Nhật báo Nikkei ngày 22/5 đưa tin, nhà sản xuất ô tô Nhật Bản Honda đã hợp tác với Dịch vụ Không gian Thái Lan (TAS) để bắt đầu bán máy bay phản lực HondaJet ở Đông Nam Á. Máy bay của hãng sẽ được bán tại các thị trường Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Singapore và Việt Nam.
"Sau khi giới thiệu chiếc HondaJet tại ABACE 2017 và mong muốn của khách hàng về việc sở hữu một chiếc HondaJet, chúng tôi đang bắt đầu kế hoạch bán máy bay ở Đông Nam Á", Giám đốc điều hành Công ty Máy bay Honda - ông Michimasa Fujino cho biết. "Chúng tôi thấy tiềm năng to lớn của HondaJet ở khu vực Đông Nam Á, một trong những khu vực phát triển nhanh nhất thế giới".
Hợp tác giữa Honda và TAS đã tạo ra một công ty mới có tên là HondaJet Southeast Asia. Theo đó, TAS sẽ thực hiện việc bán hàng và hỗ trợ cho khách hàng ở Thái Lan, Campuchia, Lào, Malaysia, Myanmar, Singapore và Việt Nam.
Ông Kasabol Bowonsrikan, Giám đốc TAS nói: "TAS vinh dự được chọn là một đối tác để bán hàng và hỗ trợ HondaJet ở Đông Nam Á. Với vị trí trung tâm của Bangkok tại ASEAN và gần các trung tâm quốc tế lớn như Hồng Kông, phạm vi của HondaJet mở rộng đến tất cả các điểm đến trong khu vực".
HondaJet được nhà sản xuất miêu tả như mẫu máy bay dân dụng nhanh, yên tĩnh và tiết kiệm nhiên liệu nhất phân khúc, với 7 chỗ ngồi trên khoang. HondaJet là thành quả phát triển bởi Honda trong vòng 3 thập kỷ và đã bay thử thành công tại Nhật Bản vào hồi tháng 4/2015.
HondaJet chở được 6 hành khách và bay với tốc độ tối đa 483 dặm/giờ (khoảng 780km/h) và đạt độ cao 1.300 dặm (khoảng 2.000km).
CEO của mảng Honda Aircraft, Michimasa Fujino cho biết, đã lấy cảm hứng thiết kế từ những đôi giày cao gót để tạo nên mũi máy bay của HondaJet, bởi nó đại diện cho vẻ đẹp cũng như sự thoải mái và tiện nghi.
Chiếc máy bay phản lực này lấy cảm hứng thiết kế từ những đôi giày cao gót.
Bên trong HondaJet là khoang lái hình bán nguyệt hiện đại với kích thước 3,7 mét, rộng 1,52 mét và cao 1,46 mét. Những tính năng nổi bật của khoang lái HondaJet gồm có hệ thống điều khiển màn hình cảm ứng, 3 màn hình 14 inch và bộ thiết bị điện tử hàng không Garmin G3000. Trong khi đó, khoang hành khách của HondaJet dài 5,43 mét và có nhà vệ sinh khép kín.
HondaJet hướng vào đối tượng khách hàng là doanh nhân và chủ doanh nghiệp.
Trước đó, ngày 9/12/2015, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã chính thức cấp giấy chứng nhận cho HondaJet, chiếc máy bay phản lực dành cho doanh nghiệp với mức giá "bình dân" do Honda sản xuất. Giấy chứng nhận của FAA đồng nghĩa với việc Honda được cấp phép bán hàng tại Mỹ với mức giá 4,5 triệu USD.
Lãnh đạo Honda cho biết muốn hướng sản phẩm này đến các doanh nhân và chủ doanh nghiệp muốn có một phương tiện đi lại hiệu quả hơn.
Nhiều chuyên gia tin rằng danh tiếng của Honda trong các lĩnh vực truyền thống sẽ là một lợi thế cho hãng khi nhảy vào lĩnh vực máy bay. Bề dày lịch sử với độ tin cậy cao của Honda được đánh giá là sẽ thu hút người mua.
Với việc đưa những chiếc máy bay phản lực đến tay người tiêu dùng, sau 30 năm phát triển, hãng xe Nhật đã tạo ra một bước đột phá mới trong ngành công nghiệp hàng không, cũng giống như những gì mẫu xe Civic đã làm được khi lần đầu tiên trình làng ở lĩnh vực ô tô.