Ngân hàng

'Khoản vay đặc biệt lãi suất 0% chỉ dành cho ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, có nguy cơ đổ vỡ'

(VNF) - Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị chỉ áp dụng khoản vay đặc biệt, lãi suất 0% với ngân hàng có sự cố rút tiền hàng loạt hoặc có nguy cơ đổ vỡ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng, gây bất ổn xã hội.

'Khoản vay đặc biệt lãi suất 0% chỉ dành cho ngân hàng bị rút tiền hàng loạt, có nguy cơ đổ vỡ'

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Sáng 5/6, tiếp tục Kỳ họp thứ năm, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Thẩm tra, Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một trong những điểm mới, nhưng khiến cơ quan thẩm tra còn nhiều lo ngại ngay từ khi thẩm tra sơ bộ là bổ sung quy định tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước can thiệp sớm.

Theo đó, dự thảo Luật cho phép sử dụng cho vay đặc biệt ngay từ bước can thiệp sớm, đồng thời mở rộng thêm một số khái niệm như cho vay không có tài sản bảo đảm, chỉ định cho vay đặc biệt; ấn định lãi suất cho vay đặc biệt là 0%/năm và cơ chế hỗ trợ cho tổ chức tín dụng cho vay đặc biệt.

Cụ thể, ngân hàng thuộc trường hợp can thiệp sớm khi bị rút tiền hàng loạt dẫn tới mất khả năng chi trả, hoặc tổ chức tín dụng không duy trì được tỷ lệ chi trả và an toàn vốn lần lượt trong 3 và 6 tháng liên tục, có lỗ lũy kế lớn hơn 20% giá trị vốn điều lệ cùng các quỹ dự trữ.

Một trong những biện pháp áp dụng với nhóm này là cho vay đặc biệt, không cần tài sản đảm bảo, lãi suất 0% một năm từ Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Tiền gửi và các nhà băng khác.

Cũng theo Uỷ ban Kinh tế, Ngân hàng Nhà nước với vai trò là người cho vay cuối cùng thực hiện cho vay đặc biệt là cần thiết để bảo đảm tính thanh khoản, mục tiêu an toàn hệ thống, ngăn chặn sự cố rút tiền hàng loạt, ổn định an ninh, trật tự an toàn xã hội.

“Tuy nhiên, cần rà soát các trường hợp được tiếp cận khoản vay đặc biệt theo hướng chỉ áp dụng trong trường hợp có sự cố rút tiền hàng loạt hoặc trong trường hợp có nguy cơ đổ vỡ ảnh hưởng đến an toàn hệ thống ngân hàng, gây bất ổn xã hội và Ngân hàng Nhà nước phải chịu trách nhiệm với quyết định cho vay đặc biệt, các giải pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng gặp khó khăn, mặc dù không sử dụng ngân sách nhà nước, nhưng gián tiếp ảnh hưởng đến ngân sách”, đại diện cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Cơ quan thẩm tra cũng chỉ rõ, dự thảo Luật chưa quy định cụ thể về thời gian áp dụng biện pháp can thiệp sớm, nên khó xác định được thời gian của khoản cho vay đặc biệt.

Đối với các chủ thể cho vay đặc biệt được bổ sung thêm so với Luật hiện hành gồm Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, tổ chức tín dụng, Ủy ban Kinh tế cho rằng, mặc dù nguồn vốn cho vay đặc biệt không phải từ ngân sách nhà nước nhưng trong trường hợp của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam là nguồn thu từ đóng phí, đóng quỹ của hội viên.

Theo Ủy ban Kinh tế, việc huy động nguồn này sẽ gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các hội viên trong trường hợp cần phải sử dụng cho các trường hợp cần thiết theo quy định cũng như an toàn tài chính của các quỹ này., không hợp lý, không bảo đảm các nguyên tắc kế toán, đồng thời không làm rõ được trách nhiệm thu hồi khoản vay của các chủ thể cho vay, không nâng cao trách nhiệm của tổ chức tín dụng trong xử lý yếu kém.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế đề nghị không quy định việc xử lý số tiền cho vay đặc biệt như trên.

Có ý kiến cho rằng, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam không nên sử dụng nguồn vốn của mình ngoài mục đích chi trả cho người gửi tiền được bảo hiểm trong trường hợp ngân hàng đổ vỡ.

Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh đề nghị rà soát lại toàn bộ các quy định về can thiệp sớm theo hướng hạn chế tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước hoặc phải có điều kiện rất cụ thể, đặc biệt là các giải pháp hỗ trợ vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, tổ chức tín dụng với lãi suất 0% và việc cho vay đặc biệt không có tài sản đảm bảo; cân nhắc không sử dụng nguồn cho vay đặc biệt từ Ngân hàng Hợp tác xã, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam và tổ chức tín dụng.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trình bày Tờ trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)

Về phương án chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt, Ủy ban Kinh tế đề nghị báo cáo rõ thêm về tình hình xử lý các tổ chức tín dụng mua bắt buộc và đặt vào kiểm soát đặc biệt trong thời gian qua (bao gồm cả việc kiểm soát đặc biệt các quỹ tín dụng nhân dân).

Làm rõ các nguyên nhân của việc chậm trễ trong quá trình triển khai xử lý các ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng đặt vào kiểm soát đặc biệt; lý do chưa đề xuất những biện pháp mạnh như giải thể, phá sản, dẫn đến quy mô huy động vốn trong cư dân ngày càng lớn, tác động càng nhiều đến an toàn hệ thống, Nhà nước phải can thiệp. Từ đó có cơ sở xem xét sự phù hợp của các giải pháp đưa ra đối với các tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

Có ý kiến đề nghị làm rõ vai trò, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm dân sự của người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng khi để tổ chức tín dụng mất thanh khoản phải kiểm soát đặc biệt và từ đó phải chuyển giao bắt buộc hoặc giải thể, phá sản.

Nhìn tổng thể, cơ quan thẩm tra cho rằng, còn nhiều nội dung về ngân hàng chính sách, tập đoàn tài chính, vấn đề luật hóa Nghị quyết số 42, vấn đề tài chính, hạch toán, báo cáo… hay vấn đề về can thiệp sớm , kiểm soát đặc biệt, chuyển giao bắt buộc, phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt  đều là những vấn đề quan trọng, cốt lõi của dự án Luật nhưng còn chưa đủ cụ thể, chưa phù hợp cần phải tiếp tục được hoàn thiện.

Vì vậy, Ủy ban Kinh tế báo cáo Quốc hội xem xét, cân nhắc thông qua dự án luật theo quy trình 3 kỳ họp.

Tin mới lên