Bất động sản

KĐT Đông Hương: Xi măng Công Thanh tố UBND tỉnh Thanh Hóa bất nhất chủ trương, gây thiệt hại nghiêm trọng

(VNF) - Chia sẻ với VietnamFinance, Chủ tịch Xi măng Công Thanh Nguyễn Công Lý cho rằng: "UBND tỉnh Thanh Hóa đã có những quyết định thể hiện sự bất nhất chủ trương về Khu đô thị (KĐT) Đông Hương gây thiệt hại nghiêm trọng cho doanh nghiệp. Đặc biệt là việc UBND tỉnh "phủ quyết" điều chỉnh quy hoạch KĐT Đông Hương không có lý cho, dù trước đó Sở Xây dựng có văn bản đồng ý điều chỉnh dự án".

KĐT Đông Hương: Xi măng Công Thanh tố UBND tỉnh Thanh Hóa bất nhất chủ trương, gây thiệt hại nghiêm trọng

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, mới đây, Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh có văn bản về việc làm rõ thủ tục trình tự triển khai KĐT Đông Hương, thành phố Thanh Hóa và kêu cứu về chủ trương không đồng nhất của UBND tỉnh Thanh Hóa, có dấu hiệu chèn ép doanh nghiệp.

Về thủ tục pháp lý của dự án nói trên, ngày 12/3/2009, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có Quyết định số 754/QĐ-UBND do Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến ký, về việc giao đất có thu tiền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh tại Khu đô thị mới Đông Hương, thành phố Thanh Hóa.

Quyết định trên phê duyệt cho Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh 17,963m2 đất để sử dụng vào mục đích xây dựng Khách sạn 5 sao, Văn phòng làm việc, Văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại, tại xã Đông Hương, thành phố Thanh Hóa.

Đến tận năm 2017, ngày 3/5/2017, Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn đã có văn bản số 4651/UBND-CN về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch dự án Khu trung tâm thương mại – văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao Công Thanh. Như vậy, sau 8 năm, pháp lý của dự án trên lại được bắt đầu lại từ đầu bằng việc điều chỉnh cục bộ.

Ngay sau đó, Công ty Công Thanh đã ráo riết thực hiện thủ tục để hoàn tất thủ tục triển khai dự án.

Cụ thể, ngày 28/6/2018, Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa và Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh đã thỏa thuận ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư với số tiền ký quỹ là 13 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thỏa thuận ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư trên được thực hiện trên cơ sở Quyết định số 754/QĐ-UBND ngày 12/3/2009 về việc giao đất có thu tiền sử dụng đất cho Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh tại Khu đô thị mới Đông Hương, thành phố Thanh Hóa.

Để thể hiện quyết tâm nhanh chóng thực hiện dự án, ngày 5/7/2019, Công ty Công Thanh đã chuyển vào tài khoản của Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa số tiền là 13 tỷ để hoàn tất thỏa thuận ký quỹ bảo đảm triển khai dự án.

Đến ngày, 11/7/2018, Sở kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa đã gửi công văn xác nhận việc ký quỹ đảm bảo đầu tư dự án của Công ty Công Thanh đến Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thanh Hóa để có bước triển khai thực hiện thủ tục theo trình tự pháp luật triển khai dự án.

Thủ tục triển khai dự án trên của Công ty Công Thanh có bước tiến lớn khi ngày 19/7/2018, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có công văn đến Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Xây dựng, và Công ty Công Thanh đốc thúc việc hoàn thành hồ sơ triển khai dự án nói trên.

Ngày 12/11/2019, Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản thông báo thẩm định phương án giá đất để tính tiền sử dụng đất đối với Công ty Công Thanh tại KĐT Đông Hương.

Sau đó, ngày 18/12/2019, Sở Tài nguyên Môi Trường Thanh Hóa cũng có công văn tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa giải quyết đề nghị của Công ty Công Thanh về giá đất nộp cho ngân sách nhà nước cho dự án. 

Đến ngày 9/6/2020, Sở xây dựng tỉnh Thanh Hóa đã gửi công văn về việc điều chỉnh tổng thể mặt bằng quy hoạch dự án tại khu đô thị mới Đông Hương.

Từ đó, Công ty Công Thanh  đề nghị việc sớm phê duyệt quy hoạch phương án điều chỉnh tổng thể mặt bằng quy hoạch dự án tại khu đô thị mới Đồng Hương như đề nghị của Sở Xây dựng tại văn bản ngày 9/6/2020 để Công ty triển khai công việc tiếp theo triển khai dự án và thực hiện nghĩa vụ tài chính.

