Tài chính quốc tế

Không những ‘ngó lơ’ trừng phạt mà càng xích lại gần Nga, Thổ Nhĩ Kỳ khiến châu Âu lo ngại

(VNF) - Ông Josep Borrell, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), cho biết việc Thổ Nhĩ Kỳ cho tới nay vẫn không sẵn sàng tham gia chính sách trừng phạt của phương Tây lên Moscow mà ngày càng tăng cường quan hệ thương mại với Nga đã khiến EU lo ngại.

Không những ‘ngó lơ’ trừng phạt mà càng xích lại gần Nga, Thổ Nhĩ Kỳ khiến châu Âu lo ngại

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong cuộc gặp ở Sochi, Nga ngày 5/8/2022.

“Mối quan hệ kinh tế ngày càng sâu sắc giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga là vấn đề rất đáng lo ngại. Bên cạnh đó, chính sách tiếp tục ‘không tham gia các biện pháp hạn chế của EU đối với Nga’ của Thổ Nhĩ Kỳ cũng đáng bận tâm không kém", hãng truyền thông Funke dẫn tuyên bố của ông Borrell.

Dù là quốc gia thành viên NATO nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đang giữ quan điểm trung lập về cuộc xung đột ở Ukraine, thậm chí thời gian gần đây còn thúc đẩy quan hệ ngoại giao với Nga. Dù cả Mỹ và EU đã nhiều lần hối thúc các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga, song Ankara cho đến nay vẫn không có động thái hưởng ứng.

Tuyên bố của ông Borrell được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vừa điện đàm để thảo luận việc mở rộng hợp tác song phương trong nhiều lĩnh vực.

Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi tiến trình thực hiện thỏa thuận ngày 22/7 về xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine từ các cảng ở Biển Đen và xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp và phân bón của Nga.

Tổng thống Erdogan cho biết, nhờ những nỗ lực chung, hơn 13 triệu tấn ngũ cốc đã được chuyển đến các quốc gia có nhu cầu. Theo ông, giờ đây có thể tiến hành xuất khẩu thực phẩm và các hàng hóa khác trong hành lang ngũ cốc.

Văn phòng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hai nước đã có thể bắt đầu xuất khẩu các sản phẩm và hàng hóa thực phẩm khác qua hành lang ngũ cốc Biển Đen.

Bên cạnh đó, hai bên còn thảo luận các dự án năng lượng chung, cũng như trao đổi quan điểm về việc thiết lập một trung tâm khí đốt khu vực ở Thổ Nhĩ Kỳ để phục vụ hoạt động xuất khẩu khí đốt tự nhiên của Nga. Hai nhà lãnh đạo đồng thời tập trung vào sự tăng trưởng kỷ lục về kim ngạch thương mại.

Mối quan hệ kinh tế và năng lượng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ phát triển mạnh trong bối cảnh Moscow thúc đẩy tìm kiếm thị trường mới cho hàng xuất khẩu của mình trước hạn chế từ các lệnh trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây.

Tổng thống Erdogan trước đó đã hoan nghênh đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc mở một tuyến đường ống dẫn khí mới tới châu Âu qua Biển Đen bằng cách xây dựng trung tâm trung chuyển khí đốt lớn ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Điều này sẽ cho phép Moscow chuyển hướng quá cảnh từ các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream (Dòng chảy phương Bắc) bị hư hỏng đến khu vực Biển Đen.

Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin, trung tâm này sẽ do hai bên cùng thiết lập, với chức năng không chỉ đảm bảo cung ứng mà còn có thể giúp ổn định giá cả, một vấn đề rất quan trọng trong mua, bán khí đốt.

Hai nước cũng đang tiến hành xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trị giá 20 tỷ USD trên bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez ngày 8/11 cho biết nước này đã bắt đầu thanh toán một phần khí đốt của Nga bằng đồng ruble.

Xem thêm >> Châu Âu vẫn nhập khẩu kỷ lục LNG từ Nga dù tuyên bố ‘cai nghiện hoàn toàn’

Tin mới lên