Diễn đàn VNF

Hút đầu tư xanh: Không kén chọn ngành nghề mà phải 'lọc' công nghệ

(VNF) - Theo ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. HCM, đối với việc thu hút đầu tư xanh, không phải "lọc ngành" mà là "lọc công nghệ", giảm phát thải và tăng hiệu quả đầu tư sẽ phù hợp hơn đối với xu hướng và xu thế hiện nay. 

Hút đầu tư xanh: Không kén chọn ngành nghề mà phải 'lọc' công nghệ

TP. HCM: Không chuyển đất công nghiệp, không 'lọc ngành' khi thu hút đầu tư xanh

TP. HCM cạn quỹ đất công nghiệp

Tại hội thảo "Thu hút đầu tư xanh: Lọc ngành hay giảm phát thải", ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. HCM cho biết quy hoạch đất công nghiệp của thành phố là rất ít. Kể từ năm 2008 đến nay, quy hoạch đất công nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất của TP. HCM chỉ khoảng 6.000ha, tỷ lệ lấp đầy tính đến nay là 82%. Phần còn lại do vướng một số thủ tục pháp lý, bồi thường nên chưa thể lấp đầy. 

Theo ông Hưng, trong những năm gần đây, TP. HCM gặp khó khăn về xúc tiến đầu tư. Cụ thể, nhiều nhà đầu tư muốn đặt trụ sở, nhà máy sản xuất chính tại địa bàn thành phố nhưng quỹ đất công nghiệp khá hạn hẹp, khó kêu gọi nhà đầu tư lớn. 

“Hiện nay, mỗi năm thành phố chỉ thu hút được khoảng 550 - 600 triệu USD vốn đầu tư tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Riêng trong năm 2023, con số đột biến tăng lên gần 1 tỷ USD tính đến ngày 4/12 và dự kiến đạt trên 1 tỷ USD cho cả năm”, ông Hứa Quốc Hưng cho biết. 

Tuy nhiên, con số 1 tỷ USD này không lớn so với các địa phương khác. Đơn cử như tỉnh Bắc Ninh và Bình Dương đến nay đều đã thu hút gần 3 tỷ USD theo tiết lộ của ông Hưng. 

“Trước năm 2020, suất đầu tư trung bình của dự án trong khu công nghiệp của TP. HCM khá thấp, đạt khoảng 5,5 triệu USD/ha. Trong 3 năm trở lại đây, giá trị suất đầu tư đã tăng lên khoảng 8,5 - 9 triệu USD/ha, năm 2023 là 12,5 triệu USD/ha. Chúng tôi đang tham mưu cho thành phố để trình HĐND kêu gọi suất đầu tư cho các dự án công nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp phải từ 12 - 15 triệu USD/ha tuỳ ngành, lĩnh vực, địa bàn", đại diện Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. HCM cho hay. 

Hiện nay, TP. HCM có 17 khu công nghiệp đang hoạt động, trong tổng quy hoạch là 23 khu. Thủ tướng Chính phủ đã bổ sung cho thành phố thêm 2 khu công nghiệp nữa với tổng quỹ đất là 668ha ở huyện Bình Chánh, dự kiến khởi công và triển khai vào đầu năm 2025. 

Ông Hứa Quốc Hưng cho biết, định hướng phát triển của thành phố là giữ lại tất cả quỹ đất của các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn để tiếp tục phát triển công nghiệp, không chuyển bất kỳ 1 mét vuông đất công nghiệp nào thành chức năng khác mà chỉ thu hút công nghiệp ở tầm cao hơn để tăng hàm lượng đầu tư. 

Không "lọc ngành" khi thu hút đầu tư xanh

Trước xu hướng tăng trưởng xanh, việc thiếu dữ liệu cần thiết để đánh giá các yếu tố liên quan giữa kinh tế và môi trường khiến nhiều địa phương trong thu hút đầu tư nghiêng về "lọc ngành" thay vì xem xét các tiêu chí giảm phát thải. 

Theo ông Hứa Quốc Hưng, đối với việc thu hút đầu tư xanh, vấn đề không phải “lọc ngành" mà là “lọc công nghệ", giảm phát thải, tăng hiệu quả đầu tư để phù hợp với xu thế hiện nay. 

“Tất cả các ngành nghề đều sản xuất ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu của xã hội như giày dép, quần áo, hay những ngành gây ô nhiễm sản xuất ra các sản phẩm như vật liệu xây dựng, hóa chất... Những ngành đó, sản phẩm đó sẽ đặt nhà máy, trụ sở ở đâu khi “lọc ngành”? Khu công nghiệp, khu chế xuất là địa bàn để đặt các dự án công nghiệp từ nặng đến nhẹ. Nếu một ngành nghề không cho phép đặt trong khu vực dân cư, khu công nghiệp không tiếp nhận những ngành đó thì họ sẽ đi về đâu?”. ông Hưng cho hay. 

Theo Nghị định 35 quy định về khu công nghiệp chuyên ngành, 65% đất sẽ dành cho ngành nghề chuyên ngành đó, còn lại sẽ thu hút ngành nghề khác.

Đại diện Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP. HCM cho hay, thành phố khi bắt đầu quy hoạch sẽ dành 1 quỹ đất dù diện tích không lớn cho các ngành nghề không khuyến khích đặt trong khu vực dân cư. Trong thời gian tới, đề án chuyển đổi khu công nghiệp, khu chế xuất của TP. HCM sẽ đặt những ngành không còn phù hợp vào 1 quỹ đất khác. Nhà đầu tư phải thay đổi công nghệ, dây chuyền máy móc để phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay.

Ông Hứa Quốc Hưng cho rằng, không nên đặt vấn đề chọn ngành gì, ngành thâm dụng lao động hay ô nhiễm môi trường, vì công nghệ và thị trường sẽ điều tiết và điều chỉnh từng lĩnh vực mà nhà đầu tư muốn. 

Tin mới lên