Hơn 170.000 người đến Crimea định cư hậu sáp nhập vào Nga

Minh Đăng - 14/11/2019 11:31 (GMT+7)

(VNF) - Chủ tịch Quốc hội Crimea Vladimir Konstantinov ngày 13/11 cho biết, kể từ khi sáp nhập với Nga, Crimea đã tiếp nhận hơn 170.000 người từ các khu vực khác đến để định cư lâu dài, trong đó có khoảng 50.000 người từ Ukraine.

VNF
Cây cầu Kerch nối vùng Krasnodar ở miền nam Nga với Crimea.

Cũng theo ông Konstantinov, 7.000 người Crimea đã chuyển đến Ukraine và 80.000 người Crimea chuyển đến các khu vực của Nga để sinh sống. 

Crimea là một bán đảo lớn ở châu Âu, nằm ngay phía nam đất liền của Ukraine và phía tây miền Kuban của Nga. Hồi tháng 3/2014, Tổng thống Vladimir Putin đã ký phê chuẩn thành luật Hiệp ước Sáp nhập Crimea, hoàn tất tiến trình hợp nhất vùng lãnh thổ này vào Liên bang Nga.

Nga khẳng định việc sáp nhập Crimea tuân thủ luật pháp quốc tế và hiến chương Liên Hợp Quốc, dựa trên nguyện vọng của người dân Crimea, trong khi chính quyền Ukraine không công nhận điều này.

Ukraine và một số quốc gia khác đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, các doanh nhân và chính trị gia Nga, những người đến thăm Crimea và các công ty kinh doanh trên bán đảo.

Tuy nhiên, các chuyến thăm của phái đoàn nước ngoài đến Crimea vẫn tiếp tục được thực hiện. Theo ông Yuri Hempel, người đứng đầu Ủy ban Nghị viện về Quan hệ liên sắc tộc và Ngoại giao công chúng, đã có hơn 500 đại diện từ các nước châu Âu và châu Mỹ đã đến thăm bán đảo kể từ năm 2015. Gần nhất là một phái đoàn các nhà báo nước ngoài từ Liên minh châu Âu, châu Phi và châu Á đã có chuyến thăm Crimea từ 12-14/11.

Chủ tịch Quốc hội Crimea Vladimir Konstantinov.

Việc cây cầu Kerch nối vùng Krasnodar ở miền nam Nga với Crimea được thông xe vào tháng 5 năm ngoái là một phần nỗ lực của Nga nhằm giúp Crimea sớm hội nhập với nước này.

Theo điện Kremlin, tổng chi phí xây dựng cây cầu là 228 tỷ ruble (gần 3,69 tỷ USD). Với chiều dài 19 km, cầu Kerch phá vỡ kỷ lục của cầu Vasco da Gama ở Bồ Đào Nha để trở thành cầu dài nhất châu Âu.

Ngoài việc đáp ứng nhu cầu cơ sở hạ tầng để kết nối giao thông, đây là một biểu tượng mang tính chính trị sau khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga vào năm 2014.

Ngoài ra, cây cầu có thể đóng vai trò quan trọng giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào đường hàng hải khi di chuyển giữa miền nam Nga với Crimea.

Song song với phần đường bộ, tuyến đường sắt của cây cầu Kerch sẽ chính thức đi vào hoạt động vào tháng 12 tới.

Chuyến tàu đầu tiên đi qua cầu Crimea bắt đầu xuất phát từ St. Petersburg đến Sevastopol vào ngày 23/12, từ Moscow đến Simferopol vào ngày 24/12.

Trước động thái này của Nga, Đặc phái viên thường trực của Tổng thống Ukraine về khu vực Crimea, ông Anton Korinevich cho biết Kiev sẽ trừng phạt bằng mọi cách đối với tuyến đường sắt nối liền lục địa Nga và Crimea.

Kiev cho rằng, việc Nga xây dựng cây cầu Crimea đường bộ và đường sắt, cũng như việc Crimea đặt các trạm kiểm soát việc qua lại với lãnh thổ Ukraine tại khu vực Kherson "là bất hợp pháp và vi phạm Bộ luật Hình sự của Ukraine".

Xem thêm >> Gia đình Tổng thống Syria sở hữu bất động sản gần 40 triệu USD tại Nga?

Theo TASS
Cùng chuyên mục
Tin khác