Bất động sản

Khởi công dự án Mai Sơn - QL45, Thủ tướng yêu cầu 'rút kinh nghiệm từ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi'

(VNF) - "Trước khi làm móng, làm nền thì anh phải kiểm tra, giám sát, ghi nhật ký công trình như thế nào để bảo đảm trách niệm, sau này làm rõ trách nhiệm từng khâu, từng đoạn, từng đơn vị, phải biết rút kinh nghiệm từ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong thời gian qua", Thủ tướng nói tại lễ khởi công dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Khởi công dự án Mai Sơn - QL45, Thủ tướng yêu cầu 'rút kinh nghiệm từ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi'

Thủ tướng phát biểu tại lễ khởi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45.

Hình hài tuyến đường cao tốc xuyên Việt

Hôm nay (30/9), Bộ Giao thông Vận tải đồng loạt khởi công 3 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, giai đoạn 2017 - 2020, gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Ninh Bình - Thanh Hóa), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận), Phan Thiết - Dầu Giây (Bình Thuận - Đồng Nai).

Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông có điểm đầu tại Hà Nội, điểm cuối tại Cần Thơ. Đến nay, đoạn cao tốc dài 80km với 4-6 làn xe từ Hà Nội đến Ninh Bình đã đưa vào khai thác.

Đoạn tiếp theo là Cao Bồ - Mai Sơn dài 15km đi qua địa phận tỉnh Nam Định và Ninh Bình đang được thi công và dự kiến hoàn thành cuối năm 2021. Hôm nay, đoạn cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63,37km từ Ninh Bình đến Thanh Hóa tiếp tục được khởi công và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.

Với tuyến cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, hiện dự án đã hoàn thành và đưa vào khai thác 167km (4 làn xe) từ Hà Nội đến Chi Lăng (Lạng Sơn). Phần còn lại 43km từ Chi Lăng đến cửa khẩu Hữu Nghị đang chuẩn bị được đầu tư.

Cũng trong hôm nay, 2 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc Bắc - Nam phía đông cũng được khởi công xây dựng là đoạn Vĩnh Hảo (Bình Thuận) - Phan Thiết (Bình Thuận) dài 100,8km và đoạn Phan Thiết (Bình Thuận) - Dầu Giây (Đồng Nai) dài 99km.

Bộ Giao thông Vận tải đồng loạt khởi công 3 dự án thành phần thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông.

Theo kế hoạch, đến cuối năm 2022, 2 dự án này hoàn thành sẽ có 200km nối thông tuyến từ Bình Thuận đến đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, nhằm kết nối TP. HCM với các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Ngoài các dự án trên, hiện còn 5 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía đông đang đấu thầu nhà đầu tư thực hiện theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Ngay trong tháng 10, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục làm hồ sơ liên quan để khởi công 5 dự án này.

Như vậy, nếu hoàn thành được các dự án này, Việt Nam sẽ có tất cả 654km đường cao tốc của toàn bộ 11 dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam phía đông, đi qua địa phận 13 tỉnh với tổng mức đầu tư khoảng 118.716 tỷ đồng.

Riêng chiều cao tốc từ TP. HCM đi Cần Thơ, ngoài đường cao tốc TP. HCM - Trung Lương đã hoàn thành, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và cầu Mỹ Thuận 2 đang thi công. Dự kiến, cuối năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải sẽ khởi công đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ. Theo kế hoạch, các đoạn cao tốc trên và cầu Mỹ Thuận 2 cùng đưa vào khai thác sẽ nối thông toàn bộ đường cao tốc từ TP. HCM đến Cần Thơ.

Rút kinh nghiệm từ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Phát biểu tại lễ khởi công dự án thành phần Mai Sơn - Quốc lộ 45, thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía đông, tổ chức sáng nay, Thủ tướng cho biết đã yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong nhiệm kỳ tới, ngay từ năm đầu, phải thông suốt tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cà Mau để tiến tới có ít nhất 5.000km cao tốc.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính xử lý vấn đề nguồn vốn để thực hiện chủ trương làm đường cao tốc ở nước ta thành công.

“Nghèo cũng phải làm giao thông, khá cũng phải làm giao thông, càng giàu càng phải làm giao thông, không có giao thông thì khó phát triển được đất nước. Chúng ta quyết tâm phấn đấu để làm hệ thống giao thông tốt nhất, đáp ứng sự phát triển, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó hệ thống giao thông phải đi trước một bước", Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh việc không chỉ lo đường bộ mà lo cả đường hàng không, đường sắt, đường thủy, cảng nước sâu, tàu điện ngầm ở các đô thị lớn, đặc biệt là cùng với đường bộ, phải nâng cấp cấp tốc hệ thống đường sắt đang lạc hậu, Thủ tướng nêu rõ chiến lược phát triển trong 10 năm tới là làm được những việc lớn để đưa đất nước tiến lên.

Về yêu cầu chất lượng công trình, Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị được phân công thực hiện không được làm dối, làm ẩu, ảnh hưởng đến chất lượng công trình, để lại tai tiếng; không được bán thầu, nhiều thầu phụ ăn chênh lệch; không được sử dụng vật liệu kém chất lượng để thi công, không làm sai các định mức, tiêu chuẩn kỹ thuật.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu công trình cao tốc Bắc - Nam phải là công trình mẫu mực, do đó phải nêu cao vai trò của các cơ quan tư vấn, giám sát thiết kế, phải làm đúng vai trò, trách nhiệm.

"Trước khi làm móng, làm nền thì anh phải kiểm tra, giám sát, ghi nhật ký công trình như thế nào để bảo đảm trách niệm, sau này làm rõ trách nhiệm từng khâu, từng đoạn, từng đơn vị, phải biết rút kinh nghiệm từ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong thời gian qua", Thủ tướng đặc biệt lưu ý.

Đánh giá việc xây dựng hạ tầng giao thông có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế, Thủ tướng đặt vấn đề sau khi có cao tốc thì phải làm gì để phát triển kinh tế, đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tính toán việc kết nối các khu công nghiệp, khu kinh tế từ các tuyến cao tốc, chứ không phải làm xong mà không phát huy tác dụng.

Xem thêm >>> Điểm danh 3 dự án cao tốc Bắc - Nam vừa khởi công

Tin mới lên