Tuy nhiên, trả lời công văn ngày 9/6/2020 của Sở Xây dựng. Mới đây, ngày 24/8/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra văn bản trả lời Sở Xây dựng về việc điều chỉn quy hoạch phương án điều chỉnh tổng thể mặt bằng quy hoạch dự án tại khu đô thị mới Đồng Hương với nội dung như sau: "Không chấp nhận điều chỉnh quy hoạch do không đảm bảo mỹ quan đô thị dọc Đại lộ Lê Lợi". Văn bản trên do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm ký thay Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

"Việc phủ quyết của UBND tỉnh Thanh Hoá hoàn toàn không có lý do, trái ngược với đề xuất của Sở Xây dựng và các Sở ban ngành khác của tỉnh. Đáng nói, trước đó, ngày 3/5/2017, Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa Ngô Văn Tuấn đã có văn bản số 4651/UBND-CN về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch dự án Khu trung tâm thương mại – văn phòng cho thuê và khách sạn 5 sao Công Thanh".

"Như vậy, các văn bản cùng của UBND tỉnh Thanh Hóa đã có sự không đồng nhất về mặt chủ trương nhất quán về việc giải quyết vấn đề của doanh nghiệp. Công ty cổ phần Xi măng Công Thanh đã có đơn gửi các cơ quan chức năng xem xét, xử lý và làm rõ một số nội dung của doanh nghiệp", ông Nguyễn Công Lý nói.

KĐT Đông Hương 11 năm chưa xong thủ tục

Ngoài ra phía Xi măng Công Thanh phản ánh: "Tại sao văn bản về chủ trương đầu tư cùng của UBND tỉnh Thanh Hóa năm 2017 và năm 2020 lại có sự đối lập hoàn toàn?"

Mặt khác, sau khi nhận được sự đồng ý của UBND tỉnh Thanh Hóa năm 2017, doanh nghiệp đã bỏ nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc, tuy nhiên đến nay lại bị phủ quyết không có lý do, vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những sự thiệt hại của doanh nghiệp?

Liên quan đến việc không chấp nhận điều chỉnh quy hoạch do không đảm bảo mỹ quan đô thị dọc Đại lộ Lê Lợi mới đây của UBND tỉnh Thanh Hóa là rất mơ hồ, cảm tính. Đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa làm rõ vấn đề này?

Chính những văn bản thiếu nhất quán của UBND tỉnh Thanh Hóa không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà còn gây khó khăn cho các cơ quan chuyên môn phía dưới, thể hiện chức năng quản lý hành chính yếu kém.

"Trước đó UBND tỉnh đã đồng ý, sau đó Sở Xây dựng và Sở Tài nguyên Môi trường cũng đồng ý nhưng tại sao, UBND tỉnh lại bất ngờ không đồng ý mà không đưa ra lý do xác đáng. Phải chăng đây là sự duy ý chí của một số cá nhân trong bộ máy, hay vì lợi ích nào đó phía sau? Liệu có sự làm khó doanh nghiệp đầu tư của UBND tỉnh Thanh Hóa không?", ông Nguyễn Công Lý bức xúc nói.

PCI của tỉnh Thanh Hóa ngoài Top 20 nói lên điều gì?

Tại phiên thảo luận kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVII, ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đặt câu hỏi tại sao Thanh Hóa tăng trưởng, phát triển mạnh nhưng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI vẫn không được cải thiện.
 
 Thậm chí, chỉ số PCI của tỉnh này lùi dân theo từng năm. Ông Đệ nói rằng, nguyên nhân chính là từ cách hành xử, tính nhân văn, văn hóa giữa công chức và người lao động. “Cơ bản chúng ta tốt nhưng vẫn cá biệt có những người làm chức năng quản lý nhà nước đề cao chữ tôi quá. Nhiều doanh nghiệp tiếp cận không hài lòng”, ông Đệ nói.
 
Ông Đệ thống kê Thanh Hóa từng xếp thứ 8 năm 2013, xếp thứ 10 năm 2015 . Nhưng trong 4 năm trở lại đây, địa phương đã có sự phát triển vượt bậc mà PCI lại sụt giảm. Năm 2019, thậm chí nằm ngoài TOP 20.

 

Tin mới lên