JPMorgan: Các thị trường Đông Nam Á chuẩn bị cho một ‘cú nhảy bungee’ vào năm 2023

Linh Anh - 13/12/2022 10:46 (GMT+7)

(VNF) - Theo các nhà phân tích của JPMorgan, quỹ đạo của thị trường Đông Nam Á sẽ giống như một “cú nhảy bungee” vào năm 2023, có nghĩa là sẽ lao dốc trước khi tăng mạnh trở lại vào nửa cuối năm.

VNF
Quốc kỳ các nước thuộc khối ASEAN.

Test "đáy" mới trước khi bật tăng

Trong báo cáo được công bố mới đây của ngân hàng đầu tư JPMorgan, các nhà phân tích dự báo các đặc trưng diễn biến của thị trường Đông Nam Á trong thời gian tới sẽ tương tự như một "cú nhảy bungee", tức sẽ chứng kiến “mức sụt giảm mạnh, sau đó là sự gia tăng nhanh chóng (sự phục hồi của thị trường giá xuống), rồi lại giảm tiếp cho đến khi thị trường chạm đáy”. 

Theo các nhà phân tích, nguyên nhân dẫn tới điều này là do sức mua của các nhà đầu tư yếu đi, ảnh hưởng bởi các biện pháp thắt chặt chính sách tiền tệ từ các ngân hàng trung ương, mức tiết kiệm thấp hơn và chi phí đi vay cao hơn.

JPMorgan kỳ vọng chỉ số MSCI ASEAN sẽ tìm kiếm mức đáy mới trong năm nay và "xuống thấp hơn nữa" trong nửa đầu 2023 do nhu cầu yếu, điều kiện tài chính thắt chặt và một số yếu tố khác. Chỉ số này đã giảm 22% từ mức cao của tháng 2 xuống mức thấp nhất trong năm vào tháng 10, trước khi tăng trở lại 10% nhờ hy vọng Trung Quốc mở cửa trở lại và sự xoay trục từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

MSCI ASEAN là chỉ số đo lường hiệu quả hoạt động của cổ phiếu vốn hóa lớn và trung bình trên 4 thị trường mới nổi, một thị trường phát triển và một thị trường cận biên. Nó bao gồm 170 cổ phiếu vốn hoá trên khắp Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam.

"Vùng trũng" từ các nền kinh tế định hướng thương mại

Theo JPMorgan, Fed dự kiến sẽ nâng lãi suất lên mức 5% tính tới tháng 5/2023 và nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào suy thoái vào cuối năm tới. Đáng chú ý, diễn biến này chưa được các thị trường chứng khoán phản ánh hết cho tới khi suy thoái thực sự diễn ra.

Do đó, các nền kinh tế định hướng thương mại như Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Malaysia sẽ bị ảnh hưởng đặc biệt bởi tăng trưởng toàn cầu chậm hơn trong thời gian tới và nhu cầu đối với hàng tiêu dùng lâu bền yếu hơn.

Chẳng hạn, nền kinh tế Thái Lan dự kiến ​​sẽ bị ảnh hưởng bởi “sự sụt giảm đáng kể” trong xuất khẩu, đầu tư tư nhân và sản xuất, khi các nhà phân tích của JPMorgan hạ dự báo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2023 từ 3,3% xuống còn 2,7%. 

Singapore cũng dự kiến ​​sẽ phải đối mặt với các điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn hơn.

“Chúng tôi cho rằng sự suy yếu của nhu cầu bên ngoài sẽ tiếp tục làm chậm lĩnh vực sản xuất hàng hóa của Singapore ngay cả khi được bù đắp phần nào nhờ lĩnh vực dịch vụ”, trích báo cáo của ngân hàng đầu tư Mỹ.

Các chuyên gia cũng cho biết đợt tăng thuế hàng hóa và dịch vụ sắp tới của Singapore, từ mức 7% lên 8%, cũng sẽ làm giảm nhu cầu và triển vọng của ngành tiêu dùng. 

Động lực "mở cửa" khiêm tốn từ Trung Quốc

Trong khi đó, việc nới lỏng các hạn chế Covid-19 ​​của Trung Quốc, đã được công bố chính thức trong tuần trước, mặc dù là động lực tăng trưởng chính trong năm tới, cũng khó có thể bù lại được sự sụt giảm của các thị trường khác trong điều kiện suy thoái toàn cầu. 

“Những lợi ích từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ bị ăn mòn bởi suy thoái ở các thị trường phát triển”, các nhà phân tích của JPMorgan nhận định, đồng thời nhấn mạnh thêm rằng các thị trường Đông Nam Á đang có mối liên hệ mật thiết với các nền kinh tế phát triển.

Tất nhiên, việc Trung Quốc mở cửa trở lại, đặc biệt là mở cửa cho du lịch quốc tế, nếu thực sự xảy ra, sẽ vẫn là "chất xúc tác tích cực" cho khu vực. Đặc biệt là cho Singapore, quốc gia có tới 20% khách du lịch đến từ Trung Quốc vào năm 2019 và đang kỳ vọng sự trở lại của nguồn khách này “tạo ra tác động dây chuyền đối với ngành dịch vụ liên quan đến du lịch và tiêu dùng của Singapore”.

Dù vậy, JPMorgan ước tính rằng đà tăng trưởng của đảo quốc sư tử vẫn có thể bị hạn chế bởi các điều kiện suy thoái toàn cầu nói trên và những thách thức về nhu cầu bên ngoài mà đất nước phải đối mặt.

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng việc mở lại toàn bộ biên giới từ Trung Quốc cũng sẽ bổ sung thêm “tiềm năng tăng giá” cho sự phục hồi du lịch của Thái Lan và điều đó có thể gây ra lạm phát. Tuy nhiên, các nhà phân tích của JPMorgan cho rằng du lịch có thể kích thích tiêu dùng và tăng lương, nhưng "không có mối tương quan chặt chẽ với lạm phát ở các quốc gia như Thái Lan, nơi bản chất của lạm phát chủ yếu là do nguồn cung".

Xem thêm >> Làn sóng cắt giảm nhân sự lan sang các tập đoàn công nghệ Đông Nam Á

Theo CNBC
Cùng chuyên mục
Tin khác