiệm ngân hàng chỉ mang tính chất giữ tiền. Nhiều người nhận thấy rằng nếu tiếp tục gửi tiết kiệm thì số tiền của họ không thể sinh sôi, hay như cách mọi người thường nói là "tiền nằm im hoặc tiền chết".

Từ đó, dòng tiền dần dịch chuyển từ kênh gửi tiết kiệm sang giá vàng, chứng khoán và bất động sản. Việc giá vàng lên cao, giá chứng khoán tăng trưởng, giá bất động sản hồi phục phần nào đó cũng cho thấy xu hướng dịch chuyển của dòng tiền”.

Tuy nhiên, theo ông Việt, nhà đầu tư cần hết sức cảnh giác bởi “các thị trường khác có lợi nhuận cao hơn nhưng cũng rủi ro cao hơn, đặc biệt với những nhà đầu tư mới”.

“Trong một số trường hợp, việc bảo toàn được vốn đã là một thành công, bởi nếu không quản trị rủi ro tốt, thì lợi nhuận chưa thấy nhưng có thể thấy ngay việc thua lỗ. Nếu dịch chuyển loại hình đầu tư, người đầu tư nên bắt đầu với nguyên tắc từ nhỏ cho đến lớn kết hợp gia tăng kiến thức đầu tư thay vì chạy theo hiệu ứng đám đông”, vị chuyên gia này cho hay.

Tin mới lên