Công nghệ

Kế hoạch phát triển ngành chip: 'Ngắn hạn đóng gói, trung hạn sản xuất, dài hạn làm chủ'

(VNF) - Đây là 3 giai đoạn phát triển ngành chip bán dẫn “Make in Vietnam” được Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Nguyễn Văn Khoa đề xuất tại diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ V.

Chip bán dẫn có chức năng như mạch máu

Theo đánh giá của ông Khoa, chip bán dẫn có chức năng như mạch máu trong nền kinh tế vì trong các thiết bị điện tử đều có chip. Doanh số chip bán dẫn toàn cầu vượt mốc 600 tỷ USD trong năm 2022. Năm 2024 dự báo nhu cầu chip trên toàn thế giới tăng đáng kể, một số mảng như mảng chip nhớ tăng 25%. Tổng doanh số ngành vi mạch bán dẫn ước đạt 1.000 tỷ vào năm 2023. Vì vậy, phát triển vi mạch bán dẫn phải gắn liền với công nghiệp điện tử.

"Con chip sẽ nằm ở tất cả các ngành nghề, lĩnh vực. Ví dụ như mỗi chiếc ghế trong tương lai cũng có thể có một con chip ở bên trong để biết được vị khách nào đã đến sự kiện đến từ đâu, đang làm công việc gì. Hay thậm chí, ngay cả những chiếc áo cũng sẽ có những con chip để giám sát sức khoẻ để phục vụ tốt nhất cho cuộc sống của mỗi người”, ông Khoa nêu quan điểm.

Phân tích về những lợi thế ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam trong việc nắm bắt cơ hội vàng, ông Khoa chỉ ra lợi thế đầu tiên là chính sách ngoại giao cởi mở giúp nước ta có vị thế quan trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam còn ký kết hợp tác toàn diện với nhiều quốc gia trên thế giới và nổi lên là điểm sáng thu hút đầu tư. Về Địa chính trị, Việt Nam là trung tâm của Đông Nam Á, vị trí “cửa ngõ” thế giới là tài nguyên hiếm có.

Cũng theo ông Khoa, Việt Nam đang trong giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Do đó, chuyển đổi số cần đi song song với phát triển phần cứng và phần mềm, làm chủ công nghệ lõi trong đó có chip bán dẫn.

Chủ tịch Hiệp hội phần mềm và công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) Nguyễn Văn Khoa.

Dẫn ý kiến của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về việc doanh nghiệp công nghệ số thêm sứ mệnh công nghiệp hoá đất nước và nêu bật việc người Việt Nam thích học toán, khoa học, công nghệ, Ông Khoa cho rằng người Việt có tố chất phù hợp cho việc phát triển bán dẫn, trong khi người phương Tây có xu hướng nghiên cứu, ngại lao động chân tay và dân số già hoá.

lộ trình 3 giai đoạn

Tại diễn đàn, Chủ tịch VINASA đề xuất lộ trình phát triển ngành bán dẫn theo 3 giai đoạn. Cụ thể, ngắn hạn sẽ thiết kế, đóng gói, kiểm thử; trung hạn sẽ sản xuất và dài hạn là làm chủ công nghệ lõi.

"Việt Nam cần tập trung vào các lĩnh vực như viễn thông, xe điện, điện toán, năng lượng và hướng đến đưa AI vào mọi con chip", ông Khoa nhấn mạnh và dẫn dự báo của Gartner rằng doanh thu chip bán dẫn có AI năm 2024 tăng 23% so với 2022 - 54 tỷ USD; 2027 đạt gần 120 tỷ USD.

Nhắc đến việc FPT nghiên cứu và sản xuất chip từ 10 năm trước, ông Khoa đánh giá quá trình nghiên cứu làm ra con chip có nhiều khó khăn. Đến khi làm ra con chip vẫn không hết khó khăn và càng thách thức hơn khi đưa chip Make in Vietnam ra nước ngoài.

"Năm 2018, tại Nhật Bản, FPT xây dựng nhóm có 43 người, tại Việt Nam 64 người để làm chip nhưng gặp nhiều có khăn. Có giai đoạn chỉ còn hơn 30 nhân sự nhưng anh em vẫn bám trụ để đưa con chip vào thị trường khó tính bậc nhất này" ông Khóa nhấn mạnh.

Nhắc lại mục tiêu đóng góp 10.000 nhân lực cho ngành công nghiệp chip bán dẫn, ông Khoa cũng bày tỏ hy vọng các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam sẽ đầu tư, hợp tác để đẩy mạnh chủ trương làm chip, cùng nhau tạo nên những kỳ tích mới.

Tin mới lên