IPC dưới thời ông Phạm Phú Quốc: Lãi lớn nhờ 'siêu dự án' Phú Mỹ Hưng

Việt Anh - 26/08/2020 10:12 (GMT+7)

(VNF) - Nửa đầu năm 2020, Công ty TNHH MTV Phát Triển Công Nghiệp Tân Thuận (IPC) dưới sự điều hành của ông Phạm Phú Quốc ghi nhận lợi nhuận tăng tới trên 200% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 663 tỷ đồng.

VNF
IPC dưới thời ông Phạm Phú Quốc: Lãi lớn nhờ 'siêu dự án' Phú Mỹ Hưng

Ông Phạm Phú Quốc, CEO IPC có 2 quốc tịch

Cuối năm 2019, UBND TP.HCM đã ra quyết định điều động và bổ nhiệm ông Phạm Phú Quốc, giữ chức vụ Thành viên không chuyên trách Hội đồng thành viên kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC).

Tại thời điểm bổ nhiệm, ông Phạm Phú Quốc là Phó viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP. HCM. Cũng theo quyết định này của UBND TP.HCM thì ông Quốc sẽ giữ chức vụ điều hành IPC trong vòng 5 năm.

Trước đó, ông Quốc từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng tại Tổng công ty Bến Thành, Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước TP. HCM. Hiện, ông Quốc đang là đại biểu Quốc hội khoá XIV nhiệm kỳ 2016-2020 thuộc đoàn TP. HCM.

Quyết định bổ nhiệm của UBND TP. HCM được ban hành sau hơn nửa năm ông Tề Trí Dũng, người tiền nhiệm của ông Quốc tại IPC bị khởi tổ, bắt giam hồi tháng 5/2019 do cáo buộc có hành vi tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Ngày 25/8/2020 vừa qua, trả lời báo giới trước cáo buộc có tên trong danh sách mua hộ chiếu Cộng hòa Síp (hay còn gọi là đảo Síp, "thiên đường thuế"), đại biểu Quốc hội Phạm Phú Quốc (đoàn TP. HCM) thừa nhận năm 2018, ông được gia đình thực hiện các thủ tục bảo lãnh xin cấp quốc tịch đảo Síp để thuận tiện đi lại, chăm sóc gia đình.

Tuy nhiên, ông Quốc khẳng định, không có chuyện ông mua quốc tịch đảo Síp với giá 2,5 triệu USD như cáo buộc.

Trước ông Quốc, đã có đại biểu Quốc hội sở hữu cho mình 2 quốc tịch, đó là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường. Hồi năm 2016, bà Hường là nữ doanh nhân, trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV nhưng được phát hiện có thêm quốc tịch Malta.

Được biết, việc nhập quốc tịch Malta không được bà kê khai trong hồ sơ ứng cử.

Ngay sau đó, các cơ quan chức năng xác định việc mang 2 quốc tịch đối với trường hợp bà Nguyệt Hường là sai quy định pháp luật và bà đã bị bác tư cách đại biểu Quốc hội khóa XIV.

Lãi lớn nhờ "siêu dự án" Phú Mỹ Hưng

Sau nửa năm "đổi tướng", mặc dù chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19 bùng phát nhưng IPC vẫn ghi nhận khoản lợi nhuận sau thuế cao đột biến. Đặc biệt, khoản lãi lớn này chủ yếu đến từ "thu nhập khác".

Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý II/2020 tự lập của IPC, doanh thu thuần trong quý đạt 9,8 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2019, chủ yếu tới từ nguồn cho thuê văn phòng.

Giá vốn hàng bán giảm 20%, giảm sâu hơn so với mức giảm của doanh thu, dẫn tới lợi nhuận gộp vẫn đạt 6,1 tỷ đồng, bằng 94% so với con số đạt được năm 2019. Doanh thu hoạt động tài chính ngược lại tăng gần 4 lần, lên mức 28 tỷ đồng.

Chi phí tài chính và chi phí bán hàng tăng nhẹ, dù vậy, sự cải thiện mạnh ở doanh thu hoạt động tài chính vẫn giúp cho IPC ghi nhận 21 tỷ đồng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 43% so quý II/2019.

Đáng chú ý, trong quý II vừa qua, IPC có nguồn thu nhập khác tăng đột biến lên mức 616 tỷ đồng. Được biết nguồn thu nhập dồi dào này tới từ khoản lợi nhuận được chia tại Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng là hơn 456 tỷ đồng, tại Công ty TNHH Tân Thuận là 114 tỷ đồng và tại một số doanh nghiệp khác.

Công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng (tên cũ là Công ty TNHH Liên Doanh Phú Mỹ Hưng) được thành lập ngày 19/5/1993, là liên doanh giữa 2 công ty gồm: IPC và Công ty Phú Mỹ Hưng Asia Holdings (trước đây là Tập đoàn Central Trading & Development (CT&D – Đài Loan).

Liên doanh này được phép khai thác và phát triển 5 cụm đô thị (khu đô thị Phú Mỹ Hưng) với tổng diện tích trên 2.600ha dọc theo đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 17,8km ở phía Nam TP. HCM. Trong đó, khu A (409ha) là trung tâm đô thị mới, khu B (95ha) là làng đại học, khu C (46ha) là khu trung tâm kỹ thuật cao, khu D (85ha) là trung tâm lưu thông hàng hóa II, khu E (115ha) là trung tâm Lưu thông Hàng hóa I.

Chốt quý, khoản thu đột biến này đã giúp IPC báo lãi sau thuế 624 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với mức đạt 157 tỷ đồng cùng kỳ năm 2019.

Lũy kế nửa đầu năm 2020, trong khi doanh thu thuần của IPC chỉ đạt mức 20 tỷ đồng, giảm 10% nhưng lợi nhuận sau thuế lên đến 663 tỷ đồng, tăng trưởng 221% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm 30/6/2020, quy mô tài sản của IPC là hơn 5.682 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay là 917 tỷ đồng, bằng 19% so với vốn chủ sở hữu.

Lượng tiền và tương đương tiền của IPC tăng gấp 3,5 lần so với đầu năm, đạt 306 tỷ đồng. Cùng đó, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng từ 800 tỷ đồng lên 921 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục
Tin khác