Hoàn thiện phương án chuyển giao CBBank và OceanBank, cơ cấu lại SCB
(VNF) - Chính phủ cho biết đã hoàn thiện phương án chuyển giao đối với hai ngân hàng mua lại bắt buộc là CBBank và OceanBank, đang tiến hành tiếp với các ngân hàng GPBank và DongA Bank, đồng thời có phương án cơ cấu lại SCB.
Tại báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Chính phủ đã thông tin về việc thực hiện phương án xử lý các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém.
Theo báo cáo, Chính phủ cho biết đã hoàn thiện phương án chuyển giao đối với hai ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng TNHH MTV Đại dương (OceanBank).
Đồng thời, đang tiếp tục hoàn thiện phương án chuyển giao đối với hai ngân hàng còn lại là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank).
Đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại.
Báo cáo cũng nêu rõ việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu còn chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập.
Trước đó, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành ngân hàng đã chỉ đạo các TCTD tích cực rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng tài liệu để tổ chức lễ chuyển giao hai ngân hàng 0 đồng.
Hai ngân hàng còn lại, NHNN cũng đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện nhanh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Đến thời điểm này, dù chưa công bố chính thức nhưng các thông tin trên thị trường cho thấy Vietcombank sẽ nhận chuyển giao CBBank, MB sẽ tiếp nhận OceanBank. DongA Bank và GPBank nhiều khả năng sẽ về với hai ngân hàng HDBank và VPBank.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng cho biết, ngân hàng đã hoàn thiện phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng 0 đồng, đang trình NHNN phê duyệt. Theo kế hoạch đang triển khai, việc này sẽ trong năm 2024.
Tại MB, ban lãnh đạo ngân hàng này cũng thông tin rằng đã hoàn tất thủ tục nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém, kỳ vọng sẽ hoàn thành trong năm 2024 hoặc 2025.
Ngoài Vietcombank và MB, còn hai ngân hàng khác là VPBank và HDBank cũng từng công bố chủ trương nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém.
Việc nhận chuyển giao bắt buộc một ngân hàng yếu kém từng được nhắc đến nhiều lần tại các kỳ đại hội đồng cổ đông trước đây của VPBank. Tại đại hội đồng cổ đông năm 2023, lãnh đạo cấp cao ngân hàng này lên tiếng khẳng định rằng, VPBank là 1 trong 4 ngân hàng tham gia tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém.
Đối tượng hướng tới chưa được VPBank công bố nhưng thị trường có nhiều đồn đoán ngân hàng này sẽ là GP Bank. Trước đó, tại lễ công bố các quyết định bổ nhiệm tân Chủ tịch và Tổng Giám đốc GP Bank hồi tháng 9/2022 cũng có sự tham gia của đại diện lãnh đạo VPBank.
Tại HDBank, năm 2022, ngân hàng này từng xin ý kiến cổ đông về chủ trương góp vốn điều lệ với mức không quá 9.000 tỷ đồng vào một ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc để thực hiện tái cơ cấu.
Đến ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, HDBank cũng xin ý kiến cổ đông về việc tiếp tục tham gia chương trình tái cơ cấu các Tổ chức tín dụng ngân hàng theo chủ trương của NHNN; thông qua những nội dung được cập nhật, sửa đổi, bổ sung của phương án nhận chuyển giao bắt buộc theo tình hình thực tế và hướng dẫn, phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm đệ trình.
Hé lộ 2 ngân hàng 0 đồng sắp được chuyển giao bắt buộc
- Tổ chức lễ chuyển giao chính thức 2 ngân hàng 0 đồng 07/10/2024 08:26
- Tái cơ cấu ngân hàng 0 đồng: Bước ngoặt sau một thập kỷ chờ đợi 25/06/2024 10:00
- Ba ngân hàng 0 đồng đã được định giá, chuyển giao trong năm 2024 20/05/2024 01:47
Đất vàng Tây Hồ Tây từng thuộc Tân Hoàng Minh biến động: Dự án mới, chủ mới?
(VNF) - Lô đất từng thuộc sở hữu của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại đường Minh Tảo, quận Bắc Từ Liêm mới đây đã có những chuyển động mới. Nhiều người quan tâm liệu có phải chủ mới đã tiếp quản và làm dự án mới.