Hoa Kỳ giảm nhẹ biện pháp trừng phạt lên Nga, giá nhôm giảm kỷ lục

Linh Chi - 24/04/2018 07:09 (GMT+7)

(VNF) - Hoa Kỳ đang có ý định giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt chống lại công ty kim loại khổng lồ của Nga là United Co. Rusal. Điều này đã gây ra một sự sụt giảm kỷ lục về giá nhôm.

VNF
Hoa Kỳ giảm nhẹ biện pháp trừng phạt lên Nga, giá nhôm giảm kỷ lục

Lần đầu tiên, Bộ Tài chính Hoa Kỳ thảo luận một hướng đi nhằm gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Rusal, nói rằng nước này sẽ giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt nếu "vua nhôm" Oleg Deripaska từ bỏ quyền kiểm soát công ty.

Hoa Kỳ cũng sẽ tăng thời hạn thêm 5 tháng để các công ty Mỹ ngừng "làm ăn" với các nhà sản xuất nhôm của Nga.

Rusal kiến ​​nghị được loại bỏ khỏi danh sách cấm vận và Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đồng ý cấp gia hạn trong khi xem xét đơn kháng cáo, theo một tuyên bố từ Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin.

"Rusal đã thấy được hậu quả đến từ lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ do công ty này có liên quan đến ông Oleg Deripaska. Tuy nhiên chính phủ Hoa Kỳ không nhắm đến những công nhân và các công ty con của nhà sản xuất nhôm này", ông Mnuchin cho biết.

Nhôm giảm mạnh khi các nhà đầu cơ suy đoán rằng sự gián đoạn nguồn cung có thể giảm bớt. Theo đó, giá đã giảm ở mức kỷ lục 9,4%.

Nhôm đã tăng lên mức cao trong nhiều năm qua do nguồn cung không đảm bảo. Một nhóm vận động hành lang Đức cho biết các nhà máy châu Âu có thể bị buộc phải đóng cửa và các nhà sản xuất ô tô có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nếu tình hình này tiếp diễn.

Tuyên bố của Mỹ cũng tạo thêm áp lực lên ông Deripaska khi ông đang nỗ lực cứu công ty mà không phải từ bỏ quyền kiểm soát. Ông sở hữu 48% của Rusal và kiểm soát thông qua một thỏa thuận cổ đông với những người khác bao gồm Glencore Plc và Viktor Vekselberg, những người cũng đang bị Hoa Kỳ trừng phạt.

"Trước đây từng có nghi ngờ về việc Rusal có thể vẫn bị trừng phạt nếu Deripaska bán hết số cổ phần, tuy nhiên, bây giờ chúng tôi đã có một câu trả lời rõ ràng", Oleg Petropavlovskiy, nhà phân tích tại BCS Global Markets cho biết qua điện thoại.

"Thay đổi cơ cấu sở hữu sẽ là một giải pháp cho công ty", ông nói thêm.

Trong khi các nhà phân tích cho rằng quốc hữu hóa có thể là giải pháp duy nhất, Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov nói với các phóng viên hôm thứ Sáu rằng Rusal không nằm trong danh sách bị quốc hữu hóa.

Rusal sản xuất khoảng 6% nhôm của thế giới và vận hành các mỏ, lò luyện và nhà máy lọc dầu trên toàn thế giới từ Guinea đến Ireland, từ Nga tới Jamaica.

Sau tuyên bố của Bộ Tài chính Hoa Kỳ, giá Palladium cũng giảm mạnh tới 5,4% và niken giảm 6,7%. Cả hai kim loại này đều đã tăng vọt trong hai tuần qua vì lo ngại rằng ông Vladimir Potanin, tỷ phú kiểm soát công ty khai thác mỏ lớn nhất của Nga, MMC Norilsk Nickel PJSC, có thể là mục tiêu của Hoa Kỳ.

Theo Bloomberg
Cùng chuyên mục
Tin khác