Indonesia chi 28 tỷ USD cung cấp bữa ăn miễn phí cho 1/4 người dân
(VNF) - Chương trình đầy tham vọng trị giá hàng chục tỷ USD của Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto nhằm cung cấp bữa ăn miễn phí cho hơn 1/4 số người dân đã chính thức được triển khai, với 570.000 suất ăn vào ngày đầu tiên khởi động.
Cuộc cách mạng dinh dưỡng của Indonesia
Chương trình Bữa ăn dinh dưỡng miễn phí thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Prabowo Subianto, người được bầu vào năm ngoái để lãnh đạo quốc gia có hơn 282 triệu người và là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.
Mặc dù là trọng tâm của chiến dịch tranh cử đưa ông Prabowo lên nắm quyền, chương trình này đã được triển khai mà không có nhiều sự phô trương vào ngày 6/1, không có buổi ra mắt chính thức và chỉ có 190 bếp ăn tham gia chuẩn bị những bữa ăn đầu tiên cho trẻ em đi học và phụ nữ mang thai tại hơn 20 tỉnh, các quan chức cho biết.
Ông Prabowo cho hay chương trình này nhằm mục đích chống lại tình trạng chậm phát triển đang ảnh hưởng đến 21,5% trẻ em Indonesia dưới 5 tuổi và sẽ nâng cao thu nhập của nông dân. Mục tiêu của chương trình mục tiêu đến năm 2029 sẽ tiếp cận được 82,9 triệu người trong tổng số 280 triệu dân của cả nước.
Ông Subianto cũng đã cam kết sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng GDP từ mức 5% hiện nay lên 8%.
Trong bài phát biểu nhậm chức vào tháng 10/2024, Tổng thống Subianto cho hay Indonesia ghi nhận nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng. Lời hứa cung cấp bữa trưa và sữa miễn phí cho 83 triệu học sinh tại hơn 400.000 trường học của ông là một phần của chiến lược dài hạn nhằm phát triển nguồn nhân lực của quốc gia để đạt được thế hệ "Indonesia vàng" vào năm 2045.
“Quá nhiều anh chị em của chúng ta sống dưới mức nghèo khổ, quá nhiều trẻ em phải đến trường mà không được ăn sáng và không có quần áo để đi học”, ông Subianto chia sẻ.
Chương trình mang dấu ấn của ông Subianto có thể tiêu tốn hơn 450 nghìn tỷ rupiah (28 tỷ USD) vào cuối nhiệm kỳ của ông vào năm 2029. Ông cho biết nhóm của ông đã tính toán để thực hiện một chương trình như vậy và "chúng tôi có khả năng".
Ông Dadan Hindayana, người đứng đầu Cơ quan Dinh dưỡng Quốc gia mới thành lập, cho biết mục tiêu ban đầu của chính phủ là tiếp cận 19,5 triệu trẻ em đi học và phụ nữ mang thai vào năm 2025 với ngân sách 71 nghìn tỷ rupiah (4,3 tỷ USD) để giữ mức thâm hụt hàng năm dưới mức trần theo luật định là 3% GDP.
Theo ông Hindayan, số tiền này có thể mua được khoảng 6,7 triệu tấn gạo, 1,2 triệu tấn thịt gà, 500.000 tấn thịt bò, 1 triệu tấn cá, rau và trái cây, cùng 4 triệu kilolit sữa.
Bộ trưởng Hợp tác xã Budi Arie Setiadi cho biết gần 2.000 hợp tác xã sẽ tham gia chương trình bữa ăn miễn phí bằng cách cung cấp trứng, rau, gạo, cá, thịt, sữa và các thực phẩm khác.
Vào ngày 6/1, một chiếc xe tải chở thực phẩm đã đến SD Cilangkap 08, một trường tiểu học ở thành phố vệ tinh Depok của Jakarta. 740 học sinh được cung cấp gạo, rau xào, tempeh, gà xào và cam.
Ông Hindayana cho biết: “Chúng tôi sẽ cử một nhóm đến từng trường để hỗ trợ việc phân phối bữa ăn cho học sinh hàng ngày”, đồng thời nói thêm rằng chương trình sẽ cung cấp một bữa ăn mỗi ngày cho mỗi học sinh từ bậc mầm non đến trung học phổ thông, đáp ứng 1/3 nhu cầu calo hàng ngày của trẻ em.
Theo ông Dedek Prayudi, người phát ngôn của văn phòng Tổng thống Prabowo, số lượng người nhận bữa ăn sẽ dần tăng lên 3 triệu vào tháng 3 và sẽ tăng lên trong suốt cả năm.
Nhiều ý kiến trái chiều
Chương trình mang dấu ấn này đã vấp phải sự chỉ trích từ các nhà đầu tư và nhà phân tích về quy mô hậu cần, gánh nặng đối với tài chính nhà nước và nền kinh tế, cũng như mối liên hệ với lợi ích của các nhóm vận động hành lang công nghiệp.
Ông Nailul Huda, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Luật pháp, cho biết tài chính nhà nước của Indonesia không đủ mạnh để hỗ trợ chương trình và điều này sẽ dẫn đến nợ quốc gia tăng thêm.
Một số nhà kinh tế cũng lo ngại rằng nó có thể làm tổn hại đến danh tiếng về sự thận trọng về tài chính mà Indonesia khó khăn lắm mới có được.
“Gánh nặng cho ngân sách nhà nước của chúng tôi sẽ quá lớn nếu buộc phải chi trả cho 100% đối tượng mục tiêu và chính quyền ông Prabowo sẽ khó đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%”, ông Huda nhận định.
Ông Huda cảnh báo rằng điều này cũng có thể làm xấu đi cán cân thanh toán đối ngoại của đất nước, vốn là nước nhập khẩu nhiều gạo, lúa mì, đậu nành, thịt bò và các sản phẩm từ sữa.
Ở chiều ngược lại, bà Reni Suwarso, giám đốc Viện Nghiên cứu Dân chủ, An ninh và Chiến lược, cho biết tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở Indonesia giảm còn rất xa so với mục tiêu giảm 14% vào năm 2024.
Theo Khảo sát Sức khỏe Indonesia năm 2023, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi toàn quốc là 21,5%, giảm khoảng 0,8% so với năm trước. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc ước tính rằng cứ 12 trẻ em Indonesia dưới 5 tuổi thì có một trẻ bị nhẹ cân trong khi cứ 5 trẻ thì có một trẻ thấp hơn mức bình thường. Cả hai tình trạng này đều do suy dinh dưỡng.
“Điều đó thật tệ và phải được giải quyết,. Suy dinh dưỡng ở trẻ em gây ra hậu quả nghiêm trọng, đe dọa sức khỏe và sự phát triển lâu dài của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên khắp đất nước này", bà Reni nhấn mạnh thêm.
Indonesia lấy iPhone 16 làm ‘con tin’, từ chối khoản 'tiền chuộc' 100 triệu USD của Apple
- Hàn Quốc: Kiểm tra khẩn cấp toàn bộ hệ thống khai thác máy bay sau thảm kịch 179 người tử vong 30/12/2024 11:30
- Năm thách thức hàng đầu cho kinh tế toàn cầu 2025 02/01/2025 07:00
- Biến rác thành kho báu: Khai thác vàng từ rác thải điện tử 06/01/2025 10:15
Vào công trường thi công 600 căn nhà ở xã hội tại Long Biên - Hà Nội
(VNF) - Chung cư cao tầng CT1 thuộc khu nhà ở xã hội Thượng Thanh sẽ cung cấp khoảng 600 căn hộ cho người thu nhập thấp, dự kiến mở bán trong năm 2025.