Indonesia tăng cường vũ khí thách thức tàu cá Trung Quốc trên Biển Đông

Thành Đạt - 12/01/2019 13:48 (GMT+7)

Mặc dù không có tranh chấp lãnh thổ trên biển với Trung Quốc trên Biển Đông, song Indonesia vẫn tăng cường năng lực phòng vệ tại các khu vực thường xuyên bị Bắc Kinh “nhòm ngó”.

VNF
Lực lượng dân quân biển hay còn gọi là "lực lượng biển thứ 3" của Trung Quốc. (Ảnh: Atimes)

Trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông ngày càng tăng nhiệt, Tổng thống Joko Widodo đã đẩy mạnh cam kết do ông đưa ra cách đây 2 năm nhằm nâng cao sự hiện diện quân sự của Indonesia trên đảo Natuna Besar, một phần của quần đảo Natuna và là hòn đảo lớn nhất trong số vài trăm hòn đảo ở khu vực rìa phía nam của Biển Đông.

Giới chức Indonesia cho biết hòn đảo dài 1.720 km của Indonesia sẽ được trang bị hệ thống tên lửa đất đối không, các nhóm thuộc tiểu đoàn lính thủy đánh bộ cùng các cơ sở hải quân và không quân nâng cấp của Indonesia. Tháng 12/2018, Indonesia đã mở căn cứ quân sự trên đảo Natuna Besar.

Trước đó, chính quyền Indonesia năm 2017 từng công bố bản đồ quốc gia sửa đổi, trong đó vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của Indonesia ở phía bắc quần đảo Natuna được đổi tên thành biển Bắc Natuna. Động thái này của Indonesia ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ phía Trung Quốc.

Indonesia không phải là một bên tuyên bố chủ quyền tại quần đảo Trường Sa và cũng không thừa nhận bất kỳ vấn đề tranh chấp nào về lãnh thổ với Trung Quốc. Tuy nhiên Indonesia khẳng định họ có xung đột với Trung Quốc về quyền đánh bắt cá xung quanh quần đảo Natuna.

Lực lượng dân quân biển hay còn gọi là "lực lượng biển thứ 3" của Trung Quốc. (Ảnh: Atimes)

Sau một vài vụ việc nhỏ lẻ với Trung Quốc mà Indonesia đã tìm cách xoa dịu, căng thẳng giữa hai nước leo thang vào tháng 3/2016 khi Lực lượng Tuần duyên Trung Quốc tìm cách giành lại một tàu cá của nước này bị Indonesia bắt giữ tại khu vực mà Bắc Kinh gọi là "ngư trường truyền thống của Trung Quốc".

Điều khiến giới chức Indonesia giận dữ là hai tàu tuần duyên được trang bị dày đặc vũ khí của Trung Quốc đã ngang nhiên xâm phạm ranh giới lãnh hải trong phạm vi 12 hải lý của Indonesia để ngăn lực lượng Indonesia kéo tàu cá Trung Quốc vi phạm vào bờ. Sau đó, hai tàu cá khác của Trung Quốc cũng bị Indonesia ngăn chặn vào tháng 5 và tháng 6/2016.

Bộ trưởng Ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti cũng cáo buộc hành vi tội phạm xuyên quốc gia của Trung Quốc khi hối lộ các chủ tàu cá Indonesia để chuyển số cá mà các tàu này đánh bắt được cho các tàu Trung Quốc neo đậu ngoài vùng EEZ của Indonesia.

Ngay sau khi tham gia nội các của Tổng thống Joko Widodo  năm 2014, Bộ trưởng Pudjiastuti đã cấm tất cả tàu cá nước ngoài xâm phạm vùng biển của Indonesia với lý do các tàu này không tuân thủ thỏa thuận hợp tác chung cũng như lấy đi hàng tỷ USD doanh thu của Indonesia.

Các nguồn tin theo dõi hoạt động của đội tàu cá Trung Quốc bất ngờ về việc các tàu này duy trì hoạt động trong suốt một thời gian dài tại vùng biển phía bắc và đông bắc của quần đảo Indonesia.

