Intel đổ 33 tỷ USD xây 2 nhà máy chip tại Đức, chiếm lại vị thế thống lĩnh từ đối thủ Châu Á

Quốc Anh - 20/06/2023 13:39 (GMT+7)

(VNF) - Với mục đích mở rộng thị phần tại châu Âu, Tập đoàn Intel đang lên kế hoạch chi hơn 30 tỷ EUR (tương đương 33 tỷ USD) để phát triển hai nhà máy sản xuất chip tại Magdeburg (thuộc bang Sachsen-Anhalt, Đức). Theo Thủ tướng Đức Olaf Scholz, đây sẽ là một trong những khoản đầu tư quốc tế lớn nhất từ trước đến nay của quốc gia này.

VNF
Intel đổ 33 tỷ USD vào hai nhà máy sản xuất chip tại Đức

Chỉ trong chưa đầy 1 tuần trở lại đây, Intel đã liên tục công bố các kế hoạch đầu tư của tập đoàn tại nhiều quốc gia. Cụ thể, doanh nghiệp thông báo sẽ chi 4,6 tỷ USD cho một nhà máy chip tại Ba Lan, 25 tỷ USD cho một nhà máy tương tự đặt tại Israel và mới đây nhất là khoản chi 33 tỷ USD cho hai nhà máy tại Đức.

Chính quyền Berlin đã chấp thuận trợ cấp gần 10 tỷ EUR (gần 11 tỷ USD) để cùng Intel xây dựng và phát triển hai cơ sở sản xuất phía đông thành phố.

Phía Intel cho hay cơ sở đầu tiên tại Magdeburg sẽ chính thức đi vào hoạt động sau 4 – 5 năm kể từ khi Uỷ ban châu Âu phê duyệt gói trợ cấp. Nhà máy dự kiến sẽ tạo ra khoảng hơn 10.000 việc làm cho người lao động, trong đó có 7.000 việc làm thông thường và 3.000 việc làm cho kỹ sư công nghệ cao.

“Thoả thuận ngày hôm nay là một bước tiến quan trọng khi giờ đây Đức đã trở thành một trong những khu vực sản xuất công nghệ cao. Với khoản đầu tư này, chúng tôi sẽ sớm bắt kịp công nghệ tốt nhất thế giới và mở rộng năng lực quốc gia trong việc phát triển lĩnh vực sản xuất vi mạch”, Thủ tướng Scholz nhận định hôm thứ Hai (19/6).

Trước đó, nhiều đơn vị nghiên cứu và tư vấn, chẳng hạn như McKinsey từng dự báo sản xuất chất bán dẫn sẽ trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Chính vì vậy, cả Mỹ và châu Âu đều đang cố gắng thu hút các tập đoàn công nghiệp lớn bằng những chính sách trợ cấp của nhà nước và sự hỗ trợ pháp lý của chính phủ. Đức cũng không ngoại lệ, chính quyền Berlin hiện nay đang dồn hàng tỷ USD chi phí trợ cấp để thu hút các đơn vị sản xuất công nghệ, đặc biệt là trước bối cảnh chuỗi cung ứng càng ngày càng trở nên khan hiếm hơn.

Hiện nay, Đức đang được xem là vị trí đắc địa cho nhiều doanh nghiệp mong muốn tìm kiếm một địa điểm để đầu tư. “Việc Intel chi hàng chục tỷ USD để mở rộng nhà máy tại Magdeburg đã phần nào thể hiện sức hấp dẫn của Đức trong việc trở thành một địa điểm kinh doanh công nghệ cao”, ông Robert Hermann, Giám đốc điều hành Cơ quan chính phủ Germany Trade & Invest khẳng định.

Được biết, chính quyền Berlin từng thành công thuyết phục Tesla xây dựng nhà máy sản xuất pin lớn nhất thế giới tại Đức, đồng thời cũng đang đàm phán với Tập đoàn chuyên chế tạo chất bán dẫn TSMC của Đài Loan và nhà sản xuất pin xe điện Northvolt của Thụy Điển về việc thiết lập dây chuyền sản xuất tại nước này.

Giám đốc điều hành Intel, ông Pat Gelsinger chia sẻ, Intel duyệt chi hàng tỷ USD vào việc xây dựng các nhà máy tại nhiều nơi trên thế giới nhằm mục đích khôi phục vị trí thống trị của Intel trong lĩnh vực sản xuất chip. Vị CEO cũng cho rằng đây là cách tốt nhất để tập đoàn có thể cạnh tranh với các đối thủ đang ngày một lớn mạnh như AMD, Nvidia và Samsung.

Thoả thuận xây dựng nhà máy chip của Intel tại Đức được cho là sẽ đem đến lợi ích cho cả hai bên, nhất là khi EU đang cố gắng giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung chip của Mỹ và châu Á, còn Intel cũng đang muốn lấy lại ngôi vương trong ngành bán dẫn.

“Chúng tôi đã để mất ngành công nghiệp này vào tay châu Á, chúng tôi phải cạnh tranh nếu muốn mang nó trở lại”, Giám đốc điều hành Gelsinger bày tỏ.

Theo Reuters
Cùng chuyên mục
Tin khác