Thị trường

Khóa Việt Tiệp: Thương hiệu nổi tiếng 50 năm tuổi đang làm ăn ra sao?

(VNF) - Thành lập từ năm 1974 với tiền thân là Xí nghiệp Khóa Hà Nội, tới nay, Khóa Việt Tiệp đã trở thành một trong những thương hiệu khóa hàng đầu Việt Nam với 70% thị trường khóa trong nước.

Khóa Việt Tiệp: Thương hiệu nổi tiếng 50 năm tuổi đang làm ăn ra sao?

Những ổ khóa mang thương hiệu Việt Tiệp gần như xuất hiện trong mọi gia đình Việt Nam.

Thương hiệu 'quốc dân' ngành khoá

Là thương hiệu quen thuộc với hầu hết các gia đình, khóa Việt Tiệp thuộc Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp đã chiếm được thị phần lớn từ những ngày đầu thành lập. Sau gần 50 năm, Khóa Việt Tiệp trở thành doanh nghiệp sản xuất khóa lớn nhất và hiện đại nhất của Việt Nam.

Tháng 7/1974, Khóa Việt Tiệp hình thành với tên gọi đầu tiên là xí nghiệp khóa Hà Nội, thuộc nhóm xí nghiệp luyện kim. Đây là nhóm ngành chỉ chiếm khoảng 3,3% trong cơ cấu kinh tế quốc dân và chưa được đầu tư sản xuất. Các vật dụng kim khí còn đơn sơ và chủ yếu là các dụng cụ lao động.

Đến ngày 16/4/1989, UBND TP. Hà Nội quyết định đổi tên Xí nghiệp Khóa Hà Nội thành Xí nghiệp Khóa Việt Tiệp. Tháng 9/1994, UBND TP. Hà Nội tiếp tục điều chỉnh nhiệm vụ và đổi tên Xí nghiệp Khóa Việt Tiệp thành Công ty Khóa Việt Tiệp.

Giai đoạn 2003 - 2007 là những năm mà các sản phẩm khóa Việt Tiệp trở nên phổ biến trong mỗi gia đình Việt Nam và gần như nhà nào cũng có một đến một vài ổ khóa mang thương hiệu Việt Tiệp. Đặc biệt năm 2003, lần đầu tiên Khoá Việt Tiệp lọt vào câu lạc bộ các doanh nghiệp có giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu trên 100 tỷ đồng. 

Từ năm 2005 – 2007, doanh nghiệp tiến hành cổ phần hoá thành công và chuyển thành Công ty cổ phần Khoá Việt Tiệp có đăng ký kinh doanh và chính thức đi vào hoạt động theo luật doanh nghiệp kể từ ngày 17/5/2006.

Đến năm 2011, Khoá Việt Tiệp chính thức đứng trong hàng ngũ câu lạc bộ các doanh nghiệp có giá trị sản xuất công nghiệp và doanh thu trên 500 tỷ đồng.

Không chỉ còn là mẫu khóa gang đen khắc chữ Việt Tiệp quen thuộc, giờ đây, khoá Việt Tiệp có hơn 200 loại sản phẩm khác nhau. Thương hiệu đã có mặt ở nhiều quốc gia như Lào, Campuchia, Cuba, Nam Phi, Nga và Nigeria.

Đến nay, khoá Việt Tiệp chiếm khoảng 70% thị trường khóa trong nước với 4 chi nhánh, hơn 800 đại lý và hơn 3.000 cửa hàng bán lẻ cung cấp hàng trăm chủng loại ổ khóa và phụ kiện trên cả nước.

Doanh thu trăm tỷ mỗi năm

Công ty cổ phần Khóa Việt Tiệp có trụ sở chính tại Thị trấn Đông Anh, Huyện Đông Anh, TP. Hà Nội. Doanh nghiệp này do ông Nguyễn Văn Tuấn làm Chủ tịch HĐQT. Ngoài ra, các ông Lê Đức Phương, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Hùng và Lê Tràng Thắng là thành viên HĐQT. 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT khóa Việt Tiệp.

Theo báo cáo tài chính năm 2022, tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản của Khóa Việt Tiệp đạt mức 536,5 tỷ đồng. Trong đó tập trung chủ yếu ở tài sản ngắn hạn. Lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng khá mạnh trong so với hồi đầu năm 2022 (từ 297,9 tỷ đồng lên 351,9 tỷ đồng).

Nguồn vốn kinh doanh của Khóa Việt Tiệp được tài trợ chính bằng vốn chủ sở hữu. Trong đó, vốn điều lệ tới cuối 2022 là 106,5 tỷ đồng; 119,5 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển. Đặc biệt, doanh nghiệp còn 110,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Thời điểm kết thúc năm 2022, số nợ phải trả của Khóa Việt Tiệp ở mức 200 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm (194,6 tỷ đồng).

Về kết quả kinh doanh, năm 2022, doanh thu thuần của khóa Việt Tiệp đạt mức 889,5 tỷ đồng. Khấu trừ các loại chi phí (giá vốn bán hàng, chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp), doanh nghiệp báo lãi 30,4 tỷ đồng.

Trong những năm gần đây, khóa Việt Tiệp liên tục sử dụng tài sản hình thành trong tương lai là máy móc thiết bị hình thành từ dự án “Đầu tư đổi mới công nghệ - nâng cao năng lực sản xuất 2022-2023 (giai đoạn 1)” làm tài sản bảo đảm tại Ngân hàng BIDV - chi nhánh Đông Hà Nội.

Tin mới lên