Hùa theo Anh, hơn 60 quốc gia muốn 'đuổi' quân đội Nga khỏi Moldova

Lê Anh - 23/06/2018 14:59 (GMT+7)

(VNF) - Với 64 phiếu ủng hộ, 15 phiếu chống và 83 phiếu trắng, nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Cộng hòa Moldova đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc phê duyệt ngày 22/6.

VNF
Liên hiệp quốc ngày 22/6 phê chuẩn nghị quyết kêu gọi Nga rút quân khỏi Moldova.

Nghị quyết được Anh, Canada, Ba Lan và 8 nước khác soạn thảo. Đây là nghị quyết đầu tiên của Liên hiệp quốc yêu cầu Nga rút quân khỏi Moldova tuy nhiên nó không có tính ràng buộc về pháp luật.

Nga, Iran, Armenia, Belarus, Syria và Triều Tiên là một trong những nước đưa ra lựa chọn phản đối nghị quyết này tại cuộc họp. Những nước bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết có thể kể đến như Moldova, Ukraine, Georgia, Romania, Czech…

Kết quả bỏ phiếu của các thành viên của Liên hiệp quốc ngày 22/6.

Phó đại sứ thứ nhất của Phái đoàn thường trực Nga tại Liên hiệp quốc, ông Dmitry Polyanskiy cho rằng việc bỏ phiếu thông qua nghị quyết tại Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã phá hỏng những nỗ lực của Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) trong việc giải quyết những xung đột ở Moldova.

Transnistria là vùng đất nằm ở biên giới giữa Moldova và Ukraine, bờ phía Đông sông Dniester. Từ năm 1990, khu vực tách biệt chủ yếu nói tiếng Nga này không được công nhận bởi bất kỳ quốc gia thành viên nào của Liên Hợp Quốc.

Transnistria là vùng đất nằm ở biên giới giữa Moldova và Ukraine.

Nga hiện đang có 1.000 binh sĩ và 500 binh lính gìn giữ hòa bình tại Transnistria. Cuộc nội chiến vào năm 1992 giữa Transnistria và Moldova khiến khoảng 1.500 người thiệt mạng.

Trong năm 2017, Đại sứ của Moldova tại Liên hiệp quốc, Victor Moraru đã nhiều lần yêu cầu Liên hiệp quốc thảo luận về việc rút quân Nga khỏi Transnistria.

Người dân Moldova trong một cuộc biểu tình năm 2003 tại thủ đô Chisinau yêu cầu Nga rút quân về nước.

Theo Bộ trưởng Ngoại giao Moldova, Andrei Galbur, sự hiện diện của quân đội Nga tại Transnistria đã "vi phạm các điều khoản luật pháp về tính trung lập vĩnh viễn, chủ quyền và các nguyên tắc của công pháp quốc tế".

Đáp lại, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói: "Không ai muốn (một cuộc chiến tranh), ngoài những người đang gây ảnh hưởng với chính phủ Moldova khi họ đòi quân đội của chúng tôi phải rời khỏi Transnistria. Những người này (Mỹ và châu Âu) muốn chúng tôi chiến tranh với Ukraine và Moldova".

Xem thêm >> Tổng thống Trump lại ‘lá mặt lá trái’ với Triều Tiên

Theo AFP
Cùng chuyên mục
Tin khác