'Không nới lỏng điều kiện để tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá'
Khánh Tú -
21/09/2024 19:45 (GMT+7)
(VNF) - Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ khuyến nghị, thực thi chính sách không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá nhằm tránh những hệ lụy về sau ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của các ngân hàng và sự ổn định của ngành ngân hàng khi nợ xấu gia tăng, lợi nhuận suy giảm.
Phát biểu tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần, Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, cùng với toàn ngành ngân hàng, VIB đã tiến hành giảm lãi suất cho vay mạnh mẽ cho tất cả các phân khúc khách hàng để tăng cường kích thích cung cầu xã hội cũng như hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cụ thể, trong Quý 2, VIB đã tung gói 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở, với lãi suất chỉ 5,9%-6,9%-7,9% cho các kỳ cố định lãi suất lên tới 24 tháng, song song với các chương trình kích thích tín dụng khác ở các mảng cho vay căn hộ, cho vay kinh doanh và cho vay mua ô tô. Đối với các khách hàng doanh nghiệp, VIB cũng duy trì mức giá giảm sâu, tập trung vào tài trợ vốn lưu động và tài trợ trung dài hạn cho các doanh nghiệp với mức lãi suất từ 2,9% trở lên.
Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ cho biết, mặc dù việc giảm giá sâu sẽ dẫn đến làm giảm lợi nhuận ngắn hạn nhưng đây là bước tạo điều kiện phát triển bền vững cho cá nhân, doanh nghiệp và ngân hàng khi sản xuất kinh doanh được phục hồi trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đại diện VIB cũng đã chỉ ra nhiều khó khăn, thách thức mà ngành ngân hàng đang phải đối mặt.
“Hiện nay việc xử lý tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu là rất khó khăn. Một trong những nguyên nhân cơ bản là Nghị quyết 42 của Quốc hội đã hết hiệu lực và Luật các tổ chức tín dụng mới không có quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng”, ông Đặng Khắc Vỹ nói.
Cụ thể, các tổ chức tín dụng không thể thực hiện việc thu giữ để xử lý tài sản bảo đảm kể cả khi đã có thỏa thuận với khách hàng về phương thức xử lý tài sản bảo đảm và quyền thu giữ tài sản bảo đảm đã được quy định trong hợp đồng bảo đảm phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự 2015 và Nghị định 21 năm 2021 hướng dẫn thi hành Bộ luật dân sự 2015.
Điều này dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm phụ thuộc hoàn toàn vào quá trình tố tụng và bán tài sản bảo đảm trong quá trình thi hành án. Trong khi đó, quá trình khởi kiện, tham gia tố tụng và tiến hành thi hành án theo quy định cho mỗi một vụ án thường kéo dài, trong bối cảnh ngân hàng phải trích dự phòng rủi ro, dừng dự thu lãi trong khi vẫn phải trả chi phí huy động vốn hàng ngày.
“Thực trạng đó tạo ra rủi ro lớn, đặc biệt cho tổ chức tín dụng có hàm lượng cho vay bán lẻ tỷ trọng cao, hướng tới kích cầu, phải xử lý rất nhiều món nợ xấu giá trị nhỏ, địa lý phân tán, dẫn đến chi phí hoạt động cao trong vấn đề thu hồi nợ và làm giảm khả năng đẩy mạnh cho vay khách hàng”, ông Vỹ cho hay.
Tại hội nghị, Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ cũng đưa ra một số đề xuất, kiến nghị như cần thúc đẩy quyết liệt các giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Theo ông, sự phục hồi của thị trường bất động sản không những tác động tích cực tới nền kinh tế mà giúp các ngân hàng tăng cường cho vay và xử lý được nợ xấu.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực thi chính sách không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá nhằm tránh những hệ lụy về sau ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của các ngân hàng và sự ổn định của ngành ngân hàng khi nợ xấu gia tăng, lợi nhuận suy giảm.
Lãnh đạo VIB còn đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ban hành các quy định chấp nhận việc các tổ chức tín dụng được quyền thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm nhằm xử lý, thu hồi nợ xấu trong trường hợp hợp đồng bảo đảm được ký kết hợp pháp có quy định đầy đủ 3 nội dung: Quy định một trong những phương thức xử lý tài sản bảo đảm là tổ chức tiến hành thu giữ tài sản bảo đảm, quy định tổ chức tín dụng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm, quy định về trình tự thủ tục để tổ chức tín dụng thu giữ tài sản bảo đảm.
“Khi quyền hợp pháp của chủ nợ được bảo vệ đầy đủ, trong đó có quyền của các tổ chức tín dụng được thu giữ để xử lý tài sản bảo đảm sẽ tăng được khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và người dân, chi phí tín dụng của người vay được tiết giảm”, ông nói.
(VNF) - Chưa bao giờ chợ trung tâm Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) lại rơi vào cảnh đìu hiu như hiện nay. Hàng loạt kiot tại các chợ lớn đóng cửa, khách vào chợ lèo tèo, người bán hàng phần lớn ngồi chơi smart phone