Khúc mắc lẩn khuất từ vụ tiền 'bốc hơi' tại VietABank

Nguyễn Hoài - 04/01/2019 07:22 (GMT+7)

(VNF) - VietABank có chi lãi suất ngoài hợp đồng hay không? Tại sao ông Triệu Hùng Cường và bà Triệu Thị Tuyết Trinh lại có quan hệ vay nợ tại VietABank và FE Credit? Nguồn tiền gửi 170 tỷ đồng tại VietABank có từ đâu?

VNF
Ngày 1/3/2018, VietABank công bố mở trang tra cứu sổ tiết kiệm để khách hàng tự kiểm tra còn tiền hay mất. Ảnh: VietABank

Ngày 3/1/2019, VietnamFinance đã có buổi làm việc với bà Triệu Thị Tuyết Trinh (hộ khẩu thường trú tại 48 Trần Nhân Tông, Hà Nội) và ông Ma Hữu Phan (trú tại 99 An Trạch, Quốc Tử Giám, Hà Nội) xung quanh vụ “bốc hơi” 170 tỷ đồng tiền gửi tại VietABank.

Đường đi ngoằn ngoèo của hợp đồng “đồng sở hữu”

Bà Triệu Thị Tuyết Trinh là người đứng tên gửi 3 món, trị giá 75 tỷ đồng và ông Triệu Hùng Cường gửi 3 món, trị giá 95 tỷ đồng tại VietABank (tổng cộng 6 món, trị giá 170 tỷ đồng).

Ông Ma Hữu Phan là người được bà Trinh và ông Cường uỷ quyền để giải quyết toàn bộ 170 tỷ đồng được cho là đang mắc kẹt tại VietABank.

Bà Triệu Thị Tuyết Trinh cung cấp cho VietnamFinance các bản sao hợp đồng tiền gửi số 5308/2018/VietABank-CN ngày 31/8/2018, trị giá 30 tỷ đồng; hợp đồng số 7110/2018/VietABank-CN, ngày 26/10/2018, trị giá 20 tỷ đồng. Hai hợp đồng này, bà Trinh đứng tên đồng sở hữu với bà Nguyễn Thị Hà Thành (đã bị Công an Hà Nội bắt giữ).

Ngoài ra, còn có Hợp đồng số 6109/2018/VAB-CN, ngày 8/10/2018, trị giá 25 tỷ đồng. Hợp đồng này bà Trinh đồng sở hữu với bà Trần Bích Liên. Tất cả những món gửi trên đều thực hiện tại Phòng giao dịch Đông Đô, VietABank chi nhánh Hà Nội.

Lý giải vì sao lại là “đồng sở hữu” đối với những món gửi trên, ông Ma Hữu Phan kể: Số tiền 170 tỷ đồng nói trên là của một nhóm đầu tư đang tiến hành mua dự án cảng cạn tại Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh, thị trấn Hùng Quốc, huyện Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng của công ty Interserco VCI. Dự án này có tổng mức đầu tư xác định tại thời điểm 11/1/2017 là 3.200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, quá trình mua bán giữa hai bên bị trục trặc, khiến số tiền chuẩn bị đầu tư bị ứ đọng, mặc dù nhóm ông Ma Hữu Phan đã góp 5,4 tỷ đồng.

Tại thời điểm đó, ông Phan được một người quen giới thiệu cho biết bà Nguyễn Thị Hà Thành. “Người quen” này “rỉ tai” ông Phan rằng: bà Thành là người quen biết và thân cán bộ ngân hàng VietABank Phòng giao dịch Đông Đô; nếu gửi tiền “đồng sở hữu” với bà Thành, sẽ được ngân hàng chi thêm lãi suất ngoài hợp đồng. Khoản “chênh” này, ông Phan nói với VietnamFinance là “khoảng 2%/năm” so với mức ghi trong hợp đồng là 5,5%/năm.

“Phải quen với người ngân hàng thì mới có lãi suất ngoài, còn nếu mình đến gửi thì không có vì ngân hàng sợ bị khách hàng tố”, ông Ma Hữu Phan nói với VietnamFinance.

Điều này chưa được kiểm chứng, bởi khi VietnamFinance đề nghị ông Ma Hữu Phan cung cấp chứng từ hoặc giấy tờ liên quan chứng minh “ngân hàng chi lãi ngoài” thì ông Phan không cung cấp được.

Bí ẩn khoản nợ của ông Cường và bà Trinh

Cũng tại buổi làm việc, bà Trinh và ông Phan cùng một số người liên quan đưa ra một số bản sao kê tra cứu thông tin về mối quan hệ vay mượn của ông Triệu Hùng Cường và bà Triệu Thị Tuyết Trinh từ Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC).

Cụ thể, theo mã số phiếu tra cứu 75555 thì vào lúc 11 giờ 20 phút ngày 10/12/2018, ông Triệu Hùng Cường, mã số CIC là 0133263084, số chứng minh nhân dân 012825900 có quan hệ tín dụng vay 58,5 tỷ đồng, khoản nợ được phân loại “dư nợ đủ tiêu chuẩn” tại VietABank chi nhánh Hà Nội.

Tương tự, bà Triệu Thị Tuyết Trinh có mã số phiếu 87655 báo cáo vào lúc 11 giờ 18 phút ngày 10/12/2018, có 2 khoản. Khoản thứ nhất trị giá 49 tỷ đồng, dư nợ “đủ tiêu chuẩn” cũng tại VietABank chi nhánh Hà Nội. Khoản thứ hai trị giá 34 triệu đồng, tại Công ty tài chính TNHH Một thành viên Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit), được xếp vào loại “dư nợ dưới tiêu chuẩn”.

