Hong Kong chính thức ‘khai tử’ dự luật dẫn độ gây tranh cãi

Thanh Tú - 09/07/2019 10:21 (GMT+7)

(VNF) - Phát biểu trong cuộc họp báo sáng nay (9/7), trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) thừa nhận việc sửa đổi dự luật dẫn độ đã "thất bại hoàn toàn".

VNF
Trưởng đặc khu Hong Kong Lâm Trịnh Nguyệt Nga.

Bà Lâm thừa nhận người dân vẫn tỏ ra "hoài nghi về sự chân thành của chính quyền và lo ngại về việc chính quyền tái khởi động tiến trình đưa dự luật ra trước hội đồng lập pháp", do đó bà tuyên bố "dự luật đã chết".

"Nếu dự luật được rút hôm nay, ba tháng sau nó có thể được đưa ra trước Hội đồng Lập pháp thêm lần nữa. Nhưng có lẽ người dân muốn nghe một phát ngôn thật kiên quyết và dứt khoát. Vì vậy, 'dự luật đã chết' là một câu nói tương đối kiên quyết", bà cho biết thêm.

Cũng tại buổi họp báo, bà Lâm đã nhận trách nhiệm về những hỗn loạn đã xảy ra ở đặc khu này trong thời gian qua. Tuy nhiên bà tuyên bố sẽ không mở cuộc điều tra về những vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình.

Bà cho biết Hội đồng Khiếu nại Cảnh sát Độc lập (Independent Police Complaints Council) sẽ tiến hành một cuộc điều tra và tất cả các bên có liên quan tới cuộc biểu tình.

“Người biểu tình, cảnh sát, truyền thông và quan sát viên đều có thể lên tiếng, cung cấp thông tin”, bà Lâm cho biết.

Trưởng đặc khu Hong Kong nói bà "tự hào về phẩm chất của người Hong Kong" như đã được bộc lộ thông qua hành động ôn hòa của phần lớn người biểu tình. 

Tuy nhiên, bà cũng lấy làm tiếc vì "một số lượng rất nhỏ người biểu tình đã nhân cơ hội để sử dụng những hành động bạo lực và phá hoại".

Dự thảo luật "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự" sửa đổi là tâm điểm gây tranh cãi ở Hong Kong thời gian qua, châm ngòi cho nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn đụng độ bạo lực giữa người biểu tình với cảnh sát.

Nếu dự luật được thông qua, cư dân Hong Kong, công dân Trung Quốc đại lục, người Đài Loan, Macau cùng những người nước ngoài sống tại trung tâm tài chính toàn cầu này đều có nguy cơ bị dẫn độ nếu bị truy nã ở Trung Quốc đại lục. Người biểu tình lo ngại dự luật sẽ khiến Hong Kong chịu ảnh hưởng từ luật pháp của Trung Quốc đại lục và cư dân Hong Kong có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống pháp lý khác.

Bất chấp việc chính quyền Hong Kong đã quyết định ngừng dự luật vào giữa tháng 6, những cuộc biểu tình quy mô lớn vẫn diễn ra.

Ngày 1/7, hàng trăm người biểu tình chống chính quyền Hong Kong đã phá cửa kính, bẻ gẫy những cánh cửa xếp và xông vào tòa nhà Hội đồng Lập pháp sau 6 giờ bao vây bên ngoài.

Các tài sản như máy chiếu, màn hình tivi và tranh treo tường đều bị phá hủy, lực lượng cảnh sát chống bạo động cố thủ từ chiều đã phải rút vào sâu bên trong. Người biểu tình phun sơn đen lên biểu tượng đặc khu hành chính Hong Kong và viết khẩu hiệu lên tường phòng họp của Hội đồng Lập pháp.

Xem thêm >> Bất chấp phản đối từ Trung Quốc, Mỹ đồng ý bán 2,2 tỷ USD vũ khí cho Đài Loan

 

Theo SCMP
Cùng chuyên mục
Tin khác