J.P.Morgan đưa ra báo cáo khuyến nghị tăng tỷ trọng đầu tư với FPT

Hoàng Ngân - 19/05/2023 09:31 (GMT+7)

(VNF) - 4 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT lần lượt tăng trưởng 21,2% và 19,1% so với cùng kỳ.

VNF
J.P.Morgan đưa ra báo cáo khuyến nghị tăng tỷ trọng đầu tư với FPT

Báo cáo kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm 2023 của FPT vừa được công bố cho thấy doanh thu và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt lần lượt 15.749 tỷ đồng và 2.880 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng 21,2% và 19,1%.

Với tỷ trọng chiếm 58% tổng doanh thu, tăng trưởng 23,1% và 43% tổng LNTT, tăng trưởng 18,8%, đạt tương đương 9.161 tỷ đồng và 1.223 tỷ đồng, khối công nghệ tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu tăng trưởng.

Trong đó, ở mảng dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) cho thị trường nước ngoài, khối lượng đơn hàng ký mới tăng 37,1% so với cùng kỳ, đạt 12.359 tỷ đồng và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt ở các thị trường Nhật Bản (tăng 36,4%) và châu Á Thái Bình Dương (tăng 64%).

Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 2.019 tỷ đồng và 1.841 đồng, tăng 20% và 19,3%. Trước đó, FPT đã công bố nghị quyết HĐQT thông qua việc chi trả cổ tức còn lại của năm 2022 tỷ lệ 10% bằng tiền mặt (mỗi cổ phiếu cổ đông sở hữu nhận 1.000 đồng) và 15% bằng cổ phiếu (tỷ lệ 20:3).

Với 1,1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính FPT cần chi khoảng 1.100 tỷ đồng tiền mặt để thanh toán cho cổ đông và phát hành gần 166 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức. Chốt phiên giao dịch ngày 16/5, FPT tăng 0,62% lên 81.500 đồng/cổ phiếu.

Như vậy, tổng tỷ lệ chi trả cổ tức năm 2022 của FPT cho cổ đông là 35% (20% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu). Đây cũng là mức chi trả cổ tức FPT duy trì trong suốt 10 năm qua.

Bạn đọc xem clip highlight kết quả kinh doanh 4 tháng của FPT tại đây

https://drive.google.com/file/d/11BcNkxeadDVxejbxWL9VWFE9ZPlVvxCD/view

Một số công ty chứng khoán dự phóng kết quả kinh doanh năm 2023 của FPT sẽ đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng.

Một trong những công ty hàng đầu và lâu đời nhất thế giới trong dịch vụ tài chính, lĩnh vực ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản, J.P.Morgan vừa đưa ra báo cáo khuyến nghị tăng tỷ trọng đầu tư với FPT và dự báo tăng trưởng lợi nhuận kép hàng năm của FPT trong giai đoạn 2022 – 2025 sẽ đạt trên 20%.

Theo J.P.Morgan, lợi thế cạnh tranh về chi phí, năng lực công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ chuyển đổi số, mở rộng tập khách hàng mới và hợp đồng quy mô lớn, cùng chiến lược toàn cầu hóa sẽ giúp FPT tăng trưởng tốt.

J.P.Morgan cũng dự phóng giá mục tiêu của cổ phiếu FPT là 110.000 đồng/cổ phiếu. EPS tăng trưởng kép trung bình hàng năm trong giai đoạn 2022 – 2025 đạt 27,4%, cao hơn so với mức tăng trưởng trung bình của các công ty công nghệ thông tin trên toàn cầu (9,3%).  

Còn theo dự phóng của Viet Capital, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của FPT tăng trưởng lần lượt là 19% và 17%, đồng thời tăng giá mục tiêu của cổ phiếu FPT lên 13%, ở mức 123.000 đồng/cổ phiếu.

Năm 2023, FPT đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu 18,8% và lợi nhuận tăng 18,2% tương đương 52.890 tỷ đồng và 9.055 tỷ đồng. 2023 cũng là năm đầu tiên FPT triển khai chiến lược DC 5 với mục tiêu trở thành tổ chức kiến tạo hạnh phúc cho mỗi con người, thành công cho mỗi tổ chức và cao hơn nữa là hưng thịnh cho quốc gia.

Để hiện thực mục tiêu 2023, theo ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT: “Các khối, lĩnh vực kinh doanh sẽ dồn mọi nguồn lực, chắt chiu từng cơ hội để đảm bảo tăng trưởng ổn định. Khối công nghệ, hướng đến hợp đồng vài chục, vài trăm triệu USD tại Mỹ, Nhật, châu Âu và đầu tư mỗi năm từ 35 – 50 triệu USD cho các mục tiêu M&A và mở rộng lãnh thổ; đẩy mạnh chuyển đổi số để kiến tạo hạnh phúc cho Chính phủ, doanh nghiệp, người dân.

Khối viễn thông đầu tư mạnh vào hạ tầng, có thêm cáp quang biển, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hơn các nhà cung cấp dịch vụ khác. Lĩnh vực giáo dục tiếp tục mở rộng quy mô tại Việt Nam và thế giới, mang lại cho người học những trải nghiệm tốt nhất”.

Cùng chuyên mục
Tin khác