Đội tàu cá này được "che chở" bởi lực lượng dân quân biển Trung Quốc, hay còn gọi là "lực lượng biển thứ 3" chuyên nhận lệnh từ quân đội Trung Quốc và chủ yếu tham gia vào các cuộc xung đột "vùng xám" của Bắc Kinh trên Biển Đông. Chiến lược xung đột vùng xám cho phép Trung Quốc sử dụng dân quân biển hơn là hải quân trong các cuộc xung đột nhằm tránh đối đầu quân sự vì dân quân biển được xem là lực lượng dân sự.

Nâng cao năng lực phòng vệ

Cam kết nâng cao năng lực phòng vệ hàng hải của Tổng thống Widodo đã cho thấy quyết tâm của Indonesia trong việc khẳng định chủ quyền quốc gia. Giới phân tích tin rằng Lực lượng vũ trang Indonesia (TNI) sẽ triển khai tổ hợp tên lửa tầm trung (AMRAAM) Kongsberg Gruppen tối tân của Na Uy lên đảo Natuna Besar, từ đó tạo ra ô phòng vệ bao phủ diện tích hơn 100 km2.

Năm 2016, Mỹ đã thông qua đề xuất bán các tên lửa AMRAAM của nhà thầu quốc phòng Raytheon cho Indonesia. Cũng vào thời điểm đó, không quân Indonesia tiếp nhận thêm 24 máy bay chiến đấu F-16 được nâng cấp nhằm tăng cường năng lực phòng không.

Hải quân Indonesia cho nổ tung tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép ở ngoài khơi đảo Batam. (Ảnh: Kanwa)

Một số thông tin nói rằng đảo Natuna Besar đóng vai trò như một căn cứ cho các trực thăng tấn công AH-64E Apache mới của Indonesia. Các trực thăng này được trang bị tên lửa không đối đất AGM 114R3 Hellfire.

Chính quyền Indonesia cũng lên kế hoạch kéo dài đường băng dài 2.500 m trên đảo Natuna Besar. Đường băng này hiện được cả máy bay quân sự và dân sự sử dụng. Ngoài ra, Indonesia cũng muốn xây dựng thêm các nhà chứa máy bay và các cơ sở tiếp nhiên liệu cải tiến trên Natuna Besar.

Indonesia mong muốn mua thêm máy bay vận tải C-130J Super Hercules của Lockheed Martin để thực hiệc chuyến bay tuần tra kéo dài trên biển. Lực lượng không quân Indonesia cũng muốn triển khai các máy bay không người lái tới đảo Natuna Besar để mở rộng năng lực trinh sát tại các mỏ khí đốt Đông Natuna cũng như tuyến hàng hải nhộn nhịp đi qua khu vực phía bắc của biển Java.

Các nguồn tin ngoại giao cho biết Indonesia đang xem xét lại quyết định mua 4 máy bay không người lái Wing Loong của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc để trang bị cho phi đội ở Tây Kalimantan, cách đảo Natuna Besar 460km về phía đông nam. Thay vào đó, Indonesia đang nhắm mục tiêu tới các máy bay không người lái Anka của Thổ Nhĩ Kỳ với khả năng hoạt động liên tục trên không suốt 24 giờ đồng hồ và đã chứng minh khả năng trinh sát tại Syria.

Hải quân Indonesia đã thực hiện hầu hết các cuộc tuần tra trên biển Bắc Natuna kể từ sau một loạt vụ chạm trán căng thẳng với Trung Quốc từ năm 2016. Tuy nhiên các nguồn tin thân cận với kế hoạch nâng cấp lực lượng quân sự của Indonesia cho biết sẽ phải mất vài năm trước khi đảo Natuna Besar được xây dựng thành một căn cứ hoàn chỉnh.

Điều này đồng nghĩa với việc Indonesia phải tích trữ trên đảo Natuna Besar để cải thiện tầm hoạt động cũng như hiệu quả của các chiến dịch hải quân, ngoài hai tàu chở dầu mới được bổ sung gần đây để tăng cường khả năng tiếp nhiên liệu giữa biển.

 

Theo Dân Trí/Asia Times
Cùng chuyên mục
Tin khác