Về vấn đề này, ông Ma Hữu Phan cho biết, tại các buổi làm việc giữa ông Triệu Hùng Cường, bà Triệu Thị Tuyết Trinh và ông Phan với đại diện VietABank, phía ngân hàng cho rằng, đã có ai đó dùng các sổ tiết kiệm đồng sở hữu giữa ông Cường, bà Trinh và người đồng sở hữu thế chấp tại VietABank chi nhánh Hà Nội để vay số tiền nêu trên như sao kê từ CIC đã phản ánh.

Tuy nhiên, theo ông Ma Hữu Phan, VietABank đã không cung cấp cụ thể các bằng chứng ông Cường, bà Trinh từng giao dịch vay mượn những khoản tiền trên như thế nào. 

Một điều lạ lẫm là, ông Phan cũng cung cấp cho VietnamFinance Biên bản thoả thuận ba bên số 3013.2018 ngày 30/10/2018 giữa đại diện ngân hàng và 2 đồng sở hữu là ông Triệu Hùng Cường (chủ sở hữu thứ nhất) và ông Nguyễn Thanh Tùng (chủ sở hữu thứ hai) tại hợp đồng tiền gửi số 7210/2018/VAB-CN, thời hạn 3 tháng, từ 26/10/2018 đến 26/1/2019 (nằm trong 6 món gửi trị giá 170 tỷ đồng như nói ở phần đầu).

Trong hợp đồng số 7210/2018/VAB-CN, phần của ông Triệu Hùng Cường là 25 tỷ đồng, ông Nguyễn Thanh Tùng là 5 tỷ đồng. Theo biên bản nói trên, cả ba bên đều đồng ý với nội dung: vào ngày đến hạn hợp đồng, khách hàng sẽ thông báo và yêu cầu ngân hàng giải toả hợp đồng trên và tiền sẽ được chuyển về tài khoản cá nhân của chủ sở hữu thứ nhất, tức ông Triệu Hùng Cường là 25 tỷ đồng, không cần thông qua chủ sở hữu thứ hai là ông Nguyễn Thanh Tùng.

Nhưng, không hiểu vì lý do gì, hợp đồng tiền gửi ngày 26/10/2018 nhưng cũng trong ngày đó, VietABank có giấy đề nghị số 717/ĐNPT-GT/2018 về việc phong toả toàn bộ số tiền trong hợp đồng 7210/2018/VAB-CN theo đề nghị của khách hàng.

Cho đến nay, vụ việc tại VietABank đã bước qua ngày thứ 10. Và theo tìm hiểu của VietnamFinance, còn không ít khúc mắc khác chưa được giải đáp. Nhưng khá ngạc nhiên, đã không có một phản ứng cụ thể nào ở VietABank, từ việc tổ chức công bố thông tin hay ít nhất là một bản thông cáo báo chí trên cổng thông tin ngân hàng đề cập trực tiếp đến vụ việc trên.

Thay vào đó, như hầu hết các sự cố “bốc hơi” tiền trong tài khoản tiền gửi, tài khoản ATM, mỗi khi khách hàng làm rùm beng thì điệp khúc: “sự việc đang chờ cơ quan điều tra” cứ lặp đi, lặp lại, như thể là muôn thuở.

"Không dành nhiều thời gian tra soát khung lãi suất so sánh cao thấp, cân đong đo đếm giữa các ngân hàng, người gửi đặt sự quan tâm hàng đầu cho yếu tố an toàn.

Tư duy của khách hàng gửi tiết kiệm đã có sự thay đổi so với trước đây khi tìm ngân hàng để “chọn mặt gửi vàng”.  Thay vì nghĩ tới việc mang tiền gửi vào nhà băng có lãi suất hấp dẫn nhất, nhiều chương trình khuyến mại có giải thưởng cao nhất… thì ngày nay điều đầu tiên khách hàng nghĩ tới là gửi tiền vào nơi nào an toàn nhất?

Liên tiếp các vụ việc tiền gửi trong ngân hàng của khách hàng bỗng dưng “bốc hơi” đã gióng lên hồi chuông về “sự an toàn trong tiền gửi ngân hàng”. Làm thế nào để khách hàng biết rõ được thông tin tiền gửi trên sổ tiết kiệm có trùng khớp với số liệu đang được quản lý trong hệ thống ngân hàng? Những biến động, vấn đề liên quan có được chủ tài khoản cập nhật thường xuyên?......

Một tin vui dành cho những khách hàng lựa chọn sự an toàn là yếu tố quan tâm hàng đầu khi VietABank – một trong những ngân hàng tiên phong ứng dụng công nghệ số vào hoạt động đã chính thức mở trang công cụ tra cứu sổ tiết kiệm trên website www.vietabank.com.vn. Với trang công cụ này, VietABank trao “đặc quyền” cho khách hàng trong việc tự tra cứu thông tin về tình trạng của Sổ tiết kiệm đã được cập nhật trên hệ thống ngân hàng kể cả trường hợp chưa có tài khoản thanh toán. Cụ thể, sau khi khách hàng nhập số tài khoản sổ tiết kiệm, màn hình sẽ hiển thị các thông tin: Tên sản phẩm; Số tiền gửi; Kỳ hạn gửi tiền; Ngày mở sổ; Ngày đến hạn thanh toán; Lãi suất…"

Trích Thông cáo báo chí của VietABank ngày 1/3/2018.  

Cùng chuyên mục
Tin khác