Bất động sản

Khánh thành cao tốc Nha Trang – Cam Lâm và Vĩnh Hảo – Phan Thiết

(VNF) - Chiều 18/6, tại Khánh Hòa, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành 2 dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020.

Khánh thành cao tốc Nha Trang – Cam Lâm và Vĩnh Hảo – Phan Thiết

Thủ tướng và các đại biểu cắt băng khánh thành 2 dự án thành phần Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017 - 2020.

Lễ khánh thành do Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa và Bình Thuận tổ chức, kết nối trực tuyến giữa hai điểm cầu đặt tại tỉnh Khánh Hòa và tỉnh Bình Thuận.

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho hay hành lang vận tải Bắc - Nam luôn đóng vai trò rất quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch của đất nước. Chính vì vậy, để tạo ra động lực đột phá, phát huy được tiềm năng, lợi thế các địa phương trên hành lang này, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông đã được quy hoạch với tổng chiều dài 2.063 km từ Cửa khẩu Hữu Nghị - Lạng Sơn đến Cà Mau đi qua 32 tỉnh, thành phố.

Với việc đưa vào khai thác 2 dự án Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết với tổng chiều dài hơn 150km, tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc Nam được nâng lên 954km. Tính cả các tuyến cao tốc khác, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, cả nước đã đưa vào khai thác gần 600km, nâng tổng số đường cao tốc cả nước lên 1.729km. Tới đây, sẽ hoàn thành thêm 123km vào cuối năm 2023 và tập trung triển khai thực hiện xây dựng để hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc – Nam vào năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại lễ khánh thành.

Thủ tướng nêu rõ, đạt được kết quả ngày hôm nay, chúng ta rút ra một số bài học kinh nghiệm quan trọng.

Một là, phải có cách làm, tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mới, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, tổ chức thực hiện khoa học, hợp lý, hiệu quả và luôn luôn lắng nghe, thấu hiểu các nhà đầu tư, nhà thầu, tư vấn.

Hai là, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, cần phải bám sát thực tiễn, chủ động nắm bắt tình hình và nâng cao tính dự báo để kịp thời điều chỉnh kế hoạch, thực hiện các giải pháp để xử lý kịp thời, dứt điểm ngay tại công trường các vướng mắc, tồn tại phát sinh trong quá trình triển khai các dự án.

Ba là, phải chủ động giải quyết các công việc trong thẩm quyền; phải xác định đường cao tốc là tài sản chung của quốc gia mà địa phương trực tiếp được hưởng lợi để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc một cách trách nhiệm, hiệu quả; linh hoạt xử lý các vấn đề theo thẩm quyền, nhất là giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, đường hậu cần, bãi thải…

Bốn là, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và đồng thuận chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; quan tâm đến đời sống của nhân dân, chú trọng công tác bố trí tái định cư cho người dân, đảm bảo nơi ở mới phải tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ, đảm bảo về hạ tầng, y tế, giáo dục, dịch vụ; từ đó để người dân tin tưởng, sẵn sàng nhường đất, dời nhà phục vụ xây dựng các dự án.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc đưa vào khai thác 2 dự án Nha Trang - Cam Lâm và Vĩnh Hảo - Phan Thiết với tổng chiều dài hơn 150km, tổng số chiều dài khai thác trên trục cao tốc Bắc Nam được nâng lên 954km.

Năm là, không chia nhỏ gói thầu; xác định các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện để lựa chọn nhà thầu phù hợp với thực tế; bảo đảm công khai, minh bạch, nghiêm túc, hiệu quả, tuân thủ quy định pháp luật để lựa chọn được nhà thầu thực sự có năng lực, uy tín, kinh nghiệm quản lý, triển khai dự án quy mô lớn; đảm bảo các yếu tố về kỹ - mỹ thuật, tiết kiệm chi phí, không để tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý.

Sáu là, kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc với tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, không gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp; các vấn đề thuộc thẩm quyền thì phải giải quyết, tránh đùn đẩy trách nhiệm; kiên quyết chống tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

 

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2017-2020 gồm 11 dự án thành phần, với 8 dự án đầu tư công và 3 dự án hợp tác công tư (PPP), trong đó có dự án Nha Trang - Cam Lâm.

Dự án Nha Trang – Cam Lâm có chiều dài 49,1km. Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư với quy mô đạt tiêu chuẩn đường cao tốc vận tốc thiết kế 120km/h.

Tổng vốn thực hiện dự án là hơn 5.500 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn nhà đầu tư khoảng hơn 2.500 tỷ đồng, nguồn vốn nhà nước tham gia dự án khoảng gần 3.000 tỷ đồng.

Nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải; doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm. Dự án được khởi công tháng 9/2021, đến nay, tuyến chính đã cơ bản hoàn thành và được đưa vào khai thác tạm thời từ ngày 19/5/2023.

Còn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài khoảng 100,8km. Giai đoạn phân kỳ, dự án được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư với quy mô đạt vận tốc thiết kế 100 - 120km/h.

Đây là dự án đầu tư công với tổng mức đầu tư hơn 10.800 tỷ đồng. Dự án được khởi công tháng 9/2020, đến nay đã cơ bản hoàn thành tuyến chính và đã được Bộ Giao thông vận tải đưa vào khai thác tạm thời từ ngày 19/5/2023.

Việc đưa vào khai thác 2 đoạn cao tốc đã cơ bản kết nối tuyến cao tốc từ TPHCM - Khánh Hòa, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, giảm tải cho Quốc lộ 1A, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải, giao lưu văn hóa, xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kích cầu du lịch, góp phần phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của vùng đất duyên hải tươi đẹp Nam Trung Bộ, kết nối hai trung tâm kinh tế, du lịch lớn là TP. HCM và Khánh Hòa, hai vùng kinh tế - xã hội.

Tin mới lên