IEA: Thế giới đang ở trong 'cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên'
Linh Anh -
25/10/2022 16:42 (GMT+7)
(VNF) - Thị trường khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) bị thắt chặt và các nhà sản xuất dầu lớn cắt giảm nguồn cung đã đặt thế giới vào giữa "cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên", theo người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) Fatih Birol.
Phát biểu tại Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore ngày 25/10, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol cho hay việc châu Âu tăng cường nhập khẩu LNG trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine và sự phục hồi nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại Trung Quốc sẽ thắt chặt thị trường khi chỉ có 20 tỷ m3 công suất LNG mới sẽ được tung ra vào năm tới.
Đồng thời, quyết định cắt giảm sản lượng gần đây của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+), được coi là một quyết định "rủi ro" vì IEA nhận định nhu cầu với dầu mỏ trên toàn cầu sẽ tăng gần 2 triệu thùng/ngày trong năm nay, bằng với sản lượng OPEC+ cắt giảm.
"Điều này đặc biệt rủi ro khi một số nền kinh tế trên toàn thế giới đang trên bờ vực suy thoái. Tôi thấy quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ thực sự đáng tiếc", ông Birol nói.
Với những yếu tố trên, người đứng đầu cơ quan năng lượng toàn cầu cho rằng thế giới đang trong một “cuộc khủng hoảng năng lượng thực sự đầu tiên”.
Phát biểu trong cùng sự kiện, ông Birol cho rằng giá các loại năng lượng tăng vọt trên toàn cầu, bao gồm dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá, đang đè nặng lên người tiêu dùng, trong khi người dân vẫn đang phải chịu đựng mức lạm phát cao và giá thực phẩm, dịch vụ gia tăng. Giá cao và khả năng phải phân phối lại năng lượng có thể gây nguy hiểm cho người tiêu dùng châu Âu khi lục địa này chuẩn bị bước vào mùa đông.
Mặc dù vậy, châu Âu có thể vượt qua mùa đông này, mặc dù có phần khó khăn, nếu thời tiết vẫn ôn hòa, theo lời ông Birol.
Giám đốc điều hành IEA nói thêm: “Trong trường hợp chúng ta có một mùa đông cực kỳ lạnh giá và kéo dài, hay có những sự cố bất ngờ như vụ rò rỉ đường ống Dòng chảy phương Bắc, châu Âu sẽ phải trải qua mùa đông này với một số 'vết xước' về kinh tế và xã hội”.
Người đứng đầu IEA dự kiến nhu cầu tiêu thị dầu mỏ sẽ tăng 1,7 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Do đó, thế giới vẫn cần dầu của Nga để bù đắp vào nguồn cung.
Với việc các quốc gia G7 gần đây đề xuất áp trần giá dầu với Moscow, ông Birol cho biết kế hoạch này vẫn còn nhiều chi tiết cần hoàn thiện và sẽ cần tới nguồn cung từ các quốc gia nhập khẩu dầu mỏ lớn.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone