IEA: Thị trường có thể mất 3 triệu thùng dầu từ Nga trong tháng tới

Quỳnh Anh - 17/03/2022 13:23 (GMT+7)

(VNF) - Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo các thị trường dầu mỏ có thể mất 3 triệu thùng/ngày (bpd) từ nhà xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới, bắt đầu từ tháng 4, do sự ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt đối với năng lượng Nga.

VNF
Các lệnh cấm đối với năng lượng Nga không chỉ ảnh hưởng tới doanh thu của nước này mà còn ảnh hưởng tới nguồn cung toàn thế giới.

Được biết, trước khi tấn công Ukraine, Nga bơm khoảng 10 triệu thùng dầu thô, xuất khẩu 7 - 8 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm mỗi ngày.

Tuy nhiên, sau khi bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt, Nga có thể sớm bị buộc phải cắt giảm 30% sản lượng dầu thô, khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào cuộc khủng hoảng nguồn cung lớn nhất trong nhiều thập kỷ, trừ khi Ả Rập Xê Út và các nước xuất khẩu năng lượng lớn khác bắt đầu bơm thêm dầu.

Cơ quan giám sát có trụ sở tại Paris cho biết các lệnh trừng phạt và sự xa lánh của người mua đối với dầu thô Nga đã đẩy giá dầu lên theo hướng ảnh hưởng đến ngân sách cá nhân, làm tăng lạm phát, vốn đã đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ và làm suy giảm sự phục hồi kinh tế.

"Giá năng lượng và hàng hóa khác tăng vọt, cùng với các lệnh trừng phạt tài chính và dầu mỏ chống lại Nga, dự kiến sẽ làm suy giảm GDP và nhu cầu dầu thế giới", IEA cho biết trong báo cáo tháng đầu tiên từ khi Nga tấn công Ukraine.

Trong báo cáo của mình, IEA dự đoán tổng xuất khẩu của Nga là khoảng 2,5 triệu thùng/ngày, trong đó dầu thô chiếm 1,5 triệu thùng/ngày và các sản phẩm khác là 1 triệu thùng/ngày. Nhu cầu nội địa Nga đối với các sản phẩm dầu mỏ cũng sẽ thấp hơn.

IEA cũng không loại trừ khả năng những mức giảm này có thể lớn hơn nữa nếu các lệnh cấm hay trừng phạt trở nên khắc nghiệt hơn.

Không chỉ vậy, cơ quan năng lượng cũng hạ dự báo nhu cầu dầu thế giới trong quý II-IV/2022 xuống 1,3 triệu thùng/ngày, thâm hụt nguồn cung sẽ đạt mức khoảng 700.000 thùng/ngày ngay trong quý II.

Tính trong cả năm 2022, dự báo tăng trưởng sẽ giảm xuống còn 2,1 triệu thùng/ngày, đánh dấu năm thứ 3 nhu cầu dầu thấp hơn mức trước đại dịch.

Trước đó, cơ quan năng lượng này còn kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi vào năm 2022, nhưng cuộc khủng hoảng Ukraine lại làm vấn đề thêm trầm trọng bởi công suất đầu ra hạn chế.

Ngoài ta, việc các nhà sản xuất hàng đầu của OPEC+ là Ả Rập Xê-út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất không cung cấp hết khả năng của mình dù có thừa công suất, kết hợp với việc sản lượng từ Canada, Mỹ và các quốc gia khác không tăng thêm càng khiến nguồn cung dầu bị thu hẹp.

Ngoài việc tích cực thúc đẩy các quốc gia OPEC bơm thêm dầu để bổ sung phần bị hụt từ Nga, nguồn cung bổ sung cũng đang được đặt vào Iran và Venezuela nếu Mỹ và các đồng minh nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với hai nước này.

Hiện tại, mức lưu trữ ở các nước OECD trong tháng 1/2022 đã ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2014, IEA cho biết. Cơ quan này cũng thừa nhận tác động của việc xuất khẩu dầu của Nga sang các thị trường toàn cầu và cho biết cuộc khủng hoảng sẽ dẫn tới những thay đổi lâu dài cho thị trường năng lượng.

Sau khi Nga tấn công Ukraine vào cuối tháng 2 vừa qua, Canada, Mỹ, Vương quốc Anh và Úc đã cấm nhập khẩu dầu của Nga, ảnh hưởng đến khoảng 13% xuất khẩu của Nga. Liên minh châu Âu mới đây cũng công bố lệnh cấm đầu tư vào ngành năng lượng Nga, khiến Nga bị “xa lánh” và dè chừng bởi các nhà đầu tư, thậm chí phải chào bán dầu thô với mức chiết khấu lớn.

Tuy nhiên, dữ liệu của IEA theo dõi xu hướng thị trường năng lượng của các quốc gia giàu nhất thế giới cũng đang cho thấy rằng các nhà máy lọc dầu hiện đang tranh giành để tìm các nguồn cung cấp thay thế cho Nga. Họ có thể bị buộc phải giảm hoạt động của mình khi người tiêu dùng toàn cầu bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu cao hơn.

Xem thêm >> Phương Tây ‘xa lánh’ dầu Nga, Ấn Độ trở thành khách hàng tiềm năng

Theo CNN, Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác