Ngân hàng

Khối nợ xấu gần 1.300 tỷ: 6 lần rao bán vẫn ế, ngân hàng quyết giảm giá hơn 60%

(VNF) - OceanBank lần thứ 7 đấu giá khoản nợ của Dệt may Đông Á với mức giá khởi điểm là 479 tỷ đồng, chỉ bằng 37% tổng nghĩa vụ nợ, giảm 774 tỷ đồng so với lần đấu giá đầu tiên.

Khối nợ xấu gần 1.300 tỷ: 6 lần rao bán vẫn ế, ngân hàng quyết giảm giá hơn 60%

Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương (OceanBank) vừa có thông báo về việc bán đấu giá khoản nợ của CTCP Dệt may Đông Á (Dagatex) để thu hồi nợ. Trước đó, Oceanbank đã tổ chức đấu giá khoản nợ này 6 lần nhưng bất thành. 

Khoản nợ xấu của Dagatex phát sinh vào ngày 29/9/2012 với Ngân hàng Thương mại CP Đại dương - chi nhánh Sài Gòn (nay đổi tên là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Đại Dương - chi nhánh Sài Gòn). 

Tính đế ngày 22/12/2023, nợ gốc của khoản vay trên là 405 tỷ đồng, tổng lãi là gần 522 tỷ dồng và tổng phạt là 370 tỷ đồng. Như vậy, tổng nghĩa vụ của khoản nợ trên là hơn 1.297 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo cho nợ xấu của Dệt may Đông Á bao gồm 3,6 triệu cổ phần của CTCP Đầu tư Phúc Thịnh, gồm 1,8 triệu cổ phần đã có xác nhận của công ty này và 1,8 triệu cổ phần chưa có xác nhận. 

Ngoài ra, tài sản thế chấp còn gồm toàn bộ tài sản, quyền tài sản đã, đang và sẽ hình thành trong tương lai của Dự án Đầu tư xây dựng khu thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở cao tầng tại số 185-189 Âu Cơ, phường 14, quận 11, TP.HCM, do Dagatex làm chủ đầu tư. Dự án này trên khu đất có diện tích là 27.620m2;

Quyền sử dụng đất thuê 50.000m2 và tài sản gắn liền trên đất tại Khu công nghiệp Dệt may Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai với thời hạn thuê đến 12/9/2053, mục đích thuê là xây dựng nhà máy sản suất theo giấy phép (dệt may);

Cùng với đó là quyền sử dụng đất nông nghiệp (tổng diện tích 78.430m2) tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi bao gồm 7 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên 7 hộ nông dân và các biên bản giao nhận tiền, biên bản kiểm kê thiệt hại, biên bản hiệp thương đền bù.

Giá khởi điểm của khoản nợ được đem ra đấu giá lần này là 479 tỷ đồng, chỉ bằng 37% tổng nghĩa vụ nợ. Giá khởi điểm cho lần đấu giá này đã giảm hơn 53 tỷ đồng so với lần gần nhất, được tổ chức vào tháng 12/2023. 

Trước đó trong lần đấu giá đầu tiên, OceanBank từng đưa ra mức khởi điểm lên tới 1.253 tỷ đồng, đúng bằng tổng nghĩa vụ nợ tại thời điểm tạm tính đến ngày 15/06/2023. 

Như vậy, so với lần đấu giá đầu tiên, giá khởi điểm của khoản nợ này ở lần đấu giá thứ 7 đã giảm 774 tỷ đồng.

Công ty CP Dệt may Đông Á tiền thân là kỹ nghệ dệt Đông Á, được thành lập năm 1960, chuyên sản xuất hàng dệt, nhuộm, in hoa.

Giai đoạn 1975 - 1985, Nhà nước tiếp quản và đổi tên cơ sở này thành Nhà máy dệt Đông Á, trực thuộc Bộ Công Nghiệp Nhẹ (nay là Bộ Công Thương), chuyên sản xuất vải theo kế hoạch của cấp trên giao.

Ngày 29/4/1993, Bộ Công Nghiệp Nhẹ có quyết định chính thức đổi tên Nhà máy dệt Đông Á thành Công ty Dệt Đông Á.

Ngày 21/3/2001, HĐQT Tổng Công Ty Dệt May Việt Nam (nay là Tập đoàn Dệt May Việt Nam) có quyết định số 287/QĐ-HĐQT đổi tên Công ty dệt Đông Á thành Công ty dệt may Đông Á.

Ngày 13/12/2006, Bộ Công Nghiệp (nay là Bộ Công Thương) quyết định phê duyệt phương án và chuyển Công ty dệt may Đông Á thành Công ty CP Dệt may Đông Á.

Sau đó, Dagatex trở thành một thành viên trong hệ sinh thái Sông Châu Corp liên quan đến đại gia kín tiếng Cao Minh Sơn (SN 1961), người đại diện cho nhóm doanh nhân có mối quan hệ chặt chẽ với OceanBank từ thời cựu Chủ tịch Hà Văn Thắm.

Ngành nghề kinh doanh của Dệt may Đông Á là sản xuất vải các loại, quần áo các loại; sản xuất vật tư phụ tùng phục vụ ngành dệt may; kinh doanh tổng hợp: sản phẩm, vật tư, phụ tùng, hóa chất, thuốc nhuộm và nguyên vật liệu ngành dệt, nhuộm, may; kinh doanh vật liệu xây dựng và hàng thủ công mỹ nghệ….

Tin mới lên